Thi trên máy tính: Lộ trình phù hợp với thực tiễn

GD&TĐ- Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị giáo dục ĐH năm 2020, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, chủ trương thành lập trung tâm khảo thí độc lập và thi trên máy tính được Bộ tính đến, nhưng cần có lộ trình.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.  	Ảnh: TG
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Ảnh: TG

Giai đoạn 2021 - 2025:  Giữ ổn định tuyển sinh

- Thứ trưởng có thể cho biết chi tiết về phương án tuyển sinh năm 2021 và những năm tiếp theo? 

- Giai đoạn 2021 – 2025, sẽ giữ ổn định phương án tuyển sinh như năm 2020, có điều chỉnh một số vấn đề kỹ thuật để phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Phương án này được các cơ sở giáo dục ĐH thống nhất cao. Tinh thần là, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và công tác tuyển sinh của các trường ngày càng nhẹ nhàng. Theo đó, các trường tiếp tục được tăng cường quyền tự chủ. Với những trường có yêu cầu “chuyên biệt” với thí sinh, có thể kết hợp thành nhóm để tổ chức bài thi đánh giá năng lực gọn nhẹ và kết quả sẽ dùng chung cho các trường tuyển sinh.
Việc đăng ký nguyện vọng của thí sinh sẽ đưa lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Do đó, các trường phải chuẩn bị đầy đủ, chính xác thông tin và có trách nhiệm đưa thông tin lên cổng. Về lâu dài, sẽ cố gắng xây dựng trung tâm khảo thí độc lập. Quan điểm của Bộ là, phát huy tối đa quyền tự chủ của     các trường.

- Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về việc thành lập trung tâm khảo thí độc lập và lộ trình thi trên máy tính?

- Chủ trương này đã được Bộ GD&ĐT tính đến, nhưng phải có lộ trình từng bước và phù hợp với thực tiễn. Các trung tâm này có nhiệm vụ làm dịch vụ thi để các trường sử dụng kết quả tuyển sinh. Các trường ĐH cũng đề nghị Bộ giữ vai trò chỉ đạo. Việc tổ chức thi trên máy tính có ưu điểm gọn nhẹ, giảm sự can thiệp của con người và có thể thi nhiều lần trong năm. 

Cần phân biệt rạch ròi giữa việc thi trên máy tính và các kỳ thi do các trung tâm khảo thí độc lập tổ chức. Thi trên máy tính là các địa phương chịu trách nhiệm tổ chức, nhằm phục vụ xét tốt nghiệp THPT. Bộ GD&ĐT có trách nhiệm ban hành văn bản, chính sách để tổ chức kỳ thi thật tốt. Địa phương nào có điều kiện sẽ tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính trước. Nơi nào chưa có điều kiện vẫn thi trên giấy. 
Còn các trung tâm khảo thí độc lập sẽ tổ chức các kỳ thi nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển sinh của các cơ sở giáo dục ĐH. Khuyến khích các trung tâm tổ chức thi trên máy tính, tạo thuận lợi cho thí sinh. Theo đó, thí sinh không phải di chuyển đi thi và có thể thi nhiều lần trong năm.

Tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn.

- Từ công tác tuyển sinh năm 2020, nhiều ý kiến băn khoăn có nên để thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT hay không? 

- Việc thí sinh được đăng ký nguyện vọng và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển sau kỳ thi là thành công trong thời gian qua. Việc này diễn ra không hề tốn kém, bởi các em có thể thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh phương thức này, giảm thiểu thao tác trên giấy. 

Chúng ta tiếp tục phát huy việc thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, vì nó mang lại nhiều lợi ích cho các em. Một mặt không phải vì kết quả thi, mà trong thời gian đó, các em có thêm điều kiện để tìm hiểu thông tin và định hướng nghề nghiệp rõ hơn; từ đó có sự lựa chọn đúng và trúng thông qua hình thức điều chỉnh nguyện vọng. 

Cái gì mang lại lợi ích cho thí sinh thì cũng mang lại lợi ích cho các trường. Khi thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn, nhà trường sẽ có cơ hội tuyển sinh đạt chỉ tiêu và tuyển được những thí sinh phù hợp. Năm 2020, thống kế cho thấy, lượng thí sinh nhập học tăng lên. Điều đó chứng tỏ, công tác tuyển sinh thành công và đó là điều chúng ta mong muốn, nên rất cần phát huy.

- Năm 2020, kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT được nhiều trường ĐH sử dụng để tuyển sinh. Năm 2021, Bộ sẽ có giải pháp gì để tiếp tục bảo đảm tính khách quan, trung thực, tạo sự yên tâm cho các trường xét tuyển?

- Chúng ta đều mong muốn, kỳ thi có tính ổn định. Minh chứng 5 năm qua cho thấy, kỳ thi ngày càng tăng tính ổn định, với độ tin cậy ngày càng cao và tính khách quan đã được các trường ghi nhận. Vì thế, cùng với Bộ GD&ĐT, chúng ta tiếp tục đề cao trách nhiệm của các địa phương. 

Thực tế, năm 2020 các địa phương đã phát huy cao tinh thần trách nhiệm trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, trường đại học cũng sẵn sàng tham gia vào công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, nhằm tăng cường độ tin cậy và tính khách quan của kỳ thi.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Hầu hết các trường ĐH ủng hộ phương thức lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Điều đó cho thấy, kết quả kỳ thi bảo đảm độ tin cậy cao. Các trường được thực hiện quyền tự chủ của mình trong tuyển sinh. Một số trường có yêu cầu chuyên biệt có thể liên kết với nhau để tổ chức bài thi đánh giá năng lực…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.