Những đột phá của Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông
Điều đó dẫn đến cách dạy học phải thay đổi, không chỉ rao giảng kiến thức mà phải cho học sinh thực hành vận dụng trong thực tiễn.
Nội dung ấy kéo theo hàng loạt vấn đề, cách lựa chọn các đơn vị kiến thức phải thay đổi; không đưa nội dung quá nặng, quá cao so với yêu cầu học vấn phổ thông mà tăng cường thời gian thực hành, luyện tập, tăng cường vận dụng kiến thức. Kiểm tra, đánh giá cũng phải thay đổi và về việc này, Bộ GD&ĐT đã triển khai theo lộ trình.
Điểm mới nữa là chương trình được thực hiện theo mạch xuyên suốt các môn học, từ lớp 1 đến lớp 12, khắc phục chuyện trùng lặp, thiếu liên thông mà chương trình hiện hành đang mắc phải.
Cách thiết kế chương trình và tổ chức biên soạn sách giáo khoa mới cũng sẽ có sự thay đổi lớn, với nguyên tắc: Tích hợp cao ở lớp và cấp học dưới; tự chọn và phân hóa cao ở lớp và cấp học trên.
Cách thiết kế này cho phép lựa chọn có chủ đích trong khối kiến thức rất lớn, rất phong phú của các lĩnh vực khoa học những nội dung phù hợp với lứa tuổi (tâm lý, kỹ năng, nhận thức…) của học sinh phổ thông, gần với cuộc sống, thiết thực tham gia vào quá trình hình thành phẩm chất và năng lực của người lao động mới.
Về kinh phí 34 nghìn tỷ đồng thực hiện Đề án, ông Đỗ Ngọc Thống cho biết: Đó chỉ là con số khái toán bước đầu, phải trải qua thẩm định của Bộ Tài chính và rất nhiều cơ quan khác, qua thẩm tra của Quốc hội.
“Chúng tôi xin lắng nghe, tiếp thu tất cả các ý kiến góp ý, phản biện và sẽ tiếp tục hoàn chỉnh Đề án” - Ông Thống cho biết.
Làm rõ thêm nội dung kinh phí thực hiện Đề án, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết: Con số 34 nghìn tỷ là con số khái toán trên cơ sở định mức quy định về tài chính.
Triệt để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát lại để có con số khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, xuất phát từ nhu cầu tất yếu của đổi mới chương trình, sách giáo khoa để Quốc hội chính thức thông qua.
Lưu ý những điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT
Tại cuộc họp báo, nhiều ý kiến xoay quanh những nội dung mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, trong đó có điểm mới trong đề thi môn Văn và môn Ngoại ngữ.
Trả lời câu hỏi: Thi Ngoại ngữ tốt nghiệp THPT năm nay thí sinh phải làm bài thi viết hay viết luận, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - giải đáp:
Trong văn bản chính thức, Bộ GD&ĐT nêu rõ môn Ngoại ngữ gồm viết và trắc nghiệm. Phần Viết phạm trù rộng hơn. Viết trong Ngoại ngữ có nhiều dạng, như chuyển từ bị động sang chủ động, điền từ vào chỗ trống… hay khó hơn là viết theo các topic, chủ đề. Còn viết luận cũng là một dạng của viết nhưng nặng hơn nhiều.
“Chúng ta chuẩn hóa là “viết” chứ không phải “viết luận” – Ông Trinh nhấn mạnh.
Liên quan đến điểm mới trong xét tốt nghiệp và bảo lưu kết quả đối với thí sinh giáo dục thường xuyên, ông Mai Văn Trinh cho hay:
Năm nay, với việc giảm số môn thi từ 6 môn trước đây xuống còn 4 môn, sẽ có trường hợp thí sinh dự thi GDTX năm 2013 nhưng trượt tốt nghiệp, đăng ký dự thi năm 2014 gồm 4 môn được bảo lưu điểm thi.
Tuy nhiên, ông Trinh nhấn mạnh: Các học viên GDTX bảo lưu điểm thi của những môn thí sinh đã thi năm 2013 đạt yêu cầu rồi, không phải không thi mà có điểm.
Có thể sẽ có thí sinh là học viên GDTX năm nay đạt quy định điểm thi tốt nghiệp, không cần phải thi lại những môn đã thi có điểm đạt điều kiện từ năm trước.
“Nhưng cần phải lưu ý: Với quy định mới về việc xét công nhận tốt nghiệp, tổng điểm của 4 môn (điểm thi hay điểm bảo lưu) chỉ chiếm 50% tổng điểm xét tốt nghiệp, còn điểm trung bình năm học lớp 12 chiếm 50%” - Ông Trinh cho hay.