Thi THPT quốc gia 2018: Ổn định tâm lý thi cử

GD&TĐ - Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thọ - Phó Trưởng phòng Quản lý Đào tạo Đại học và sau Đại học, Trường Đại học Kiên Giang nhận định việc Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ nguyên phương thức tổ chức thi THPT quốc gia từ năm 2018 đến năm 2020 giống như năm 2017 là một tín hiệu đáng mừng, được dư luận xã hội đồng tình và đánh giá cao.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thọ - Phó Trưởng phòng Quản lý Đào tạo Đại học và Sau Đại học, Trường ĐH Kiên Giang.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thọ - Phó Trưởng phòng Quản lý Đào tạo Đại học và Sau Đại học, Trường ĐH Kiên Giang.

Đồng thời, việc ổn định phương thức thi sẽ giúp thí sinh giảm áp lực thi cử, an tâm, tránh tình trạng hoang mang, lo lắng, việc học và ôn tập sẽ đạt hiệu quả tốt hơn do có thời gian chuẩn bị kiến thức và tâm lý.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thọ, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện đúng lộ trình đã đề ra từ cuối năm 2016, về việc tăng khối lượng kiến thức theo từng năm (Cụ thể: Bắt đầu từ Kỳ thi THPT Quốc gia 2018, đề thi sẽ có phần liên quan lớp 11 và từ năm 2019, đề thi sẽ bao gồm cả chương trình THPT) thí sinh và nhà trường đều đã biết và đã có tư thế sự chuẩn bị trước đó. Hứa hẹn sắp đến sẽ diễn ra một kỳ thi đảm bảo chất lượng, nhẹ nhàng, giảm tải được áp lực thi cử cho học sinh, cũng như giúp giáo viên chủ động hơn trong việc hệ thống kiến thức, ôn tập cho học sinh.

“Theo tôi, áp dụng phương án lấy 3 đầu điểm trong tổ hợp môn thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội tạo nhiều thuận lợi cho các trường cao đẳng, đại học trong việc xét tuyển, mở rộng phạm vi xét tuyển khách quan theo từng chuyên ngành”, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thọ, nhấn mạnh.

Hướng cải tiến từ năm 2021 trở đi, nếu có điều kiện cho phép có thể tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính sẽ là phương án đánh giá khách quan nhất trong việc làm bài và chấm bài theo phương thức tinh gọn, hiện đại, tiện ích, tiết kiệm thời gian cho cả thí sinh lẫn đội ngũ tổ chức thi, tránh gây tốn kém, phiền hà. Tuy nhiên, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thọ cho rằng chỉ nên áp dụng phương thức này cho các môn Khoa học tự nhiên (Toán, Lý, Hóa, Sinh), còn các môn xã hội đặc biệt là môn Văn nên giữ nguyên phương thức thi tự luận để tăng cường và rèn luyện khả năng tư duy, lập luận của thí sinh trong cách làm bài.

Việc tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành được thiết kế có 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao sẽ phân loại được năng lực của thí sinh, đưa ra kết quả đáng tin cậy.

Riêng về việc đổi mới phương thức xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với nhóm ngành/ngành đào tạo giáo viên dựa trên nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương và điều kiện đảm bảo chất lượng của từng trường là giải pháp tốt trong việc giảm thiểu, khắc phục tình trạng thừa giáo viên trong xã hội hiện nay, giúp ổn định đầu ra cho người học, tăng cơ hội có việc làm. Đồng thời, phương án này sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo chuyên môn, cũng như khả năng nghề nghiệp cho đối tượng theo học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ