Đề thi Ngữ văn: Chạm vào cảm xúc
Là một trong những thí sinh đầu tiên nộp bài và ra khỏi điểm thi, Trần Thị Mai nhà ở huyện Trấn Yên (Yên Bái), dự thi tại điểm thi Trường THPT Lý Thường Kiệt tự tin nói: Em thích nhất phần nghị luận văn học với câu hỏi phân tích vẻ đẹp thượng lưu sông Hương. Em chưa đến đây, nhưng đã cảm nhận được vẻ đẹp qua nội dung tác phẩm. Em đã cố gắng biểu đạt cảm xúc của mình với tất cả tình yêu và mong muốn sẽ sớm đến với sông Hương với Huế mộng mơ.
Học tại Trường THPT chuyên Quốc Học Huế (Thừa Thiên – Huế), Nguyễn Thị Phương Thảo không giấu nổi niềm vui khi đề thi môn Ngữ văn năm nay giàu cảm xúc đến vậy. “Hơn nữa, đề thi đề cập đến sông Hương của xứ Huế càng kích thích chúng em bày tỏ suy nghĩ về nơi vốn thuộc về mình. Em tin nhiều thí sinh Huế làm tốt bài thi này”, Thảo bày tỏ.
Còn tại Cà Mau, theo chia sẻ của các thí sinh, đề thi vừa sức. Lý Tiến Kiệt, học sinh Trường THPT Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau), cho hay: Em thích nhất là phần đề gắn với thực tiễn cuộc sống hàng ngày. Thí sinh Nguyễn Quốc Khải, học sinh Trường THPT Phú Hưng (huyện Cái Nước) tự tin: Em sẽ đạt điểm trên trung bình, vì được nhà trường ôn tập kỹ, ôn đúng phần nghị luận. Phần đọc hiểu vừa với khả năng của bản thân.
Nhận xét về đề thi Ngữ văn, cô Nguyễn Thu Hà, GV Trường THPT Tử Đà (Phù Ninh, Phú Thọ) cho rằng: Đề thi nhẹ nhàng, yêu cầu vừa sức, nội dung kiến thức phù hợp, có tính phân loại. Ở phần đọc hiểu dẫn một ngữ liệu là thơ, 4 câu hỏi với các mức độ, từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng không hề đánh đố học sinh, 2 câu đầu học sinh chỉ cần đọc kỹ câu hỏi và phần ngữ liệu là có thể có câu trả lời. Riêng với câu hỏi số 4, học sinh cần có được những suy nghĩ sâu sắc của bản thân để có thể lấy được điểm cao.
Phần viết đoạn văn nghị luận xã hội, nội dung đề cập đến một vấn đề gần gũi thiết thực đó là sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống. Học sinh hoàn toàn có thể giải quyết được. Phần viết bài văn nghị luận văn học, chỉ hỏi kiến thức nằm trọn vẹn trong một tác phẩm của lớp 12 đó là tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”. Yêu cầu thứ nhất: Học sinh trình bày cảm nhận về hình tượng sông Hương trong 1 đoạn văn là yêu cầu rất cơ bản; yêu cầu thứ hai có tính phân loại (nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường) tạo cơ hội cho học sinh có trình độ khá giỏi phát huy thế mạnh.
Còn theo ThS Trần Văn Toản (Tổ Văn, Trường THPT chuyên Quốc Học Huế, Thừa Thiên – Huế), câu 1 (nghị luận xã hội ) của phần làm văn yêu cầu viết đoạn văn về sức mạnh, ý chí của con người trong cuộc sống. Theo tôi, đây là vấn đề nóng. Bởi lẽ, trước tác động của xã hội, ảnh hưởng thời đại, nhiều người, nhất là bạn trẻ đã sống phai nhạt lý tưởng, ý chí lung lay, đánh mất niềm tin. Viết về ý chí là dịp để bạn trẻ nhìn lại mình, tự thức tỉnh mình. Vì thế câu nghị luận xã hội này đang “chạm” vào giá trị, sức mạnh bản thân nên chắc chắn có sự cộng hưởng, gây chú ý.
Đặc biệt ở câu 2 (nghị luận văn học) của phần làm văn đề thi tập trung vào chương trình lớp 12 (không đưa chương trình lớp 11 vào như đề thi năm trước) là phù hợp với mọi đối tượng học sinh. Hơn nữa, đề thi ra về bài ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường là một sự đổi mới. Mấy năm lại đây đề thi chủ yếu tập trung vào thơ và truyện ngắn. Đưa bài ký vào trong đề ít nhiều làm cho học sinh thay đổi cách học tủ, đoán già đoán non. Đồng thời đòi hỏi thí sinh thể hiện được tư duy phát hiện, cảm nhận sự tinh tế của nhà văn qua một đoạn trong bài ký.
Phân loại học sinh qua đề thi Toán
Kết thúc bài thi môn Toán, các thí sinh Nghệ An tỏ ra khá phấn khởi, tự tin với bài làm của mình. Theo đánh giá chung của nhiều học sinh, đề Toán năm nay không khó như năm trước đó.
Thí sinh Mai Chi tại điểm thi THPT chuyên Phan Bội Châu (TP Vinh, Nghệ An) chia sẻ: Đề có tính phân hóa cao để cho tất cả thí sinh đều có thể đạt được điểm theo lực học của mình. Trong đó có khoảng 10 câu cuối khó nhất, em cũng không chắc chắn đúng. Tuy nhiên, do không đặt mục tiêu cao cho môn Toán nên em thấy hài lòng với nỗ lực của mình. Cùng chung quan điểm, nhóm thí sinh đến từ Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (TP Vinh) cho hay: Đề vừa sức học sinh, nằm trong chương trình học. Nhưng cũng có những câu hỏi thực sự khó, dành cho những ai chinh phục muốn điểm 9, điểm 10.
Đề thi Toán năm nay được nhiều thầy cô nhận xét đáp ứng yêu cầu “2 trong 1”, vừa giúp xét tốt nghiệp, vừa làm cơ sở để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Đề không làm khó thí sinh nhưng dự đoán sẽ không nhiều điểm 9, 10.
Thầy Đinh Hữu Lâm - Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông, Hà Nội) nhận định:So với đề thi THPT năm 2018 đề năm nay dễ hơn, học sinh mức độ trung bình phổ điểm có thể làm được từ 4 - 6 điểm, học sinh khá sẽ làm mức độ từ 5 - 7 điểm, mức độ điểm từ 8 - 10 theo tôi sẽ nhiều hơn. Khả năng năm nay sẽ có nhiều học sinh đạt kết quả cao.
Cụ thể, với mã đề 105, về cấu trúc chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, có một số câu nằm trong chương trình lớp 11, chiếm khoảng 10%, gồm các câu 4, 6, 30, 38. Nội dung có tính phân loại cao, từ câu 1 - 30 ở mức độ nhận biết và thông hiểu dành cho những học sinh dùng để xét tốt nghiệp THPT; từ câu 30 - 50 dùng cho những học sinh xét tuyển vào các trường đại học, trong đó câu 30 - 40 dành cho học sinh khá, câu 41 - 50 là những câu khó, ở mức độ vận dụng cao, dành cho học sinh giỏi dùng xét tuyển vào các trường đại học tốp cao.
“Đề không có sự đánh đố học sinh, mức độ tính toán ít, đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng phân tích, tổng hợp. Trong đề có một số câu như câu 42, 43, 47, 50, là những câu hay, học sinh không cần phải tính toán nhiều mà chỉ cần có kỹ năng phân tích, tổng hợp, đọc đồ thị (42, 43, 50) và có tư duy tưởng tượng về không gian (câu 47)”, thầy Lâm trao đổi.
Thầy Lê Văn Cường - Giáo viên Toán Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành - ĐHSP Hà Nội cho rằng: Đề thi có 20 câu ở mức độ cơ bản, có 10 câu ở mức độ nâng cao, một số câu có tính mới và khó như câu 50 ở mã đề 119. Tuy có phần nhẹ hơn năm trước nhưng học sinh phải nắm vững kiến thức và kĩ năng làm bài tốt mới đạt được điểm cao. “Với đề thi này, dự kiến phổ điểm chủ yếu của học sinh sẽ từ 6 đến 8. Với học sinh trung bình sẽ được 6 - 7 điểm; học sinh khá/giỏi sẽ được 8 - 9 điểm.