Thí sinh đất mũi Cà Mau hào hứng với đề Văn
“Đề thi môn Ngữ văn vừa sức, theo em sẽ được từ 6 đến 7 điểm, em thích nhất là phần đề cho gắn với thực tiễn cuộc sống hàng ngày. Em Lý Tiến Kiệt, học sinh Trường THPT Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau), cho hay.
Còn em Nguyễn Quốc Khải, học sinh Trường THPT Phú Hưng (huyện Cái Nước), cho biết thêm: “Em sẽ đạt điểm trên trung bình, vì được nhà trường ôn thật kỹ, ôn đúng phần nghị luận, còn phần đọc hiểu vừa với khả năng của bản thân”.
Cơm được trao cho thí sinh tại điểm thi Trường THPT Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau) |
Công tác phối hợp, hỗ trợ kỳ thi được tỉnh Cà Mau thực hiện hiệu quả. Công ty TNHH ô tô xe máy Tân Ngọc Anh, hỗ trợ xe miễn phí, sổ tay, bút bi, nước uống cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thi toàn tỉnh, với tổng số tiền khoảng 200 triệu đồng.
Cùng với đó, cơm từ thiện được các nhà hảo tâm trao tận tay học sinh sau buổi thi kết thúc.
Yên Bái: Hồ hởi phấn khởi sau buổi thi đầu tiên
Kết thúc buổi thi đầu tiên tại 25 điểm thi trên toàn tỉnh Yên Bái, ghi nhận chung là không khí hồ hởi, phấn khởi của thí sinh. Đề thi được đánh giá là phù hợp với từng yêu cầu của thí sinh, giúp đánh giá năng lực học tập đối với từng đối tượng xét tốt nghiệp hay đăng ký xét tuyển đại học.
Là một trong những thí sinh đầu tiên nộp bài và ra khỏi điểm thi, em Trần Thị Mai nhà ở huyện Trấn Yên, dự thi tại điểm thi Trường THPT Lý Thường Kiệt đã rất vui vì làm bài tốt: "Em thích nhất phần nghị luận văn học với câu hỏi phân tích vẻ đẹp thượng lưu sông Hương. Em chưa đến đây, nhưng đã cảm nhận được vẻ đẹp qua nội dung tác phẩm, và em đã cố gắng biểu đạt cảm xúc của mình với tất cả tình yêu và mong muốn sẽ sớm đến với sông Hương với Huế mộng mơ.
Còn Vũ Ngọc Anh (xã U Lâu, TP.Yên Bái) cũng tỏ ra rất thích phân nghị luận văn học với câu phân tích vẻ đẹp sông Hương: Giới trẻ giờ đây đang phụ thuộc vào Internet với mạng xã hội nhiều quá, các bạn tìm đọc về những câu chuyện mang tính giật gân, câu khách nhiều bao nhiêu thì lại xa lánh với những tác phẩm văn học đã và đang tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước con người bấy nhiêu.
Phần nội dung nghị luận văn học của đề thi năm nay em cho rằng có giá trị rất lớn. Bên cạnh việc đánh giá năng lực cảm nhận văn học của thí sinh còn là giáo dục tinh thần yêu thiên nhiên, đất nước.
TP.HCM: Thí sinh rạng rỡ vì đề thi môn văn không quá khó
Sau khi kết thúc môn thi Ngữ Văn, nhiều thí sinh tại khu vực TP.HCM đã vui vẻ bước ra khỏi phòng thi vì đề thi năm nay không quá phức tạp.
Em Nguyễn Thị Bích An (học sinh Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm) cho biết, đề thi văn năm nay không khó lắm, bài nghị luận văn học là "Ai đã đặt tên cho dòng sông" của Hoàng Phủ Ngọc Tường em vừa mới được học nên làm bài tốt.
Đề thi năm nay chủ yếu tập trung vào chương trình lớp 12, khoảng 1h30p em đã hoàn thành bài thi của mình.
Em Nguyễn Thị Bích An học sinh Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm. |
Một học sinh khác tại điểm thi Trường Colette chia sẻ: "Em học đều các bài văn năm nay, không chọn cách học tủ nên làm bài cũng khá tự tin. Tâm lý các thí sinh khác trong phòng thi cũng khá ổn, không ai bị căng thẳng nhiều".
Đề Ngữ văn chủ yếu tập trung vào chương trình lớp 12, các em vừa mới được ôn tập nên đa phần các thí sinh đều làm bài được. Không quá khó như những năm trước đây.
Cha mẹ và các thí sinh đều vui mừng vì đề thi Ngữ văn không quá hóc búa. Nhiều phụ huynh đã đứng đợi dưới trời nắng từ lúc các em bước vào phòng thi. Các thi sinh kết thúc môn thi sớm đang chuẩn bị tinh thần cho môn thi tiếp theo vào chiều nay.
14h30 chiều nay, Các thi sính trên cả nước sẻ bắt đầu môn thi Toán. Tinh thần tốt sau khi thi văn sẽ là một điểm cộng để giúp các em tự tin bước vào buổi thi chiều, hoàn thành tốt môn thi.
Hà Tinh: Nhiều thí sinh đánh giá đề thi Văn “dễ thở”
Sau khi kết thúc thời gian làm bài môn Văn, nhiều thí sinh tại điểm thi Trường THPT Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đều có nhận xét chung là đề dễ “thở” hơn năm ngoái.
Thí sinh hồ hởi sau khi kết thúc môn Văn đầu tiên. |
Phần đọc hiểu dễ ăn điểm, phần làm văn đòi hỏi thí sinh cảm nhận về hình tượng sông Hương.
Nhận xét sau khi rời khỏi phòng thi, thí sinh Trần Thị Thanh Huyền (Trường THPT Cẩm Bình) cho rằng: Đề Văn năm nay dễ hơn nhiều so với năm trước. Phần đọc hiểu gồm 4 câu và hỏi về thể thơ, đoạn trích và cảm nhận. Phần nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh thể hiển suy nghĩ về sức mạnh ý chí của con người.
“Đề Văn khá thực tế, đáp ứng với chương trình học, ôn luyện. Em làm được 95%, nếu chấm điểm cũng nắm chắt điểm 7”.
Cần Thơ: Thí sinh nhẹ nhõm với đề Văn
Vừa hoàn thành môn Ngữ văn - môn thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh TP Cần Thơ ra về trong tâm trạng vui vẻ, thoải mái. Nhiều em cho biết đề Văn không quá khó, không cần học thuộc bài, nếu có tư duy, kiến thức tốt sẽ làm đạt điểm khá.
Bước vào môn thi Ngữ văn, nhiều thí sinh khá hồi hộp không biết đề thi năm nay ra sao ? Khi vừa hết giờ làm bài, có mặt tại điểm thi, chúng tôi ghi nhận được nhiều nụ cười nở trên môi các em. “Đề không quá khó, đề này không phải học thuộc lòng, bạn nào có tư duy tốt sẽ đạt điểm cao…”, là nhận định của nhiều thí sinh Cần Thơ sau khi thi môn Văn.
Tại điểm Trường THPT Phan Ngọc Hiển, nhiều thí sinh vui vẻ cho biết đề thi vừa sức, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Phần khó nhất ở cảm nhận về hình tượng sông Hương qua đoạn trích “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”.
Thí sinh trao đổi khi thi xong môn Văn. |
“Em có thể đạt được hơn 6 điểm, em tự tin với bài làm của mình. Phần Đọc hiểu em có thể đạt được trọn 3 điểm; phần Làm văn phần Viết đoạn văn em làm cũng khá tốt. Phần khó nhất theo em đó là câu 5 điểm (Đoạn trích “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” có phần cảm nhận về dòng sông Hương).Em chưa đi đến sông Hương lần nào nên chủ yếu cảm nhận dòng sông thông qua tác phẩm”, thí sinh Lê Vĩnh Thái tại điểm thi THPT Bùi Hữu Nghĩa, cho biết.
Nghệ An: Đề văn “dễ thở”, “hạ nhiệt” so với năm trước
Tại điểm thi Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An) chưa hết giờ làm bài nhưng nhiều thí sinh đã làm xong bài, rời khỏi phòng thi.
Tâm trạng chung của học sinh khá phấn khởi, hào hứng trao đổi bài với nhau, đánh giá đề văn "hạ nhiệt" hơn so với năm trước.
Thí sinh Nghệ An hoàn thành bài thi môn Ngữ văn trong tâm trạng thoải mái. |
Thí sinh Võ Thanh Hằng (HS Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng) cho biết: Em thấy đề thi năm nay tương đối vừa sức, em thích câu nghị luận xã hội về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống.
Em thấy có ý chí, quyết tâm, thì mình sẽ đạt được điều mình mong muốn, có thể không hoàn toàn nhưng cũng giúp mình không phải hối tiếc. Câu hỏi này lấy ngữ liệu từ câu đọc hiểu nên em cũng không mất nhiều thời gian suy nghĩ, hơn nữa câu hỏi cũng chỉ chiếm 2 điểm.
Còn câu nghị luận văn học về đoạn trích trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” khá rộng và bao quát. Vì thế, em cũng chỉ làm mức trung bình, một số ý trong bài em viết còn chung chung, Thanh Hằng chia sẻ.
Tại điểm thi Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng còn có các thí sinh mang quân hàm xanh, đến từ đồn biên phòng các huyện biên giới, vùng biển tỉnh Nghệ An.
Thí sinh trao đổi bài sau môn thi Ngữ văn |
Ra khỏi phòng thi trước khi hết giờ, thí sinh Lỳ Bá Phia (hiện đang công tác tại Đồn biên phòng Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) chia sẻ: Em làm bài khá tốt, các câu hỏi em cũng đã có ôn tập trước đó... Em thấy đề văn không giới hạn nhiều trong SGK mà theo hướng mở để thí sinh nêu lên suy nghĩ của mình”.
Lỳ Bá Phia là người dân tộc Mông, kỳ thi năm nay em đăng ký vào Học viện Biên phòng.
Thí sinh Huế kết thúc môn thi đầu tiên trong tiết trời nắng nóng. |
Sau khi kết thúc môn thi Ngữ Văn, thí sinh Nguyễn Thị Phương Thảo đến từ trường lớp 12 THPT Chuyên Quốc học Huế cho biết, năm nay đề văn rất hay, lại có thêm sông Hương của xứ Huế vào đề thi, em cho rằng, thí sinh Huế năm nay sẽ làm bài tốt môn Ngữ Văn.
Vì ở phần câu 2 khi nói đến cảm nhận của anh, chị trong đoạn văn trên: “Mỗi ngày hai buổi đến trường bên dòng Hương thơ mộng của xứ Huế, em nghĩ mình đã làm tốt bài thi môn Ngữ Văn. Có thể sự cảm nhận của mình trong bài viết còn nhiều điểm chưa đạt được ý muốn, nhưng có lẽ đây là bài văn tốt nhất của em suốt trong nhiều năm qua”, thí sinh Phương Thảo đánh giá.
Sĩ tử Tiền Giang hào hứng với đề thi Ngữ Văn
Theo đó phần đọc hiểu của đề thi và phần làm văn rất thú vị, đề cao nghị lực sống của con người, dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn như thế nào nữa nhưng cũng phải có nghị lực sống, khát vọng vươn lên và đặc biệt là phải có ý chí vươn lên.
Phần nghị luận văn học yêu cầu thí sinh cảm nhận tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông? của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường. Theo các thí sinh thì câu nghị luận văn học này khá cơ bản và đã được các giáo viên bộ môn ôn tập rất kỹ, đòi hỏi thí sinh chỉ việc tái hiện lại kiến thức.
Thí sinh Bùi MInh Huy, dự thi tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho cho biết Huy là thí sinh chuyên Khoa học tự nhiên thế nhưng với đề thi này Huy làm bài rất tốt, các kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, không đánh đố thí sinh.
Còn với thí sinh Nguyễn Thị Kiều Diễm dự thi điểm thi Trường THPT Vĩnh Kim, huyện Châu Thành cho biết khá tự tin với đề thi này Diễm khá tự tin để đạt 7 điểm.
Diễm rất thích câu Nghị luận xã hội nói về ý chí của con người vươn lên trong cuộc sống. Trong bài thi Diễm đã liên hệ nhiều hoàn cảnh thương tâm bị tật nguyền nhưng có ý chí và nghị lực vươn lên, đáng được biểu dương.
Kết thúc buổi thi đầu tiên trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, nhiều thí sinh tại điểm thi Trường THPT Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình ra khỏi phòng thi với nét mặt lo lắng vì đề thi khó khiến người thân đứng đợi ngoài cổng trường cũng cùng chung tâm trạng.
Khi được hỏi, nhiều thí sinh cho biết chỉ đạt mức điểm từ 5 đến 6 điểm.
Theo những thí sinh này, đề thi dài, nội dung bám sát chương trình học nhưng không bám sát chương trình ôn thi.
Là thí sinh đầu tiên ra khỏi phòng thi với nụ cười nhưng em Lê Anh Tuấn vẫn lo lắng về bài thi. |
Mặc dù là thí sinh đầu tiên bước ra khỏi cổng trường với một nụ cười nhưng khi trò chuyện với PV, em Lê Anh Tuấn - điểm thi Trường THPT Kỳ Sơn, cho biết: "Em chỉ làm được hơn 1 tờ giấy, chắc đạt khoảng 6 điểm".
Sóc Trăng: Thí sinh rời phòng thi tâm trạng thoải mái
Thí sinh đầu tiên rời phòng thi sau khi hoàn thành bài thi môn ngữ Văn là em Nguyễn Vĩnh (học sinh lớp 12A1, trường THPT TP Sóc Trăng) với tâm trạng thoải mái.
Trò chuyện nhanh với thí sinh này qua hàng rào cổng, em cho biết: “Đề môn ngữ Văn không khó với chúng em. Câu Nghị luận xã hội bàn về sức mạnh ý chí của con người quá quen thuộc nên em làm được. Còn bài nghị luận văn học cho ở tác phẫm bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường 72 cũng không khó lắm. Trong phòng của em, nhiều bạn làm bài tốt”.
Sau Nguyễn Vĩnh, thí sinh Thạch Ngọc Phượng (học sinh trường THPT DTNT Huỳnh Cương) cùng một số thí sinh khác rời điểm thi với nét mặt tươi vui phấn khởi vì đề khá dễ.
Tại Hà Nội: Nhiều thí sinh khá ấn tượng với đề thi Ngữ văn
Đặc biệt câu nghị luận xã hội. Đỗ Đức Anh – học sinh Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) – cho biết, yêu cầu nói về sức mạnh ý chí khá gần gũi và ý nghĩa với học sinh vừa tốt nghiệp THPT. “Bản thân chúng em, để bình tĩnh, tự tin vượt qua kỳ thi này; rồi chọn được hướng đi đúng cho mình, cũng cần sức mạnh ý chí. Do đó, em có khá nhiều ngữ liệu thực tế cho vào bài nghị luận của mình” – Đỗ Đức Anh cho hay. Tuy nhiên, nội dung thí sinh này tự tin nhất là những câu hỏi đầu phần đọc hiểu, do đây là câu hỏi nhận biết, hầu như thí sinh nào cũng có thể “ăn điểm”.
Đỗ Hoàng Anh – học sinh Trường THPT Trần Phú (Hà Nội) – khá tự tin sau khi hoàn thành bài thi Ngữ văn. Em cho rằng, dù đề văn cho ngữ liệu hơi dài, nhưng vì đã có sự chuẩn bị kiến thức khá tốt nên vẫn hoàn thành bài thi đủ thời gian và khá hài lòng. “Có thể nói đề văn năm nay khá hay. Tuy nhiên, nếu các bạn học không kĩ tác phẩm sẽ mất thời gian để đọc và hiểu đọc trích trong đề. Em dự đoán mình được khoảng từ 7 điểm trở lên môn này” – Hoàng Anh chia sẻ.
Với Đặng Phương Thảo – học sinh hệ trung cấp Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội – đề thi năm nay hơi dài và khó. Thí sinh này hoàn thành khoảng 70% bài thi. Tuy vậy, theo quan sát của thí sinh Thảo, không khí phòng thi không căng thẳng vì các bạn đều tự tin làm bài; có bạn hoàn thành bài trước thời gian. “Em sẽ cố gắng hơn ở bài thi môn Toán chiều nay vì em sử dụng điểm môn này xét tuyển vào ĐH” – Phương Thảo cho biết.
Tuyên Quang: Thí sinh bất ngờ câu hỏi nghị luận đề thi Ngữ văn
Kết thúc môn thi Ngữ văn, các thí sinh tại điểm thi Trường THPT Kim Bình (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) đều chung nhận định: Đề thi tương đối khó.
Là một trong những thí sinh ra khỏi điểm thi đầu tiên, Nông Thị Yên – học lớp 12C3 Trường THPT Kim Bình cho biết đề thi khó, trong phòng thi nhiều bạn cắn bút làm bài! Yên cố gắng làm hết bài thi nhưng dự đoán em chỉ được khoảng 5 điểm.
Thí sinh Nông Thị Yên sau khi kết thúc môn thi Ngữ văn |
Được biết Nông Thị Yên thi khối C, đã dành nhiều tâm sức ôn tập môn Ngữ văn. Tuy nhiên, em lại tập trung ôn tác phẩm Vợ chồng A Phủ, trong khi câu nghị luận xã hội của đề thi lại đề cập đến tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông.
Còn thí sinh Bàn Duy Hoàng và Nguyễn Thị Thủy thì không làm hết được bài thi. Hoàng làm được khoảng 70%, còn Thủy làm được 80%. Hai thí sinh đều dự đoán chỉ đạt khoảng 4,5 – 5 điểm.
Thí sinh Bàn Duy Hoàng và Nguyễn Thị Thủy |
Bàn Duy Hoàng thích nhất câu hỏi đọc hiểu và tự tin câu hỏi này mình sẽ đạt điểm tuyệt đối. Còn Nguyễn Thị Thủy thì làm phần làm văn 200 chữ trọn vẹn.
Nhìn chung, các thí sinh tại điểm thi cách TP Tuyên Quang 90km đều cho rằng câu nghị luận các em làm chưa trọn ý do bản thân ôn thi không kỹ tác phẩm.