Thí sinh Nghệ An thận trọng đổi nguyện vọng sau kỳ thi vào10

GD&TĐ - Sau khi hoàn thành kỳ thi vào lớp 10 THPT, nhiều thí sinh Nghệ An đã thay đổi nguyện vọng để chắc chắn cơ hội trúng tuyển vào trường công lập.

Thí sinh đến Trường THCS Hưng Bình (TP Vinh, Nghệ An) gặp lãnh đạo nhà trường để thay đổi nguyện vọng vào lớp 10 THPT. Ảnh: Hồ Lài.
Thí sinh đến Trường THCS Hưng Bình (TP Vinh, Nghệ An) gặp lãnh đạo nhà trường để thay đổi nguyện vọng vào lớp 10 THPT. Ảnh: Hồ Lài.

Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Nghệ An, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024, thí sinh có thể đổi nguyện vọng (NV1, NV2, NV3) sau khi thi xong mà chưa biết điểm thi. Cụ thể, hệ thống sẽ được mở cho thí sinh thay đổi nguyện vọng xét tuyển vào các trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Giáo dục thường xuyên trong 4 ngày từ ngày 07/6 đến ngày 10/6. Thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng online nhưng phải có sự phê duyệt của trường THCS nơi thí sinh học.

Đổi nguyện vọng để chắc chắn cơ hội trúng tuyển

Hai ngày sau khi hoàn thành Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, số học sinh đến Trường THCS Hưng Bình (TP Vinh, Nghệ An) thay đổi nguyện vọng cũng đang tăng lên mỗi ngày. Em Lê Na cùng với chị gái đến gặp Ban giám hiệu nhà trường để rút nguyện vọng 1 khỏi Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng dù vẫn có chút tiếc nuối.

Thí sinh Nghệ An tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024. Ảnh: Hồ Lài.

Thí sinh Nghệ An tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024. Ảnh: Hồ Lài.

Lê Na cho biết: “Em dự đoán mình được 24 điểm, tương đương với điểm trúng tuyển năm trước của trường. Tuy nhiên, em hỏi rất nhiều bạn và thấy năm nay số học sinh làm được khá nhiều, khả năng điểm chuẩn sẽ nâng lên. Nếu giữ nguyên đăng ký nguyện vọng như cũ thì em sợ cơ hội trúng tuyển không đảm bảo. Vì vậy em quyết định đổi sang Trường THPT Hà Huy Tập cũng tại TP Vinh với điểm chuẩn các năm trước thường thấp hơn 1-2 điểm để chắc chắn”.

Trong khi đó, một phụ huynh khác lại đến hỏi trình tự đổi nguyện vọng 1 từ trường huyện về Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh). “Trước đó, cháu đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Thái Lão (huyện Hưng Nguyên) để bố mẹ thuận tiện trong đưa đón đi học. Tuy nhiên, sau khi thi xong, cháu tự chấm mình được hơn 25 điểm nên muốn đổi nguyện vọng 1 về Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh). Cháu có vẻ chắc chắn về điểm số của mình và khả năng trúng tuyển, nên gia đình tôn trọng, đồng ý với quyết định đó của cháu”, vị phụ huynh này nói.

Bộ phận tuyển sinh Trường THCS Hưng Bình (TP Vinh, Nghệ An) trực để hỗ trợ học sinh đến xác nhận thay đổi nguyện vọng. Ảnh: Hồ Lài.

Bộ phận tuyển sinh Trường THCS Hưng Bình (TP Vinh, Nghệ An) trực để hỗ trợ học sinh đến xác nhận thay đổi nguyện vọng. Ảnh: Hồ Lài.

Tại Trường THCS Trường Thi, đến ngày 8/6 đã có khoảng 20 trường hợp thí sinh đến xác nhận thay đổi nguyện vọng. Trong đó có cả thí sinh xin chuyển nguyện vọng 1 giữa các trường THPT công lập trong thành phố Vinh và cả trường hợp xin chuyển đến trường ở địa phương khác như: Nghi Lộc, Nam Đàn, Hưng Nguyên.

Em Lý Ái Như cùng mẹ đến trường gặp cô giáo chủ nhiệm, lắng nghe tư vấn trước khi chính thức quyết định thay đổi nguyện vọng 1 xét tuyển vào lớp 10. Trước đó, Ái Như đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Lê Viết Thuật. Tuy nhiên, sau khi thi xong, em tự chấm và dự báo mình được khoảng 19-20 điểm 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Điểm trúng tuyển vào trường năm trước là 19,3 điểm. Nhưng năm nay, em thấy nhiều bạn làm được bài và dự kiến điểm chuẩn sẽ cao hơn. Vì vậy, em không chắc chắn vào khả năng trúng tuyển của mình. Để an toàn, em quyết định chuyển nguyện vọng 1 lên trường THPT Nam Đàn 2 (huyện Nam Đàn), gần quê ngoại. Khi trúng tuyển, em sẽ lên ở với ông bà ngoại để đi học”, Ái Như cho hay.

Thận trọng tư vấn cho phụ huynh, học sinh

Theo cô giáo Lê Việt Hồng – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Bình (TP Vinh), từ ngày 7/6, ban giám hiệu nhà trường đã trực để giải quyết trường hợp thí sinh đến thay đổi nguyện vọng. Qua thống kê, số học sinh chuyển từ những trường có điểm chuẩn thấp về trường có điểm chuẩn cao không nhiều. Hầu hết các trường hợp đổi nguyện vọng là những em có ngưỡng điểm vừa phải và các em sẽ chuyển nguyện vọng về những trường có điểm chuẩn dự kiến thấp hơn.

Cô Nguyễn Thị Bích Thúy - giáo viên chủ nhiệm lớp 9B, Trường THCS Trường Thi - cho biết: Trong 2 ngày sau khi kỳ thi lớp 10 kết thúc, chỉ riêng lớp tôi đã có 6 em đến trường xin đổi nguyện vọng, nhiều nhất trường. Là giáo viên chủ nhiệm, tôi là người nắm sát lực học của các em trên lớp và cùng tính toán dự kiến điểm số bài làm. Qua đó tư vấn cho học sinh, phụ huynh phương án hợp lý nhất với kết quả bài thi và nguyện vọng, còn quyền quyết định cuối cùng vẫn là các em.

Cô Nguyễn Thị Bích Thúy - giáo viên chủ nhiệm lớp 9B, Trường THCS Trường Thi (TP Vinh, Nghệ An) tư vấn cho học sinh trước khi quyết định thay đổi nguyện vọng. Ảnh: Hồ Lài.

Cô Nguyễn Thị Bích Thúy - giáo viên chủ nhiệm lớp 9B, Trường THCS Trường Thi (TP Vinh, Nghệ An) tư vấn cho học sinh trước khi quyết định thay đổi nguyện vọng. Ảnh: Hồ Lài.

“Hiện trong lớp tôi có 2 trường hợp dự kiến kết quả thi đạt 25 điểm, khả năng trúng tuyển NV1 là Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng khá cao, nhưng vẫn xin chuyển sang trường THPT Lê Viết Thuật. Lý do các em đưa là khi đổi nguyện vọng là muốn sau khi trúng tuyển sẽ được vào lớp chọn của trường. Những em còn lại do điểm thi dự kiến nằm trong “vùng nguy hiểm” nên xin chuyển từ trường công lập ở thành phố Vinh về các trường huyện để an toàn”, cô Nguyễn Thị Bích Thúy cho hay.

Theo cô Tăng Thị Thu Hiền – Hiệu trưởng Trường THCS Trường Thi, việc nhiều học sinh đến thay đổi nguyện vọng nhà trường đã dự báo trước. Vì vậy, ngay từ ngày đầu tiên được đổi nguyện vọng, nhà trường đã bố trí cán bộ quản lý, bộ phận tuyển sinh trực để hỗ trợ các em. Đồng thời yêu cầu giáo viên chủ nhiệm khối 9 cũng có mặt để trực tiếp tư vấn cho phụ huynh, học sinh.

Năm nay, qua tìm hiểu học sinh làm bài thi khá tốt, nhưng cùng với đó là lo lắng điểm chuẩn các trường nhích lên so với năm trước. Việc đưa ra quyết định cuối cùng không dễ dàng, thận trọng vì số trường THPT công lập tuyển NV2 không nhiều, riêng các trường ở TP Vinh chỉ lấy NV1. Vì vậy, nếu không trúng tuyển NV1 ở Vinh, học sinh buộc chọn trường có tuyển NV2 ở các huyện xa hoặc trường ngoài công lập có học phí cao. “Tất cả các giải pháp đưa ra đều với mục đích giúp học sinh tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường công lập phù hợp với năng lực và điểm bài thi của các em”, cô Tăng Thị Thu Hiền nói.

Cô Nguyễn Thị Thanh Nga – Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Dũng (TP Vinh) nói thêm: Thật khó để đưa ra tư vấn chính xác cho học sinh và phụ huynh trong thời điểm này. Vì vậy, trước mỗi quyết định thay đổi nguyện vọng của học sinh, nhà trường đều yêu cầu có sự đồng hành và chữ ký của phụ huynh.

Lãnh đạo nhiều trường THCS tại Nghệ An cho rằng, năm nay, Sở GD&ĐT có điều chỉnh trong kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10, cho phép thí sinh thay đổi nguyện vọng sau khi thi xong là điều tích cực, nhằm tăng cơ hội trúng tuyển vào trường THPT công lập cho các em. Dĩ nhiên, có thêm cơ hội, thì việc lựa chọn cũng khó tránh khỏi nhiều băn khoăn, lo lắng. Nếu chỉ căn cứ vào điểm chuẩn năm trước và mức độ làm bài chung của thí sinh năm nay, việc so sánh, tính toán, dự báo có thể tương đối rõ ràng. Nhưng phụ huynh không thể tính được biến động số lượng thí sinh giữa đi và đến trong thành phố, hoặc chuyển từ các địa phương khác về. Đây là lần được thay đổi nguyện vọng cuối cùng, nên thí sinh, phụ huynh cân nhắc kỹ càng để vừa tăng cơ hội trúng tuyển nhưng cũng không đánh mất quyền lợi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.