Thí sinh Nghệ An 'ngả mũ' thán phục trước đề thi chuyên

GD&TĐ - Dù kết quả làm bài khác nhau, nhưng thí sinh thi vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu nhận định đề thi giúp các em đánh giá được năng lực bản thân.

Thí sinh Nghệ An hoàn thành kỳ thi vào lớp 10 Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Ảnh: Hồ Lài.
Thí sinh Nghệ An hoàn thành kỳ thi vào lớp 10 Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Ảnh: Hồ Lài.

Đúng 17h chiều nay, sau 150 phút làm bài, các thí sinh đã hoàn bài thi môn chuyên vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An). Với tính chất của kỳ thi chuyên và đề được dự báo có mức độ khó để sàng lọc, lựa chọn thí sinh có năng lực, thí sinh đều cố gắng tận dụng hết mọi thời gian cho phép để làm bài. Sau khi hết giờ làm bài, nhiều em vẫn nán lại điểm thi để trao đổi bài làm với các bạn.

Đề Văn mở, gợi tính sáng tạo cho học sinh

Môn thi chuyên Ngữ văn năm nay của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu được nhiều thí sinh đánh giá hay, đề mở, giúp thí sinh phát huy hết năng lực. Đây cũng là điều mà các em kỳ vọng vào một đề thi văn của kỳ thi đặc biệt.

Những thí sinh sớm hoàn thành bài thi môn chuyên, ra khỏi điểm thi Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài.

Những thí sinh sớm hoàn thành bài thi môn chuyên, ra khỏi điểm thi Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài.

Em Lê Thảo My (học sinh Trường THCS Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai) chia sẻ em rất thích đề thi Văn chuyên Phan Bội Châu năm nay: “Theo cá nhân em, đề thi Văn lần này mặc dù khó hơn nhưng hay hơn đề thi tuyển sinh lớp 10 trước đó. Cả câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học đều theo hướng mở để thí sinh được thoải mái thể hiện suy nghĩ, cảm nhận của mình và tự lấy dẫn chứng minh họa”.

Thảo My cho biết, với câu nghị luận xã hội, ngữ liệu đưa ra là trích đoạn trong bài “Tự mình bước qua nỗi đau (tác giả Nguyễn Việt Hà): “… quá trình trưởng thành gian nan biết bao… Bạn cần một trái tim mạnh mẽ, một lòng kiên định vô tư đồng cảm để bản lĩnh chấp nhận những xáo trộn của cuộc sống, để không ai có thể làm bạn tổn thương hay rơi nước mắt”. Đồng thời nêu yêu cầu hãy viết bài văn bàn về một yếu tố em cho là cần thiết nhất trong quá trình trưởng thành của con người. “Em đã chọn là lòng dũng cảm, tình yêu thương và lấy dẫn chứng về một bạn đã quên mình cứu học sinh bị đuối nước”, nữ sinh Trường THCS Quỳnh Xuân nói.

Đề thi môn chuyên Ngữ văn vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) năm 2023. Ảnh: Hồ Lài.

Đề thi môn chuyên Ngữ văn vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) năm 2023. Ảnh: Hồ Lài.

Lê Thảo My trước đó từng thi và đạt học sinh giỏi tỉnh môn Lịch sử, nhưng nữ sinh này lại chọn thi chuyên Văn. “Em dự thi với mục đích thử sức mình là chính nên không áp lực và làm bài thoái mái. Dù kết quả thế nào em cũng đã cố gắng và thỏa mãn với bài làm của mình”, Thảo My cho hay.

Thí sinh khác đến từ huyện Diễn Châu cũng chia sẻ, rất thích vấn đề nêu ra của phần nghị luận xã hội. “Em nghĩ rằng yếu tố quan trọng nhất trong quá trình trưởng thành chính là lòng kiên định và trong cuộc sống, nếu gặp khó khăn, nếu không có sự kiên định thì sẽ không vượt qua được chính bản thân mình. Bản thân em từng là một học sinh rất đam mê với môn văn và đã nỗ lực tham gia cuộc thi tỉnh nhưng không thành công. Nhưng em không nản chí, và quyết định đăng ký thi vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu để có thêm cơ hội khác khẳng định bản thân. Em nghĩ đó cũng là một dẫn chứng ngay từ bản thân mình để chứng minh vấn đề nêu ra”, thí sinh này chia sẻ.

Còn em Hoàng Nguyên – Trường THCS Lý Nhật Quang (huyện Đô Lương) cũng bày tỏ sự yêu thích với đề Văn. “Em rất thích đề Văn năm nay, đề hay hơn cả Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh vì đề nói được hết giá trị của văn học, chức năng của văn học”. Câu nghị luận xã hội, em nghĩ rằng hai yếu tố quan trọng nhất đó là sự mạnh mẽ và dũng cảm để vượt qua khó khăn. Em đã lấy khá nhiều ví dụ để chứng minh cho điều này”, nữ sinh cho biết.

Nhiều bạn phấn khởi sau khi rời khỏi phòng thi và thỏa mãn với bài làm của mình. Ảnh: Hồ Lài.

Nhiều bạn phấn khởi sau khi rời khỏi phòng thi và thỏa mãn với bài làm của mình. Ảnh: Hồ Lài.

Ở phần Nghị luận văn học, từ nhận định “Nghệ thuật chính là nơi giữ cho tâm hồn người không chai sạn đi mà luôn luôn mới mẻ, nhạy cảm với vẻ đẹp của từng chiếc lá, giọt sương, một ánh trăng, một tia nắng, và do đó cũng không bao giờ nguội lạnh, thờ ơ với số phận con người”, đề yêu cầu thí sinh “bằng trải nghiệm về một số tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn lớp 9, trình bày suy nghĩ về nhận định trên”.

Nữ sinh đến từ Trường THCS Lý Nhật Quang chia sẻ đọc đề xong em đã có ý tưởng và cảm hứng làm bài. Em chỉ phân vân chưa biết chọn tác phẩm nào để chứng minh. Theo em đây là điều quan trọng và làm nên sự khác biệt trong mỗi bài thi để mình “ăn điểm” so với các bạn khác. Sau thời gian suy nghĩ, em đã định chọn tác phẩm Ánh trăng (Nguyễn Duy) nhưng sau đó em đã chọn tác phẩm Sang thu (Hữu Thỉnh) và Truyện Kiều (Nguyễn Du) để phân tích. Đây là hai tác phẩm có sự tinh tế của tác giả, có suy nghĩ triết lý về đời sống của con người, có tấm lòng nhân đạo của tác giả với hai chị em họ Vương.

Với đề văn này, Hoàng Nguyên cho biết đã viết kín khoảng 15 trang và cho rằng “mình đã làm hết mình”. Vì thế, dù không thành công, thí sinh này vẫn nói rằng mình vui vì đã cố gắng hết sức và dành trọn tâm huyết cho kỳ thi này.

Thí sinh gặp khó với đề chuyên Anh

Từ huyện Yên Thành, em Nguyễn Minh Trang – Trường THCS Phúc Thành dự thi vào lớp chuyên Anh. Trước đó, Minh Trang đã tham dự kỳ thi tỉnh và đạt giải Khuyến khích. Tuy nhiên, đề thi chuyên đối với em vẫn quá khó và em không tự tin bài làm của mình đạt điểm tốt. Nhiều câu trong đề em trả lời dựa vào phán đoán và không chắc chắn đúng hay sai.

Kỳ thi vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu năm nay có hơn 1.900 thí sinh dự thi, trong đó lớp chuyên tiếng Anh đông nhất với 370 hồ sơ đăng ký. Ảnh: Hồ Lài.

Kỳ thi vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu năm nay có hơn 1.900 thí sinh dự thi, trong đó lớp chuyên tiếng Anh đông nhất với 370 hồ sơ đăng ký. Ảnh: Hồ Lài.

Rất nhiều thí sinh dự thi vào lớp chuyên Anh đều cho rằng đề khó, dài và nhiều em chưa thể hoàn thành bài thi của thi. Em Võ Nguyên Khánh – Trường THCS Lê Hồng Phong (huyện Hưng Nguyên) cũng nói rằng “đề đối với em là quá khó. Em chỉ hơi tự tin phần đọc, còn phần viết thì em chưa hoàn thành vì em không có đủ thời gian để làm.

Tương tự, Lê Thị Anh Thơ – Trường THCS Trà Lân (huyện Con Cuông) cũng cho hay bản thân làm gần hết bài đọc nhưng không hoàn thành được bài nghe. Tuy nhiên Anh Thơ cũng cho rằng đề thi chuyên khó là điều mà thí sinh nào cũng lường trước được. Với tỷ lệ cạnh tranh lớn khi thi vào lớp chuyên Anh, nữ sinh này cho biết mình không tự tin vào khả năng trúng tuyển nguyện vọng 1, mà tính đến cơ hội vào nguyện vọng 2.

Thí sinh chăm chú trao đổi bài làm với bạn sau khi thi xong môn chuyên. Ảnh: Hồ Lài.

Thí sinh chăm chú trao đổi bài làm với bạn sau khi thi xong môn chuyên. Ảnh: Hồ Lài.

Còn em Nhật Nam (học sinh Trường THCS Đặng Thai Mai, TP Vinh) dù đã có chứng chỉ IELTS 7.5 và đã được tuyển thẳng vào lớp chuyên Anh (lớp xét chứng chỉ năng lực ngoại ngữ - PV) cũng không hài lòng với bài thi của mình. Thí sinh này cho biết: Đề thi rất dài, các câu hỏi của bài đọc chia thành 3 phần, phần đầu chọn tiêu đề, phần 2 lấy thông tin trong bài để điền từ và phần 3 là trả lời đúng sai. Em nghĩ là đề khá khó hiểu và người viết cần kiến thức rất nhiều mới có thể làm được. Em cũng hơi sa vào bài viết, chiếm khá nhiều thời gian nên bỏ lỡ một số câu khá đáng tiếc, trong đó có bài đọc.

Đánh giá được năng lực của mình sau bài thi

Dù đã đạt giải Nhì HSG tỉnh môn Địa lý năm lớp 9, nhưng học sinh Lê Nguyễn Phương Thảo - Trường THCS Cao Xuân Huy (huyện Diễn Châu) vẫn không thỏa mãn với bài thi môn chuyên của mình. “Đề Địa năm nay có 5 câu, em làm hết toàn bộ nhưng vẫn chưa thấy thỏa mãn vì đề thi quá dài và em không có đủ thời gian để hoàn thành bài thi một cách tốt nhất. Thực tế, em nghĩ mình chỉ làm tốt được khoảng 60 – 70%. Trong các câu, em hơi tiếc câu 4 khi so sánh ngành thủy điện giữa vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ với Tây Nguyên. Dù đây là câu hỏi dựa vào Atlat nhưng em lại chưa viết đủ hết các ý”, Thảo cho biết.

Thí sinh nhẹ nhõm sau khi hoàn thành kỳ thi vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Ảnh: Hồ Lài.

Thí sinh nhẹ nhõm sau khi hoàn thành kỳ thi vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Ảnh: Hồ Lài.

Ở môn Lịch sử, thí sinh Nguyễn Minh Hiền (Trường THCS Trường Thi, TP Vinh) cho rằng, đề thi Lịch sử không quá bất ngờ nhưng “khá ngắn”. Tức là các câu hỏi không bao trùm cả một giai đoạn lịch sử, hay phong trào lớn, mà đi vào từng sự kiện, vấn đề cụ thể. Đề này đòi hỏi thí sinh phải viết chính xác, có trọng tâm. Trong 4 câu hỏi của đề Lịch sử, theo Minh Hiền khó nhất là câu 4 (5 điểm) kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa VI (năm 1976). Với câu hỏi này, thí sinh phải xác định và trình bày được những quyết định của kỳ họp. Tiếp đó là phân tích ý nghĩa lịch sử của những quyết định đó. “Đề không yêu cầu phân tích ý nghĩa lịch sử của cả kỳ họp, mà chỉ là những quyết định được đưa ra tại kỳ họp đó. Bối cảnh lịch sử đất nước thời điểm diễn ra kỳ họp chỉ là cần nêu ra trong phần mở đầu để dẫn dắt vào vấn đề chính”, Minh Hiền chia sẻ. Thí sinh này cho hay em làm bài khá tốt và hi vọng mình sẽ trúng tuyển vào lớp chuyên Lịch sử như mong muốn.

Với các môn thi chuyên các môn tự nhiên: Toán, Lý, Hóa, Sinh… thí sinh cũng đánh giá đề thi có sự phân hóa cao, độ khó “xứng tầm” với một đề thi chuyên. Nhiều bạn cho biết dù làm bài không như mong đợi và giải chưa hết đề, nhưng qua kỳ thi, các em đã tự đánh giá được năng lực bản thân. Dù kết quả thế nào thì các em cũng đã có trải nghiệm đáng quý và không hối tiếc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ