Thí sinh nên cân nhắc khi thay đổi nguyện vọng

GD&TĐ - Sau khi phổ điểm Kỳ thi THPT quốc gia 2017 được công bố với điểm số chung có cao hơn năm 2016, các trường ĐH, CĐ đã lên phương án xây dựng điểm chuẩn trúng tuyển. 

Thí sinh tham khảo thông tin tuyển sinh của các trường ĐH năm 2017
Thí sinh tham khảo thông tin tuyển sinh của các trường ĐH năm 2017

Theo nhận định của một số trường đại học tốp đầu, phổ điểm cao, điểm chuẩn có thể nhích thêm từ 0,5 - 1,5 điểm ở một số ngành, trường. Tuy nhiên sẽ không có biến động lớn, việc xét tuyển sẽ thuận lợi vì nhiều thí sinh điểm cao, lời khuyên của các chuyên gia là thí sinh cần cân nhắc và có tính toán kỹ khi thay đổi nguyện vọng xét tuyển.

Dự báo điểm chuẩn trường tốp trên

Dựa vào phổ điểm và điểm bài thi đã được công bố, PGS.TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương - đưa ra nhận định rằng: Điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường tốp trên có thể cao hơn năm 2016 từ khoảng 0,5 – 1,5 điểm, tùy từng ngành và từng trường. Riêng Trường Đại học Ngoại thương, điểm chuẩn năm 2017 có thể sẽ nhích nhẹ lên chút nhưng về cơ bản tương đối ổn định so với năm 2016.

Phân tích phổ điểm cho thấy, số thí sinh có điểm từ 8 trở lên nhiều hơn năm trước, và số lượng thí sinh có mức điểm trong khoảng này cũng lớn hơn. Dựa vào các thông số trên, điểm chuẩn có thể biến động chút ít, tùy từng ngành học, lời khuyên đối với thí sinh là việc đăng ký nguyện vọng cần tính toán kỹ, việc đăng ký ngành, trường nào đó theo sở thích và mong muốn thì cũng cần tính thêm đến nguyện vọng khác ở những ngành sao cho phù hợp với kết quả thi của mình.

Cũng chung nhận định điểm chuẩn trường tốp trên sẽ cao hơn so với năm 2016, PGS.TS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - cho rằng: Với phổ điểm thi năm nay của thí sinh cao hơn năm trước nên về nguyên tắc điểm chuẩn vào các trường đại học sẽ cao hơn. Trường Đại học Bách khoa dự kiến ngưỡng điểm những ngành/nhóm ngành KT11 (Kỹ thuật cơ điện tử), KT21 (Kỹ thuật điện tử - truyền thông), KT22 (gồm các ngành Kỹ thuật máy tính, Truyền thông và mạng máy tính, Khoa học máy tính, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Công nghệ thông tin) và KT24 (Kỹ thuật Điện -Điện tử, Kỹ thuật Điều khiển và tự động hóa), rất có thể sẽ tăng cao hơn năm ngoái (điểm của những ngành này năm 2016 tổng điểm 3 môn là 22,5 - NV).

Như vậy, với phổ điểm cao hơn thì có thể thí sinh có tổng điểm ở mức 23 điểm mới được nhận hồ sơ, thậm chí từ 23,5 - 24 điểm mới được nộp hồ sơ. Ông Tớp cũng lưu ý điểm chuẩn còn phụ thuộc vào tỷ lệ thí sinh đăng ký vào ngành học nào đó, nhưng mặt bằng điểm năm nay cao, thì điểm chuẩn về mặt nguyên tắc sẽ cao. Cũng sẽ xảy ra tâm lý lo ngại của thí sinh sợ không trúng tuyển vào ngành này được nên chuyển nguyện vọng sang ngành khác, lúc đó điểm chuẩn ngành học đó sẽ thấp đi.

Nhận định về điểm chuẩn năm nay, GS.TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - cho biết: Mặt bằng chung điểm thi năm nay là cao hơn năm 2016 ở các khối thi (tổ hợp xét tuyển)... điểm trúng tuyển của các trường tốp trên có thể sẽ tăng cao hơn so với các trường còn lại, đặc biệt là các ngành “hot”.

Dự kiến điểm trúng tuyển năm nay của các ngành nhìn chung sẽ tăng so với năm 2016 khoảng 0,5 đến 1,5 điểm (năm 2016, ngành có điểm trúng tuyển thấp nhất của Trường là 20,55; ngành có điểm trúng tuyển cao nhất của Trường là 25,5). Điểm trúng tuyển của các ngành thuộc nhóm năm 2016 có điểm trúng tuyển cao là (Kế toán, Kinh tế quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Marketing...) nhiều khả năng sẽ tăng mạnh hơn với nhóm có điểm trúng tuyển thấp. Những ngành có chỉ tiêu xét tuyển ít như ngành Kinh tế Quốc tế, Quản trị khách sạn, điểm trúng tuyển có thể sẽ biến động mạnh hơn.

Để tạo cơ hội trúng tuyển cao nhất cho mình, các thí sinh cần nghiên cứu kỹ phổ điểm thi năm nay, điểm trúng tuyển 2 năm gần đây của Trường để đưa ra được sự điều chỉnh nguyện vọng phù hợp với điểm thi của mình. Ông Đạt cũng đặc biệt lưu ý thí sinh: Lựa chọn càng nhiều ngành và sắp xếp nguyện vọng đăng ký phù hợp với 3 tốp: Cao, trung bình và thấp (tương ứng với > 24 điểm; trong khoảng 22 - 24 điểm và < 22 điểm thì khả năng trúng tuyển vào Trường của thí sinh sẽ cao.

Cân nhắc khi điều chỉnh nguyện vọng

Nhằm tạo cơ hội tối đa cho thí sinh có thể trúng tuyển vào ngành, trường nào đó, Bộ GD&ĐT quy định thí sinh có thể thay đổi bất cứ nguyện vọng nào mà mình muốn và cần thay đổi. Cụ thể, trên thứ tự nguyện vọng đã đăng ký trước đó, thí sinh có thể đổi nguyện vọng 3 lên nguyện vọng 1, hoặc đổi nguyện vọng 4 lên nguyện vọng 2, hoặc có thể xếp lại nguyện vọng tùy ý của mình.

Lời khuyên của nhiều chuyên gia tuyển sinh đều cho rằng, việc Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh sau khi biết điểm thi có thể thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ngành, trường mà mình đã đăng ký. Tuy nhiên, thí sinh cần phải cân nhắc thật kỹ việc thay đổi nguyện vọng xét tuyển. Mọi tính toán cần phải dựa trên những thông tin chuẩn xác, căn cứ vào điểm thi của mình và điểm chuẩn xét tuyển vào ngành, trường những năm gần đây, cùng với đó là biến động của phổ điểm năm 2017 này.

Về việc này, TS Lê Nguyễn Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - đặc biệt lưu ý thí sinh: Thí sinh có thể thay đổi trường, ngành mới. Tuy nhiên, khi đã trúng tuyển nguyện vọng 1 rồi thì sẽ không có danh sách ở nguyện vọng 2 hoặc nguyện vọng 3 nữa. Thời gian điều chỉnh từ ngày 15/7 đến ngày 23/7 đối với điều chỉnh trực tiếp.

Từ ngày 15/7 đến ngày 21/7 với điều chỉnh trực tuyến. Đến hết ngày 23/7, hệ thống sẽ chốt lại toàn bộ danh sách đã đăng ký xét tuyển và thay đổi nguyện vọng. Đó sẽ là cơ sở dữ liệu để các trường xét tuyển. Thêm nữa, nếu như các thí sinh là một trong những người bằng điểm ở cuối danh sách và nếu lấy hết số thí sinh bằng điểm đó mà thừa chỉ tiêu và các trường chỉ được lấy một số trong số những người bằng điểm đó.

Trường hợp này, thứ tự ưu tiên sẽ là: Thứ nhất ưu tiên về tiêu chí phụ do các trường đặt ra. Khi hết các tiêu chí phụ mà nhà trường đặt ra rồi mà vẫn còn thí sinh bằng điểm và dư chỉ tiêu ở cuối danh sách thì lúc đó mới ưu tiên người có nguyện vọng cao hơn: Từ nguyện vọng 1 cho đến các nguyện vọng tiếp theo.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Thí sinh cần bình tĩnh phân tích tình hình trước khi điều chỉnh nguyện vọng, không nên thay đổi nếu điểm thi không quá lệch so với dự kiến ban đầu. Trước đây, các em dự đoán được 20 điểm và đăng ký một vài nguyện vọng ở mức cao hơn, bằng và thấp hơn 20 điểm. Nếu điểm thi của các em trong ngưỡng 19,5 - 20,5 thì không nên điều chỉnh.

Nhưng nếu thí sinh dự kiến 20 điểm nhưng được 27, hoặc 15, thì phải điều chỉnh để tăng khả năng trúng tuyển vào các trường. Ngoài ra, thí sinh nên căn cứ vào phổ điểm thi THPT quốc gia, đã được Bộ GD&ĐT công bố, để điều chỉnh nguyện vọng. Nếu kết quả thi của các em phù hợp với kết quả em dự kiến trước đây thì các em không nên điều chỉnh. Năm nay quy chế xét tuyển của các trường ưu tiên đầu tiên là điểm thi của các em, dù các em đăng ký 10 nguyện vọng nhưng điểm các em cao hơn thì các em vẫn đỗ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hầm biogas nơi 3 người tại Đồng Nai gặp nạn.

Phòng tránh ngạt khí trong hầm biogas

GD&TĐ - Việc sử dụng hầm biogas tiềm ẩn không ít rủi ro nếu không tuân thủ đúng quy tắc an toàn khi vận hành. Thủ phạm gây ngộ độc khí gas là oxit carbon (CO).
Mẫu viên nang điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu: Xấu hổ, vông nem, hậu phác nam và cam thảo nam.

Viên nang dược liệu chữa mất ngủ

GD&TĐ - Các nhà khoa học Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu bào chế viên nang hỗ trợ điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu.
Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.