Thuận lợi xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ

GD&TĐ - Với cấu trúc đề thi của các môn thi THPT quốc gia 2017 vừa qua, công tác xét tốt nghiệp THPT cho HS dễ dàng hơn; mà điểm sàn để xét tuyển vào ĐH, CĐ cũng sẽ không thể quá chênh lệch so với năm trước. 

Thuận lợi xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ

Dù làm bài thi tốt hay không so với dự kiến, thí sinh cũng nên bình tĩnh phân tích trước khi kích hoạt quyền lợi điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ tới đây.

Xác định được trình độ thực của HS

Kỳ thi THPT quốc gia 2017, mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức một cụm thi duy nhất, không phân biệt cụm thi cho thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT và cụm thi để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Các điểm thi được tổ chức tại các trường và liên trường phổ thông của tỉnh. Từ 4 đợt thi trước đây, nay chỉ còn 1 đợt thi duy nhất. Đây là lần đầu tiên các Sở GD&ĐT chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong tất cả các khâu tổ chức kỳ thi với hai mục đích.

Nhận xét về cách thức thi THPT mới này, NGND.TS Đặng Huỳnh Mai - Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - cho rằng, việc giao quyền cho địa phương là hoàn toàn đúng, vì trước và sau Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước thì các địa phương vẫn làm bình thường. Ngoài ra, mỗi năm nên để địa phương tổ chức là một cách bồi dưỡng và nâng cao năng lực cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý và giáo viên ở địa phương.

“Thật ra, tôi vẫn thích cách thi tốt nghiệp THPT đơn giản như các nước tiên tiến, chỉ là một cách kiểm tra chất lượng dạy và học để các nhà quản lý điều chỉnh nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy. Sau đó, mỗi trường tự tổ chức kỳ thi tuyển sinh cho chính mình thì mới tìm được nhân tài thật sự được cấp học bổng. Đối tượng khác chỉ cần nộp kết quả tốt nghiệp là tuyển luôn, không qua kỳ thi” - NGND Đặng Huỳnh Mai nêu quan điểm.

Một trong những điểm mới của kỳ thi năm nay là tổ chức thi 5 bài thi gồm 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (tổ hợp các môn: Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân; riêng thí sinh GDTX chỉ thi Lịch sử, Địa lí). Tất cả các môn đều thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, riêng môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.

Đây là lần đầu tiên nước ta tổ chức thi theo bài và có dạng bài thi tổ hợp gồm nhiều môn học và cũng là lần đầu tiên, môn Giáo dục công dân được đưa vào kỳ thi. Theo phương thức tổ chức thi mới, thí sinh có thể thi nhiều môn hơn nhưng thời gian rút ngắn hơn trước. Trước đây kỳ thi được tổ chức trong 4 ngày, nay rút xuống còn 2,5 ngày. “Thi trắc nghiệm là quá tốt, thời gian như vậy là hợp lý” - NGND Đặng Huỳnh Mai nhấn mạnh.

Tuyển sinh thuận lợi từ sự phân hóa của đề thi

Trao đổi với truyền thông sau khi kết thức kỳ thi, Thứ trưởng Bùi Văn Ga - Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2017 - cũng nêu rõ, theo quy trình làm đề thi năm nay, các câu hỏi sau khi được chuẩn hóa sẽ được sắp xếp thành các nhóm dễ, trung bình, khó và rất khó. Sau đó hội đồng ra đề thi mới bốc câu hỏi trong từng nhóm đó ra để làm đề thi.

Theo Bộ GD&ĐT, trong mỗi đề thi, 60% là kiến thức cơ bản phục vụ tốt nghiệp, 40% còn lại là phần nâng cao, phục vụ cho việc phân hóa. Với phần nâng cao này, không phải thí sinh nào cũng có thể hoàn thành tốt và đúng các bài thi. Theo đó, dự kiến sẽ có nhóm làm được 25%, nhóm làm được 30% tùy theo trình độ của các em. Chỉ cần làm được thêm 1 câu mức điểm sẽ khác đi, chứ không phải tất cả các em đều làm một mức như nhau. Không phải tất cả cùng được 8 điểm hay 9 điểm.

“Với cách lập ma trận đề thi như vậy, năm nay sẽ có thí sinh đạt điểm cao nhưng số thí sinh đạt điểm tuyệt đối sẽ không nhiều như những năm trước, vì đề thi sẽ có những câu rất khó mà chỉ những em thật giỏi mới có thể làm được. Do đó, chúng ta có thể yên tâm rằng sẽ không xảy ra tình trạng mưa điểm 10 như dư luận vẫn đề cập trong những năm trước đây” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.

Điều này sẽ đòi hỏi các trường ĐH, kể cả các trường tốp trên, cần có sự phân loại cần thiết, không phải chỉ tuyển những em 29 điểm mà sẽ có các thí sinh ở mức điểm thấp dần. Như vậy, kết quả thi năm nay vẫn sẽ bảo đảm cho các trường dễ tuyển sinh.

Về điểm sàn năm nay, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, điểm sàn năm nay không thể quá chênh lệch so với năm trước và dù làm bài thi tốt hay không so với dự kiến, thí sinh cũng nên bình tĩnh phân tích trước khi điều chỉnh nguyện vọng. “Với cơ chế xét tuyển năm nay thì thể nào thí sinh cũng sẽ đỗ nguyện vọng ưng ý nhất trong khả năng cho phép, nên không việc gì phải quá lo lắng”, Trưởng ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2017 nêu rõ.

Dự kiến ngay sau khi có kết quả thi, bộ phận chức năng của Bộ GD&ĐT sẽ họp bàn, dựa vào phổ điểm để chọn mức điểm ngưỡng bảo đảm chất lượng phù hợp. Tất nhiên điểm sàn không thể quá cao, cũng không thể quá thấp và khó mà có gì đột biến so với năm trước. Bởi thông thường thì chất lượng dạy học ở trường phổ thông cũng như trình độ của học sinh không thể thay đổi đột ngột.

Với quy trình xét tuyển ĐH như năm nay, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết, Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện hệ thống phần mềm hỗ trợ các trường trong công tác xét tuyển. Đặc biệt, các trường đã tự động thành lập các nhóm để lọc ảo. Khi có kết quả rồi, các trường sẽ chạy phần mềm để xác định được danh sách thí sinh trúng tuyển vào trường mình.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, với thành công trong công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ giữ ổn định kỳ thi với cách thức giao cho địa phương chủ trì tổ chức vào năm 2018. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT sẽ có một số điều chỉnh nhằm tiếp tục tạo thêm điều kiện thuận lợi cho thí sinh, giảm áp lực và sự tốn kém cả về thời gian, kinh phí cho nhân dân.

Nhóm PV Kỳ thi THPT quốc gia 2017 qua những con số

Kỳ thi THPT quốc gia 2017 được đánh giá là có phương án tổ chức tốt, công bằng và tiết kiệm cho xã hội. Kỳ thi có 865.866 thí sinh đăng ký dự thi, được tổ chức tại 63 cụm thi, đồng thời là 63 tỉnh/thành phố trên cả nước; với 2.364 điểm thi với 36.809 phòng thi.

Gần 90.000 cán bộ được huy động để tham gia kỳ thi lần này. Trong đó, có gần 40.000 cán bộ, giảng viên đến từ các trường đại học, cao đẳng, ít hơn so với năm 2016.

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, năm nay tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ chiếm 47%, cao hơn năm 2016 khoảng 5%. Trong đó, chiếm trên 50% tổng số thí sinh đăng ký dự thi bài thi Khoa học xã hội. Một tín hiệu đáng mừng là có 514.084 (59,32%) thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử, từ năm 2016 về trước chỉ có chưa đến 15% thí sinh đăng ký dự thi môn học này.

Tỉ lệ thí sinh tới dự thi cũng rất cao, đạt trên 99%. Cụ thể, môn Ngữ văn 99,53%, Toán 99,43%, Vật lí 99,49%, Hóa học 99,47%, Sinh học 99,63%, Ngoại ngữ 99,60%, Lịch sử 99,34%, Địa lí 99,40%, Giáo dục công dân 99,62%.

Đặc biệt, số thí sinh vi phạm quy chế giảm rõ rệt so với năm trước, đợt thi THPT năm nay chỉ có 72 trường hợp thí sinh bị đình chỉ thi, trong khi năm 2016 có 328 thí sinh bị đình chỉ. Đây là kết quả của việc đổi mới phương thức thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề riêng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.