Thi nhân Nguyễn Trọng Tạo 'tài tình chi lắm cho trời đất ghen'

GD&TĐ - Thơ Nguyễn Trọng Tạo thấm đượm triết lý sâu sắc về tự nhiên, nhân sinh, kiếp người, điều hay lẽ phải.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Cùng lúc sắm 3 vai: Thi nhân, nhạc sĩ, họa sĩ... Nguyễn Trọng Tạo có chia sẻ về nghề chữ thật thấm thía gan ruột: “Thơ gần với nước mắt hơn tiếng cười, gần với khổ đau hơn là reo hát, gần với sẻ chia hơn là chiếm đoạt, gần với chiến thắng mình hơn là răn người”... Hay nói như G.Lorca: “Thơ gần với máu hơn là mực”(*)

“Văn chương nết đất thông minh tính trời”

Câu thơ trong kiệt tác “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du gợi tôi nhớ đến quê hương Hà Tĩnh nơi chôn nhau cắt rốn, song vì những lý do khách quan và chủ quan mà biền biệt phải xa quê, đằng đẵng 70 năm trời (1954 - 2024).

Hà Tĩnh hay Nghệ An đều nằm trong phạm trù Xứ Nghệ (xét về các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, kinh tế - xã hội cũng như truyền thống văn hóa, giáo dục, văn chương...). Xứ sở chan đầy gió Lào cát trắng. Vậy mà ca dao cổ lại tuyên dương xứ này hết lời: “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/ Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”.

Trong sách “Nhà văn Việt Nam hiện đại”, tôi đọc thấy tên tuổi hơn 100 nhà văn quê Nghệ An (trên tổng số khoảng hơn 1.300 nhà văn Việt Nam thời hiện đại, tính đến 2024). Riêng huyện Diễn Châu - quê hương nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo - góp vào chính xác là 23 văn nhân.

Thử làm một phép tính nho nhỏ, vui vui để so sánh: Hiện nay, Việt Nam có 705 đơn vị hành chính cấp huyện, nếu theo phép chia trung bình thì mỗi huyện chỉ có 2 nhà văn, vậy nên Diễu Châu đạt kỷ lục quốc nội gấp 10 lần chỉ tiêu. Tuy nhiên, trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật lại có quy luật “quý hồ tinh bất quý hồ đa”.

Đây là cái nôi sinh ra nhiều văn tài các thế hệ từ Thanh Châu, Cao Huy Đỉnh, Trần Hữu Thung, Sơn Tùng, Cao Xuân Hạo, Võ Văn Trực... đến Lê Thái Sơn, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Quốc Ca, Thái Chí Thanh, Nguyễn Hồng Thái, Thiên Sơn,...

Ngày còn học ở khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội danh tiếng, đám sinh viên các tỉnh về Thủ đô thường nghèo kiết xác, may mà thời đó bao cấp học bổng 18 đồng vừa khít đủ tiền nộp nhà bếp tập thể ăn cơm cả tháng, ngày hai bữa. Nghèo đói là thật, giàu có thơ ca có thể cũng thật, song thường dễ lung lay gốc rễ.

Chiều chiều ở các quán nước chè, đám sinh viên chúng tôi hay đọc thơ của các nhà thơ nổi tiếng thế giới và của những nhà thơ sắp nổi tiếng ở Việt Nam. Tôi góp vào một bài thơ riêng thích “Những dòng sông” của thi sĩ tương lai Bế Kiến Quốc học trên tôi 3 lớp, sắp ra trường:

“Sinh ở đâu mà ai cũng anh hùng?

Tất cả trả lời: Sinh bên một dòng sông

Chẳng phải sông Đà, sông Mã,

sông Hồng đôi bờ cát mênh mông

Thì cũng sông Trà, sông Hương,

sông Cửu Long uốn chín đầu rồng

Chẳng phải rộng xa

một tầm cò vỗ cánh

Cũng xinh xinh vài sải chèo quẫy mạnh

Quê hương Việt Nam mườn mượt những cánh đồng

Mỗi con người gắn bó một dòng sông”.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng sinh ra bên một dòng sông, có tên sông Bùng. Chính nơi đây có cầu Bùng (bắc qua Quốc lộ 1) nổi tiếng trong chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, nơi bom đạn gầm rú suốt ngày đêm nhằm phá bằng được một trọng điểm như yết hầu giao thông.

Tôi chưa có dịp đi dọc sông Bùng quê hương của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo dù đã cả trăm lần đi qua cầu Bùng. Nhưng có thể hình dung sông Bùng xưa trong xanh êm ả bao bọc làng xóm trong bình yên. Nhất định nhà thơ tương lai sẽ được lớn lên trong những làn điệu dân ca ví giặm sâu lắng thiết tha.

Từ hình dung này đến thưởng thức thơ Nguyễn Trọng Tạo thấy rõ vì sao chất trữ tình lại bay bổng và thắm đượm nồng nàn đến vậy, kể cả khi thi sĩ phổ thơ bạn thơ Nguyễn Phan Hách thành nhạc phẩm “Làng quan họ quê tôi” và thơ của Lê Huy Mậu thành ca khúc nổi tiếng “Khúc hát sông quê”.

nguyen trong tao tai nang va danh phan (1).jpg
Chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công Hải quân đọc trường ca 'Biển mặn' của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Ảnh tư liệu.

Viết từ trải nghiệm

Phương châm “Sống rồi mới viết” ứng nghiệm hoàn toàn vào thế hệ nhà thơ chống Mỹ như Thu Bồn, Phạm Ngọc Cảnh, Hữu Thỉnh, Xuân Quỳnh, Ý Nhi, Vương Trọng, Trần Ninh Hồ, Anh Ngọc, Phan Thị Thanh Nhàn, Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Duy, Nguyễn Thụy Kha, Hoàng Trần Cương, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Hoàng Nhuận Cầm,...

Giống với các nhà thơ cùng thế hệ, Nguyễn Trọng Tạo đã trải nghiệm đời lính trận mạc - “Lang thang trong chiến tranh”, và những cơ nan trong thời bình đời thường - “Cơ nhỡ trong hòa bình” (tên hai tập hồi ký của nhà thơ Thanh Thảo). Sống như thế nên không thể không viết (làm) thơ.

Thơ Nguyễn Trọng Tạo có cái nét tương đồng với thơ Hữu Thỉnh - theo tôi là cặp bài trùng của thơ thế hệ chống Mỹ, bấu chặt cái nôi văn hóa truyền thống và hơi thở thời đại làm nền. Trừ đôi khi sinh kế thúc bách mới cho phép mình dễ dãi một chút, một “chút xíu” thôi theo cách nói của người xứ Huế.

Còn nữa, thi nhân là người trung thành tuyệt đối với lý tưởng đạo đức nhân văn và với lý tưởng thẩm mỹ “Cái đẹp chính là đời sống”, “Văn học là lương tri thời đại”. Nói cách khác, trước chữ thơ thi nhân nghiêm cẩn, thành kính bởi trước trang giấy luôn được coi như “pháp trường trắng”.

Nếu có một cuộc điều tra xã hội học nghệ thuật nghiêm túc và công phu thì bài thơ “Đồng dao cho người lớn” (1992) sẽ nhận số phiếu cao nhất, nhì về “bài thơ hay nhất”, “bài thơ được yêu thích nhất” do độc giả bình chọn. Nó đặc trưng cho thơ hay do tiếp biến thành công folklore (văn hóa dân gian) và tinh thần thời đại:

“Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi

Có con người sống mà như qua đời

Có câu trả lời biến thành câu hỏi

Có kẻ ngoại tình tưởng là tiệc cưới

Có cha có mẹ có trẻ mồ côi

Có ông trăng tròn nào phải mâm xôi

Có cả đất trời mà không nhà ở

Có vui nho nhỏ có buồn mênh mông

Mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ

Mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió

Có thương có nhớ có khóc có cười

Có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi”.

Thơ Nguyễn Trọng Tạo thấm đượm triết lý sâu sắc về tự nhiên, nhân sinh, kiếp người, điều hay lẽ phải. Nhưng tất cả đều tự nhiên, hồn nhiên trong chất men say nồng của tình đời, tình người.

Nhưng thơ trữ tình Nguyễn Trọng Tạo thường khi ít cao giọng như trong bài Nhân Dân, trái lại nhiều “trữ tình riêng tư”, như những lời thủ thỉ tâm sự của những người tri âm tri kỷ.

Thời trước chưa phổ biến Internet (chính thức vào Việt Nam, năm 1997) và mạng xã hội thì trong sổ tay văn học của sinh viên Sư phạm hay Tổng hợp đều trang trọng chép những áng thơ (thi phẩm) kiểu như “Chia” (1989): “Chia cho em một/đời tôi/một cay đắng/một niềm vui/một buồn/tôi còn cái xác không hồn/cái chai không rượu tôi còn/vỏ chai...

Chia cho em một đời say/một cây si/với/một cây bồ đề/Tôi còn đâu nữa đam mê/trời chang chang nắng tôi về/héo khô/chia cho em một đời Thơ/một lênh đênh/một dại khờ/một tôi/chỉ còn cỏ mọc trên trời/một bông hoa nhỏ lặng rơi/mưa dầm”.

Bài thơ đặc sắc này được nhạc sĩ Phú Quang phổ thành ca khúc “Một dại khờ một tôi”.

Thơ trữ tình Nguyễn Trọng Tạo là thế, luôn “đối” (đối cực, đối màu, đối thanh, đối ảnh”. Nên sinh động và hấp dẫn khác thường. Ai đó nói không phải không thuyết phục rằng “Cực đoan là dấu chỉ của tài năng”?!

nguyen trong tao tai nang va danh phan (3).jpg
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (trái) và nhà giáo Văn Như Cương. Ảnh tư liệu.

Tài tình chi lắm cho trời đất ghen

Thế giới tâm hồn, nội tâm thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo rộng lớn và sâu thẳm, dữ dội và dịu êm... tương đồng với hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của thi sĩ Xuân Quỳnh. Nguyễn Trọng Tạo là một tài năng thơ từ trong máu huyết. Một chân tài. Tôi viết hai chữ “chân tài”, trong trường hợp này, để đối cực với hai chữ “ngụy tài” đang tìm cơ hội ngoi lên.

Nhưng sinh thời, có lần thi nhân chia sẻ với tác giả bài báo nhỏ này một tâm sự gan ruột: “Em nên nhớ, đến với Chúa và Thơ không bao giờ muộn!”. Khoảnh khắc xuất thần đó nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo không hề có sự nâng đỡ của “thần tửu”, đôi khi giúp một người tài thành “thi tửu”.

Đến bây giờ thì tôi thấm thía vì sao những tài thơ như Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo lại say mê Lorca - nhà thơ xứ Tây Ban Nha xa xôi về địa lý nhưng gần gũi về nghệ thuật ngôn từ mà thi ca là men nồng và men say, là tinh túy trời đất.

Người tài đi để lại tiếng thơm. Tôi quý trọng thi nhân Nguyễn Trọng Tạo và thi nhân cũng quý tôi trong công việc nghề chữ cũng như các quan hệ xã hội khác, có lẽ vì đều là những người tử tế. Nhà thơ từng chia sẻ với tôi mà không hề triết lý: “Trước khi phấn đấu trở thành người tài hãy cố gắng trở thành người tử tế. Em nhớ lấy!”.

Tôi cũng đồng cảm và chia sẻ sâu sắc với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo khi tự nói về mình: “Quá nhạy cảm nên dễ bị tổn thương, cũng lên bờ xuống ruộng đôi khi, nhưng tôi yêu đời, yêu người, yêu Thơ nên đã được bù đắp rất nhiều sau những va vấp, mất mát; đời tôi vinh quang và cay đắng đủ cả”.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (25/8/1947 - 7/1/2019), quê ở xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông nhập ngũ năm 1969 và kinh qua các vị trí: Trưởng đoàn Văn công xung kích E22 và F 341, thuộc Quân khu 4; ủy viên Hội đồng thơ (Hội Nhà văn Việt Nam). Ông được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, 2012; đã xuất bản nhiều tập thơ và trường ca. Một số tác phẩm thơ tiêu biểu: “Tình yêu sáng sớm”, “Gửi người không quen”, “Sóng thủy tinh”, “Đồng dao cho người lớn”, “Thư trên máy chữ và tản mạn thời tôi sống”… và ba trường ca “Con đường của những vì sao”, “Tình ca người lính”, “Biển mặn”.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo còn là tác giả các nhạc phẩm nổi tiếng: “Làng quan họ quê tôi”, “Tình khúc bốn mùa”, “Khúc hát sông quê”. Ông cũng là chủ nhân các mẫu Manchette tạp chí Sông Hương, Hồng Lĩnh, Sông Lam, báo Thơ, cờ Thơ và gần 500 bìa sách.

____________________

(*) Theo sách “Nhà văn Việt Nam hiện đại”, in lần thứ V, NXB Hội Nhà văn, 2020

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ