Nhà thơ Thanh Thảo có sức sáng tạo mãnh liệt, bởi ông viết từ trải nghiệm để văn - đạo - đời nhuần nhuyễn, hài hòa, hô ứng, tôn tạo nhau trên ngòi bút. Bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca” của nhà thơ xứ Quảng được đưa vào SGK Ngữ văn 12, Tập 1 từ năm học 2008 - 2009 và nay “đứng chân” trong bộ Cánh diều.
Từ tình yêu văn chương
Nhà thơ Thanh Thảo (tên khai sinh Hồ Thành Công), sinh ngày 12/2/1946 tại xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tình Quảng Ngãi. Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa 10 (1965-1969) và đi chiến trường miền Đông Nam Bộ từ đầu những năm 1970.
Nhà thơ từng tham gia Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam (trên cương vị Phó Chủ tịch) và Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi.
Thanh Thảo tự nhận bản thân yêu văn chương, mê đọc sách từ khá sớm. Ngay từ khi còn nhỏ, sống ở quê, thời kháng chiến chống Pháp rất nghèo khổ và thiếu thốn, nhất là thiếu sách, chú bé Công đã “ngốn” bất cứ quyển sách tình cờ nào rơi vào tay (tuy vậy cũng không thể nhiều được).
Khi tập kết ra miền Bắc (năm 1954) và được ưu tiên đi học ở Trung Quốc từ lớp Một, chú bé Công đã ngấu nghiến đọc những tác phẩm văn học kinh điển như “Thủy hử”, “Tam quốc”, “Đông Chu liệt quốc”...
Nhà thơ Thanh Thảo. Ảnh tư liệu |
Trong số sách khai tâm, khai trí đó, Công “say” nhất là “Thủy hử”. Đó là quyển sách đã góp phần làm nên tính cách của cậu, từ khi mới chín mười tuổi - tiết tháo, chính trực, lại pha chút ngang tàng hảo hán giang hồ, ưa thích xê dịch phiêu lưu.
Có lẽ, bắt đầu từ sách mà cậu sớm biết căm ghét sự cường quyền và bạo lực không chỉ ở Trung Quốc, cũng chính là nhờ đọc Thủy hử. Vì thế, có thể giải thích vì sao sau này nhà thơ tương lai yêu những người khởi nghĩa, những người dấn thân, những người nông dân trọng nghĩa khinh tài.
Từ đầu năm cấp hai, chú bé Công đã được đọc “Những người khốn khổ”, đến đầu năm cấp ba, được đọc hầu như tất cả những tác phẩm của Lev Nikolayevich Tolstoy, Ernest Miller Hemingway, và những tác phẩm của các nhà văn Nga, nhà văn Xô-Viết được dịch ra tiếng Việt.
Lên bậc đại học, chàng sinh viên tên Công bắt đầu được đọc Fyodor Mikhailovich Dostoyevsky, hồi đó tác phẩm của nhà văn này vẫn chưa được phổ biến ở miền Bắc. Còn khi ở chiến trường Nam Bộ, anh mới có điều kiện đọc được những tác phẩm của rất nhiều nhà văn, nhà thơ lớn trên thế giới được các dịch giả Sài Gòn chuyển ngữ. Có thể nói, đó là thời hoàng kim trong văn hóa đọc của nhà thơ.
Dĩ nhiên, hồi nhỏ nhà thơ tương lai cũng đã đọc “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài, cũng như “Không gia đình” của Hector Malot. Đó đều là những tác phẩm tuyệt vời, nói theo cách của các nhà lý luận phê bình văn học là chúng có cái năng lực “neo chữ”, lưu giữ lâu bền trong ký ức độc giả những vẻ đẹp tuyệt vời của đời sống tự nhiên và xã hội.
Thời học phổ thông và đại học, rồi mãi sau này, anh vẫn là “con mọt sách”. Vậy nên, nếu không thành nhà thơ, thì anh Công vẫn là người mê đọc sách và có duyên nợ với sách văn chương.
Tình yêu văn chương có thể không biến (giúp) một người bình thường trở thành nhà văn. Nhưng đã là nhà văn thì không thể nào vơi cạn, ngừng nghỉ tình yêu này. Thanh Thảo là một ví dụ điển hình về trải nghiệm sống và viết bằng, nhờ văn hóa đọc.
Đến những dấu chân qua trảng cỏ
Trên đường vào thơ Thanh Thảo, bài thơ “Dấu chân qua trảng cỏ”, thiết nghĩ, hẳn có một vị trí và ý nghĩa “khai quang”, “nhập môn”, “định hướng” nghiệp (hơn là nghề) viết văn của một cây bút từ chiến tranh đến với văn chương, như là đặc điểm chung nhất của các thế hệ nhà văn thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ trong mười nghìn ngày trường chinh vĩ đại của dân tộc Việt Nam (1945 - 1975).
Một bài thơ lục bát truyền thống (với 24 câu) nhưng mang hơi thở đời sống thời đại chiến tranh, vừa có cái toàn cảnh hoành tráng (sử thi), vừa có cái cận cảnh thơ mộng (trữ tình).
Ở phương Tây có câu “Đại bác nổ thì họa mi ngừng hót” ngụ ý nói về sự hủy diệt của chiến tranh đối với sự sống, đặc biệt với tình yêu và nghệ thuật. Tuy nhiên, ở Việt Nam tình hình không đúng như thế. Thi phẩm này mấy chục năm chịu được sự thử thách nghiệt ngã của thời gian, cứ vẫn ngân nga, ngân rung trong lòng nhiều người mỗi khi đọc lại:
“Buổi chiều qua trảng cỏ voi
Ngước nhìn mút mắt
khoảng trời long lanh
Gió nghiêng ngả giữa màu xanh
Tiếng bầy chim két
bỗng thành mênh mông
Lối mòn như sợi chỉ giăng
Còn in đậm đặc vô vàn dấu chân
Dấu chân ai đọc nên vần
Nên nào ai biết đi gần đi xa
Cuộc đời trải mút mắt ta
Lối mòn nhỏ cũng dẫn ra
chiến trường
Những người sốt rét đang cơn
Dấu chân bám xuống đường trơn,
có nhòe?
Chiếc bòng con đựng những gì
Mà đi cuối đất mà đi cùng trời
Mang bao khát vọng con người
Dấu chân nho nhỏ không lời
không tên
Vùi trong trảng cỏ thời gian
Vẫn âm thầm trải mút tầm mắt ta
Vẫn đằm hơi ấm thiết tha
Cho người sau biết đường ra
chiến trường”.
Cổ nhân nói “vạn sự khởi đầu” luôn luôn đúng. Thi phẩm “Dấu chân qua trảng cỏ” có cái tươi xanh, run rẩy, cảm xúc dâng tràn của tuổi trẻ vào đời (vào cuộc chiến) nhưng đã sớm có bản lĩnh, tự tin, tự tại và tràn đầy cảm hứng tương lai được hiểu như giá đỡ tinh thần của số phận con người dù sẽ trải qua bão tố chiến tranh hay cuộc ba đào, bể dâu đời thường sau này.
Có thể vì những dự cảm ban đầu có tính chất tiên nghiệm đó nên sau này nhà thơ mới viết hồi ký “Lang thang qua chiến tranh” và “Cơ nhỡ trong hòa bình”. Những ra sống vào chết ở chiến trường thời binh lửa, những bầm dập thăng trầm trong đời thường ngày hòa bình hiện lên qua hai tập hồi ký, xét cho cùng, nếu không làm người đọc bi ai cũng chính vì cái sự khởi đầu của văn chương Thanh Thảo đã có cái năng lực thấu thị sự vật trong tự nhiên và xã hội.
Và rất nhiều tinh khiết, thanh sạch trong tâm hồn của người lính ra trận. Một sự trùng hợp thú vị, sau hòa bình (1975) nhà văn Nguyễn Minh Châu viết “Cỏ lau” - một thiên truyện giàu sức biểu cảm và hàm nghĩa tượng trưng, cô đặc một cấu tứ về số phận và nhân cách như nỗi niềm đau đáu về trách nhiệm của người cầm bút viết văn trước đồng bào, đồng chí của mình.
Nên mới có so sánh thú vị, tôi nghĩ, nếu Nguyễn Minh Châu viết văn để đặt chân trên “đường đến cỏ lau” thì Thanh Thảo viết văn từ “dấu chân qua trảng cỏ”. Tuy nhiên, mọi sự so sánh đều có thể khập khiễng.
Phong cách độc đáo
Bút tích của nhà thơ Thanh Thảo |
Thanh Thảo - một phong cách thơ độc đáo, tài hoa, có thể viết gọn trong mười sáu chữ “đốt cháy trái tim đến thành trí tuệ, đốt cháy trí tuệ đến thành trái tim”. Nói cách khác, thơ Thanh Thảo lấp lánh trí tuệ và thăm thẳm tình đời, tình người.
Dấu hiệu của một tài năng nghệ thuật được định vị ở lòng trung thành của người nghệ sĩ với lý tưởng sống và lý tưởng nhệ thuật, như lý luận văn học thường mặc định “Chân - Thiện - Mỹ”.
Ai đó nói rằng, trí tuệ thì do học hỏi, bồi đắp mà nên còn tình cảm thì vốn có, bản năng. Không có gì là không đúng. Nhưng suy nghiệm thấu đáo thì sẽ thấy tình cảm cũng cần được rèn luyện, bồi đắp, dự trữ, gia tăng, phát huy trong sự sống (sống rồi mới viết) và cách sống (nhân cách) của người nghệ sĩ.
Theo dõi đường vào thơ Thanh Thảo, không riêng tôi nhận ra nhà thơ đã thực sự kiên trì vun đắp, mài giũa ngòi bút của mình trên từng câu chữ ngày càng nhiều hàm lượng văn hóa của nghệ thuật ngôn từ để phát hiện cái đẹp chính từ đời sống.
Thơ Thanh Thảo không có cái chất giọng du dương, véo von, ngợi ca dễ dãi, đơn giản, thuần túy. Độc giả sớm nhận ra mỗi câu mỗi chữ trong thơ ông cái chất tinh túy của tự nhiên, cái ròng ròng của chất sống được quan sát, thanh lọc, nâng niu, ấp ủ kỹ càng trước khi dâng tặng người đời.
Cũng bởi, nhà thơ là người có ý thức chắt chiu cái đẹp trong quá trình lao động nghệ thuật trên nền một thảo nguyên mênh mông chữ và đầy những bí mật ngàn đời hấp dẫn người nghệ sĩ ngôn từ.
Sáng tác của nhà thơ Thanh Thảo rất phong phú, đa dạng với hơn 20 tác phẩm, nổi bật như: “Dấu chân qua trảng cỏ”, “Tàu sắp vào ga”, “Bạch đàn gửi bạch dương”, “Thanh Thảo 1 2 3”… (thơ); “Trẻ con ở Sơn Mỹ”, “Những người đi tới biển”, “Bùng nổ của mùa Xuân”, “Đêm trên cát”, “Những ngọn sóng mặt trời”, “Trường ca chân đất”… (trường ca); “Ngón thứ sáu của bàn tay”, “Mãi mãi là bí mật”, “Trò chuyện với dòng sông”, “Những chân dung muôn màu” (tiểu luận - phê bình - chân dung văn học); “Lang thang qua chiến tranh”, “Cơ nhỡ trong hòa bình” (hồi ký).
Trong đó, ông được văn giới tấn phong là “Vua trường ca” và nhận nhiều giải thưởng văn học cao quý: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1979), Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (năm 2001) và Giải thưởng Văn học Đông Nam Á (năm 2014).