Thi học sinh giỏi theo chương trình mới: Đề thi có mới?

GD&TĐ - Nhiều địa phương đã chốt thời gian thi học sinh giỏi cấp tỉnh cho học sinh THCS và THPT. 

Trường THCS Lê Hồng Phong (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) gặp mặt đội tuyển trước kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố. Ảnh: NTCC
Trường THCS Lê Hồng Phong (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) gặp mặt đội tuyển trước kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố. Ảnh: NTCC

Với cấp THCS, các môn học mới mang tính chất tích hợp như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí sẽ có sự đổi mới trong cấu trúc đề thi theo hướng vừa kiểm tra kiến thức chung vừa có tính phân hóa sâu ở mạch kiến thức riêng.

Vừa làm vừa điều chỉnh

Phòng GD&ĐT thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) đang lên kế hoạch tổ chức thi và chọn đội tuyển học sinh giỏi lớp 9 để bồi dưỡng thi học sinh giỏi toàn tỉnh vào tháng 9. Học sinh của 20 trường THCS sẽ dự thi 2 vòng để chọn mỗi môn từ 10 - 13 em. Khác những năm trước, năm học này có 2 môn mới là Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí thay thế cho các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí như trước đây.

Bà Trần Thị Thanh Vân - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Điện Bàn cho biết: “Đề thi chọn học sinh để thành lập đội tuyển sẽ bám theo cấu trúc mà Sở GD&ĐT Quảng Nam đã công bố. Trong đó, phần kiến thức chung ở môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, các câu hỏi ở mức thông hiểu và vận dụng. Phần riêng, ở môn Khoa học tự nhiên, thí sinh sẽ chọn 1 trong 3 nội dung tương ứng, hoặc Vật lí hoặc Sinh học hoặc Hóa học. Với môn Lịch sử và Địa lí, phần chung sẽ chiếm tỷ lệ 50% số điểm”.

Trong khi đó, trong hướng dẫn của Sở GD&ĐT Quảng Trị một số nội dung về thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 môn Lịch sử và Địa lí, nội dung kiến thức thi theo phân môn, thí sinh chỉ được chọn 1 trong 2. Riêng môn Khoa học tự nhiên, nội dung thi có 2 phần.

Trong đó, phần kiến thức chung chiếm 30% tổng số điểm, gồm mức độ thông hiểu và vận dụng; nội dung kiến thức phân bố tất cả chủ đề. Phần tự chọn chiếm 70% tổng số điểm, có các mức độ thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Thí sinh chỉ được chọn 1 trong 3 nội dung sau: Chất và sự biến đổi của chất; Vật sống; Năng lượng và sự biến đổi, Trái đất và bầu trời.

Ông Mai Huy Phương - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị cho hay: “Từ các nội dung định hướng trên cơ sở thống nhất của Hội đồng bộ môn cấp tỉnh, các trường THCS sẽ xây dựng nội dung ôn tập cùng dạng bài để bồi dưỡng đội tuyển phù hợp. Việc xây dựng ngân hàng câu hỏi chỉ phù hợp các kỳ thi mang tính chất đại trà.

Thực ra, nội dung của các môn học ở hai Chương trình GDPT 2006 và 2018 không có nhiều điểm khác biệt, ngoại trừ môn Khoa học tự nhiên sẽ có phần câu hỏi kiến thức chung, nhưng cũng chỉ ở mức thông hiểu và vận dụng. Giáo viên đơn môn sẽ cùng phối hợp để xây dựng hệ thống bài tập bồi dưỡng học sinh dựa trên thế mạnh từng trường học”.

Cùng quan điểm này, bà Trần Thị Thanh Vân cho rằng, xây dựng ngân hàng câu hỏi để bồi dưỡng học sinh giỏi với các môn học tích hợp là công việc mới. Giáo viên đảm nhận bồi dưỡng đội tuyển sẽ bàn bạc, xây dựng dạng bài tập, hệ thống câu hỏi ở phần kiến thức chung để học sinh ôn luyện dựa trên nội dung giới hạn mà Sở GD&ĐT Quảng Nam đã công bố.

de thi co moi (1).jpg
Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) khen thưởng học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp trường để chọn đội tuyển bồi dưỡng dự thi cấp thành phố. Ảnh: NTCC

Trắc nghiệm kết hợp tự luận

Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Nghệ An, cấu trúc đề thi học sinh giỏi lớp 9 ở môn Khoa học tự nhiên gồm 3 nội dung thi độc lập. Nội dung Khoa học tự nhiên 1: Gồm nội dung chung môn Khoa học tự nhiên và nội dung lựa chọn: Chủ đề Năng lượng, Trái đất và Bầu trời. Nội dung Khoa học tự nhiên 2: Gồm nội dung chung môn Khoa học tự nhiên và nội dung lựa chọn: Chủ đề Chất và biến đổi của chất. Nội dung Khoa học tự nhiên 3: Gồm nội dung chung môn Khoa học tự nhiên và nội dung lựa chọn: Chủ đề Vật sống.

Môn Lịch sử và Địa lí gồm 2 nội dung thi độc lập. Trong đó, nội dung Lịch sử và Địa lí 1: Gồm nội dung chung môn Lịch sử và Địa lí và lựa chọn thuộc phân môn Lịch sử. Nội dung Lịch sử và Địa lí 2: Gồm nội dung chung môn Lịch sử và Địa lí và nội dung lựa chọn thuộc phân môn Địa lí.

Chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Nghệ An: “Có 3 quan điểm ra đề thi học sinh giỏi tỉnh. Thứ nhất là giữ nguyên như các năm trước; thứ 2 thi trắc nghiệm hoàn toàn, thứ 3 thi kết hợp trắc nghiệm và tự luận. Nếu theo 2 phương án đầu sẽ rất “khỏe” cho sở.

Tuy nhiên, Nghệ An chọn xây dựng đề theo hướng thứ 3, vì nếu đề thi chỉ có câu hỏi trắc nghiệm và không có tự luận, sẽ khó phân hóa cao học sinh, vì có phần may rủi. Việc ra đề thi cũng nhằm thúc đẩy dạy học ở các nhà trường, bám sát Kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ cũng như Chương trình GDPT 2018”.

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Dũng, phương án, cấu trúc đề thi, kỹ năng biên soạn câu hỏi đã được sở xây dựng, lấy ý kiến của các cơ sở giáo dục và tập huấn cho giáo viên từ trước.

Bên cạnh đó, hiện nhà trường được tự chủ xây dựng chương trình, kỳ thi học sinh giỏi dành cho một bộ phận học sinh mũi nhọn, chứ không phải kỳ thi đại trà. Vì thế khi quyết định chính thức ban hành không quá bất ngờ và gây khó khăn cho các nhà trường, giáo viên ôn thi.

Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Quảng Nam, với môn Khoa học tự nhiên, sẽ có thang điểm 20 điểm cho cả 3 nội dung Vật lí, Hóa học và Sinh học. Trong đó, ở phần câu hỏi kiến thức chung, tất cả thí sinh phải làm hết 3 nội dung Hóa học, Vật lí và Sinh học, mỗi phần 2,5 điểm; tổng điểm phần chung là 7,5 điểm. Phần câu hỏi riêng, thí sinh chọn 1 trong 3 nội dung tương ứng, phần này chiếm 12,5 điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ