Lúng túng chọn đội tuyển học sinh giỏi môn tích hợp

GD&TĐ - Chọn và bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn KHTN, Lịch sử và Địa lý ở lớp 9 Chương trình GDPT 2018 đang khiến nhiều trường THCS lúng túng...

Học sinh Trường THCS Nguyễn Lương Bằng tham gia sinh hoạt CLB Lịch sử - Địa lý. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THCS Nguyễn Lương Bằng tham gia sinh hoạt CLB Lịch sử - Địa lý. Ảnh: NTCC

3 trong 1 hay đơn môn

Năm học 2023 - 2024, Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tổ chức khảo sát học sinh giỏi cấp trường cho khối lớp 8. Thầy Hiệu trưởng Võ Thanh Phước cho biết: “Nhà trường mới tổ chức thi 3 phân môn riêng của môn Khoa học tự nhiên chứ chưa ra một đề tích hợp. Kết quả khảo sát là một trong những căn cứ để hình thành đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi lớp 9. Giáo viên sẽ biết được thế mạnh của từng em để có kế hoạch bồi dưỡng trọng tâm”.

Tuy nhiên, khi xây dựng phương án bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi lớp 9 cho năm học 2024 - 2025, trong phân công chuyên môn, Trường THCS Nguyễn Huệ có 3 giáo viên đảm nhận bồi dưỡng ở môn Khoa học tự nhiên, 2 giáo viên cho môn Lịch sử và Địa lý.

Thầy Võ Thanh Phước cho biết: “Trước đây, với Chương trình GDPT 2006, mỗi đội tuyển các môn Hóa học, Sinh học và Vật lí có 2 giáo viên tham gia bồi dưỡng. Thế nhưng, với Chương trình GDPT 2018, chỉ còn 1 giáo viên cho một đơn môn.

Các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý được bồi dưỡng theo chuyên đề, do giáo viên đơn môn đứng lớp”. Như vậy, học sinh tham gia đội tuyển Khoa học tự nhiên sẽ học chuyên đề cả 3 phân môn Vật lí, Hóa học và Sinh học. Cách tổ chức như vậy mới có thể đủ kiến thức chuyên sâu.

Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) chưa có sự chuẩn bị cho việc hình thành đội tuyển học sinh giỏi lớp 9 của Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Huỳnh Duy Linh: “Học sinh sẽ phải tham gia bồi dưỡng theo chuyên đề. Vì vậy, môn Khoa học tự nhiên có 3 giáo viên đơn môn dạy bồi dưỡng. Tương tự, môn Lịch sử và Địa lý do 2 giáo viên đảm nhận”.

Theo phân tích của thầy Linh, sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên đang tổ chức theo chuyên đề tuyến tính. Do đó, nhìn vào cấu trúc chương trình học, các trường sẽ chủ động được trong xây dựng kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi của Chương trình GDPT 2018.

Về vấn đề này, bà Trần Thị Thanh Vân - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) cho biết đang chờ sở GD&ĐT hướng dẫn về cách thức tổ chức thi học sinh giỏi lớp 9 để các trường “khởi động” việc hình thành đội tuyển. Tuy nhiên, theo bà Vân, dự định ở vòng 1 khảo sát để thành lập đội tuyển, học sinh sẽ làm bài thi theo hướng đơn môn để có căn cứ xác định thế mạnh từng em.

chon doi tuyen hoc sinh gioi mon tich hop (2).jpg
Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến gặp mặt đội tuyển dự thi học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố năm học 2023 - 2024. Ảnh: NTCC.

Băn khoăn ma trận đề môn tích hợp

Thầy Võ Thanh Phước nhận định: “Chắc chắn kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố sắp tới sẽ không còn môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí như những năm học trước đó. Thay vào đó, sẽ có môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí. Tuy nhiên, cấu trúc đề thi như thế nào thì hiện các trường chưa được hướng dẫn cụ thể. Như môn Khoa học tự nhiên, có thể là 4-3-3 hoặc 3-3-3 và một câu hỏi tích hợp kiến thức của các phân môn”.

Cùng quan điểm, cô Trần Thị Kim Vân - Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) cho rằng, đề thi học sinh giỏi các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí lớp 9 phải có sự tính toán ma trận phù hợp, cân đối giữa các phân môn cho hợp lý.

“Nếu áp theo cách thức ra đề của chương trình cũ sẽ không đúng tinh thần Chương trình GDPT 2018. Nếu một đề thi học sinh giỏi môn Khoa học tự nhiên có kiến thức của cả 3 phân môn thì phải có định hướng, khu trú lại khối lượng kiến thức chứ không thể áp dụng tư duy ra đề như trước đây”, cô Kim Vân phân tích.

Đặc biệt, theo cô Kim Vân, đề thi học sinh giỏi các môn mới của Chương trình GDPT 2018 phải có câu hỏi mang tính chất tích hợp cho cả 3 hoặc ít nhất 2 phân môn. Câu hỏi này nhằm phân hóa thí sinh. Vì vậy, học sinh phải tham gia học bồi dưỡng cả 3 phân môn ở môn Khoa học tự nhiên nếu muốn đạt kết quả cao kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố. Hoặc các em tự xác định thế mạnh của mình để có sự đầu tư cho 1 hoặc 2 môn thành phần phù hợp.

Về băn khoăn học sinh có quá tải hay không khi phải tham gia bồi dưỡng nhiều phân môn cùng một lúc, cô Kim Vân cho rằng, chương trình học đang theo chuyên đề, học sinh được bồi dưỡng theo dạng này.

“Qua theo dõi chất lượng học tập, chúng tôi nhận thấy các em học đều, không có sự lệch môn nhiều như ở Chương trình GDPT 2006. Học sinh bồi dưỡng đội tuyển cũng được xây dựng thời khóa biểu phù hợp chứ không phải trước đây bồi dưỡng đơn môn thì có 1 buổi, nay bồi dưỡng môn tích hợp thì phải nhân lên thành 3 buổi”, cô Vân phân tích.

Nhiều phụ huynh băn khoăn về sự tiếp nối giữa môn Khoa học tự nhiên ở cấp THCS và các lớp chuyên đơn môn ở cấp THPT trong Chương trình GDPT 2018. Liệu điều này có dẫn đến tâm lý “ngại” vào đội tuyển học sinh giỏi lớp 9 hay không? Thầy Võ Thanh Phước cho rằng, ở Đà Nẵng, điều kiện để học sinh nộp đơn dự tuyển vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn là phải có giải ở kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 toàn thành phố.

“Học sinh vào được đội tuyển của trường phải qua nhiều lần sàng lọc nên đó cũng là điều tự hào và mục tiêu phấn đấu của các em. Vì vậy, sẽ không có chuyện phụ huynh và học sinh lo lắng quá tải khi phải luyện cả 3 phân môn dẫn đến tình trạng “né” vào đội tuyển như dư luận lo lắng”, thầy Phước khẳng định.

Ông Mai Tấn Linh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, hiện sở chưa có hướng dẫn cụ thể cho các trường trong ôn tập, cách ra đề… Các địa phương đang đợi Bộ ban hành hướng dẫn công tác tuyển sinh, thi… liên quan đến Chương trình GDPT 2018 như thi tuyển sinh lớp 10, thi chọn học sinh giỏi để xây dựng kế hoạch phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.