Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Viện Đại học Mở Hà Nội

GD&TĐ - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Viện Đại học Mở Hà Nội.

Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Viện Đại học Mở Hà Nội

Hướng đến là đại học trực tuyến

Viện Đại học Mở Hà Nội (Viện) là một cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực, đa phương thức đào tạo theo hướng giáo dục mở phù hợp với các chuẩn mực khu vực và quốc tế; hướng đến là đại học trực tuyến (Cyber University) hàng đầu với công nghệ đào tạo hiện đại; hoạt động tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm bảo đảm các đối tượng chính sách, đối tượng hoàn cảnh khó khăn có cơ hội học tập và nghiên cứu tại Viện.

Viện được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, trong đó, quyết định mở ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo nhu cầu xã hội khi đáp ứng đủ điều kiện quy định, phù hợp với định hướng phát triển của Viện; xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh theo Đề án tuyển sinh của Viện, bảo đảm tính công khai, minh bạch và thực hiện chế độ ưu tiên trong tuyển sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bên cạnh đó, quyết định các hoạt động đào tạo (chương trình đào tạo, phương thức đào tạo, phương pháp giảng dạy; ngôn ngữ giảng dạy; phương pháp thi; kiểm tra đánh giá kết quả học tập; giáo trình, học liệu và quản lý đào tạo; in, cấp phát và quản lý văn bằng, chứng chỉ); bảo đảm chuẩn đầu ra mà Viện đã cam kết; thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định, phấn đấu đạt chuẩn quốc tế.

Đồng thời, quyết định liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo trong nước; liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài trên cơ sở các đối tác liên kết là các trường đại học, các tổ chức đào tạo có uy tín trong khu vực và trên thế giới; quyết định hoạt động nghiên cứu khoa học; quyết định tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ, dịch vụ khoa học công nghệ, tổ chức hội thảo khoa học; kết nối chặt chẽ với các đơn vị sản xuất - kinh doanh để tổ chức đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội.

Về tổ chức bộ máy, nhân sự, Hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện quyền sở hữu của Viện. Hội đồng trường chịu trách nhiệm quyết nghị về: Phương hướng tổ chức và hoạt động; phương hướng huy động và phân bổ các nguồn lực cho Viện; giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng trường và việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của Viện. Hội đồng trường thực hiện gắn kết chặt chẽ giữa Viện với cộng đồng xã hội, bảo đảm thực hiện các mục tiêu giáo dục và quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Viện theo quy định của pháp luật.

Quy định về học phí

Viện thực hiện cơ chế thu và quản lý học phí theo quy định của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ. Trên cơ sở đó, mức thu học phí bình quân tối đa của chương trình đại trà trình độ đại học chính quy năm học 2017 - 2018 là 10,6 triệu đồng/sinh viên/năm học, năm học 2018 - 2019 là 11,6 triệu đồng/sinh viên/năm học, năm học 2019 - 2020 là 12,8 triệu đồng/sinh viên/năm học.

Viện thực hiện tính toán và công khai mức thu học phí cụ thể theo từng nhóm ngành, chuyên ngành, chương trình đào tạo trước khi tuyển sinh bảo đảm mức thu học phí bình quân (của chương trình đại trà) không vượt mức thu học phí bình quân tối đa theo quy định tại Quyết định này.

Viện quyết định mức trần học phí đối với trình độ đào tạo tiến sĩ bằng 2,5 lần; thạc sĩ bằng 1,5 lần mức học phí chương trình đại trà trình độ đại học chính quy cùng nhóm ngành đào tạo; mức học phí đối với hình thức giáo dục thường xuyên không vượt quá 1,5 lần mức trần học phí chính quy cùng cấp học và cùng nhóm ngành đào tạo (học phí này bao gồm: Học liệu, thiết bị công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật cho sinh viên trong quá trình học tập).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ