Hội thảo do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang phối hợp cùng Viện Đại học Mở Hà Nội tổ chức. Tham dự có đại diện Bộ GD&ĐT, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND và các ban ngành của tỉnh Hà Giang.
Báo cáo đề dẫn khai mạc Hội thảo với đề tài “Xây dựng xã hội học tập – Một số vấn đề thực tiễn hiện nay” được TS. Trương Tiến Tùng – Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội làm rõ nhiều nội dung, đặc biệt trong đó nhấn mạnh: Xây dựng xã hội học tập hiện đang là một xu hướng tất yếu trên thế giới. Tư tưởng giáo dục liên tục, học tập suốt đời được quảng bá rộng rãi; sau đó là tư tưởng giáo dục cho mọi người, là nhận thức về bốn trụ cột của giáo dục: học để biết, học để làm, học để tồn tại, học để chung sống, ngày càng được cụ thể hóa thành các chính sách giáo dục của các quốc gia.
TS. Trương Tiến Tùng kiến nghị, cùng với những quan tâm, chương trình hành động cụ thể phù hợp với đặc thù của mỗi địa phương, sự kết nối và tham gia tích cực của các cơ sở giáo dục đại học với địa phương và sự xã hội hoá - tham gia hưởng ứng và ủng hộ thiết thực của các tổ chức, các doanh nghiệp tại địa phương là những biện pháp hữu hiệu với hy vọng góp phần thực hiện thắng lợi Đề án của Chính phủ trong việc xây dựng XHHT và học tập suốt đời.
Viện Đại học Mở Hà Nội mong muốn sẽ đồng hành với tỉnh Hà Giang tìm kiếm các biện pháp phù hợp, từ đó xây dựng các chương trình, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho người dân Hà Giang.
Vấn đề đặt ra cho phá triển bền vững
Tham luận của đại diện Sở Nội vụ tỉnh Hà Giang cho biết: Tỉnh Hà Giang xác định công tác đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCCVC luôn là mục tiêu hàng đầu, đó là nhiệm vụ quan trọng và nặng nề của địa phương, nhiệm vụ đó đã được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, định hướng và tổ chức triển khai thực hiện.
Trong giai đoạn 2011-2016, Sở Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan chức năng, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của các Bộ, ngành Trung ương và Bộ Nội vụ, các cơ sở đào tạo của tỉnh như Trường Chính trị, Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh, Trường Trung học Kinh tế- kỹ thuật tỉnh...tham mưu trình UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện được nhiều khoá đào tạo, bồi dưỡng cho CBCCVC thuộc tỉnh.
Đặc biệt là đào tạo trình độ chuyên môn trung cấp, cao đẳng, đại học cho cán bộ, công chức cấp xã với các chuyên ngành Địa chính, Tư pháp, kinh tế, Kỹ thuật, Nông lâm nghiệp, Hành chính....; triển khai thực hiện các khoá đào tạo trình độ về trình độ lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính nhà nước, hội nhập kinh tế quốc tế, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, chức danh ... theo quy định đảm và phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh và cơ sở.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ, trong giai đoạn 2011-2015, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế; đặc biệt là một tỉnh miền núi, biên giới; nhưng với sự nỗ lực của các cấp. các ngành và đồng bào các dân tộc trong tỉnh, cùng với sự quan tâm của trung ương, tỉnh Hà Giang cũng đã đạt được những thành tựu nhất định; Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,55%; tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2015 đạt 19,2 triệu đồng.
Cơ cấu từng ngành kinh tế có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Nông nghiệp tăng trưởng khá ổn định; các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung dần hình thành; chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, an sinh xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.
Tuy nhiên, do điều kiện khắc nghiệt nên Hà Giang vẫn là một trong những tỉnh đặc biệt khó khăn, đời sống còn ở mức thấp; năng lực kết nối vùng, miền của hạ tầng giao thông còn yếu. Chính sách hỗ trợ của trung ương, địa phương đã có nhưng không đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp lớn đến với địa phương.
Để thực hiện được những định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới tỉnh Hà Giang cần có sự khảo sát kỹ lưỡng, xác định cụ thể và tập trung đào tạo, bồi dưỡng nhân lực đối với những nhóm ngành nhất định, thực sự cần thiết, phù hợp với thực tế của tỉnh. Để từ đó, những chiến lược phát triển kinh tế - xã hội sẽ được triển khai sáng tạo, hiệu quả, thực sự đưa Hà Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Hiến kế vì sự phát triển của Hà Giang
Giám đốc Trung tâm Phát triển Đào tạo – Viện Đại học Mở Hà Nội – Nguyễn Minh Đức, người đã có kinh nghiệm nhiều năm gắn bó từ các tỉnh miền núi phía Bắc, đến cao nguyên Trung phần và Tây Nguyên, từ những trải nghiệm của mình, ông Đức cho rằng: Hà Giang là tỉnh miền núi, giao thông đi lại khó khăn, điều kiện kinh tế còn nghèo. Trong điều kiện đó thì ĐTTX (bao gồm ĐTTX có giảng viên trực tiếp và ĐTTX trực tuyến) là phương thức tốt nhất, sẽ giảm đáng kể thời gian cho việc đi lại của người học, giảm chi phí phát sinh (ngoài học phí) trong quá trình tham gia học tập.
Với phương thức ĐTTTX trực tuyến thì người học có thể tham gia học tập mọi lúc mọi nơi, không ảnh hưởng đến công tác ở cơ quan và công việc gia đình. Ngoài các chương trình đào tạo dài hạn, ông Đức cho rằng: Cần tăng cường các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn nhằm nâng cao năng lực, trình độ của người lao động (bồi dưỡng về tiếng Anh, Tin học, Kế toán...). Viện Đại học Mở Hà Nội sẽ cung cấp những chương trình đào tạo tốt nhất phù hợp với nhu cầu của cán bộ và nhân dân trong tỉnh, góp phần nâng cao trình độ, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Hà Giang.
TS. Trần Thị Lan Thu - Trung tâm Đào tạo Trực tuyến nhấn mạnh: Chúng ta đang ở kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với những thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực: internet, mạng xã hội, dữ liệu khổng lồ, di động, trí tuệ nhân tạo, sinh học và robot đã tạo ra những thay đổi vô cùng lớn trong mọi hoạt động ở mọi lĩnh vực của con người. Công nghệ đào tạo trực tuyến (E-learning) – một phương thức giáo dục hiện đại ngày nay đã trở thành xu hướng trong hoạt động giáo dục - đào tạo và trong thời gian tới sẽ phát triển mạnh.
Với những điều kiện về hạ tầng công nghệ và khả năng của người dân như vậy, việc đào tạo trực tuyến tại địa bàn tỉnh Hà Giang là hoàn toàn khả thi, thậm chí, nếu triển khai tốt phương thức đào tạo này sẽ giúp mở ra một cơ hội cho nhân dân ở các địa hình khó khăn, dân tộc thiểu số có thể tham gia học tập nâng cao nhận thức, trình độ, tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho việc phát triển kinh tế, xã hội toàn tỉnh.
Còn ThS. Lê Thị Ngọc Trâm - Khoa Đào tạo Từ xa - Viện Đại học Mở Hà Nội cho rằng, hiện nay ĐTTX ngày càng được quan tâm hơn vì nhu cầu nâng cao kiến thức của người không có điều kiện đến trường ngày càng lớn. ĐTTX là phương thức đào tạo mới, hiện đại và thuận tiện cho người học, nhất là đối với những người không có điều kiện ngồi trên ghế nhà trường. Người học vừa có thể công tác, vừa có thể tham gia học tập vào thời gian thích hợp, đặc biệt không bị ràng buộc bởi thời gian eo hẹp khi quá bận công tác hoặc do hoàn cảnh không thể tham gia học trực tiếp.
Bà Trâm cũng phân tích lợi thế của ĐTTX, do có sự giãn cách giữa giảng viên và sinh viên về thời gian và không gian nên phần lớn thời gian sinh viên của hệ ĐTTX phải tự nghiên cứu nên tính cá thể hoá được bộc lộ rõ ràng hơn. Sinh viên phải độc lập và chủ động trong học tập, tự tìm tòi khám phá nên việc nâng cao được khả năng tự chủ tự nghiên cứu, tự đào tạo của người học. Chính vì lẽ đó, ĐTTX góp phần giảm thiểu các rào cản về thời gian, địa điểm, hoàn cảnh kinh tế, tuổi tác và trình độ.
TS. Vũ An Dân - Khoa Du lịch – Viện Đại học Mở Hà Nội lại đưa ra gợi mở, liên kết để cùng phát triển, thực hiện Du lịch có trách nhiệm. Ngành Du lịch có thể tham gia việc hợp tác với Hà Giang trong lĩnh vực Du lịch với các hoạt động cụ thể như sau: Tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn, các chương trình đào tạo cử nhân về Quản trị kinh doanh Du lịch theo các hệ từ xa, vừa học vừa làm.
Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho cán bộ của các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương về Quản lý điểm đến du lịch, Du lịch cộng đồng; Tư vấn và triển khai các dự án, chương trình Du lịch cộng đồng ở các cấp độ khác nhau; Hỗ trợ tư vấn trong việc tìm kiếm và thực hiện các dự án du lịch từ các tổ chức quốc tế; Thực hiện các chương trình khảo sát, quy hoạch du lịch, đánh giá các tác động của du lịch của Hà Giang.