Thi đánh giá năng lực: Tăng cường hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Các kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) ngày càng thu hút thí sinh và số trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả để xét tuyển cũng ngày càng tăng.

Học sinh lớp 12 của Trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp quay lại trường sau quãng thời gian nghỉ Tết. Ảnh: Nam Sơn
Học sinh lớp 12 của Trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp quay lại trường sau quãng thời gian nghỉ Tết. Ảnh: Nam Sơn

Chính vì thế, song song với việc giúp học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường còn hỗ trợ các em làm quen với kỳ thi này để thêm cơ hội trúng tuyển.

Cơ hội rèn kiến thức, kỹ năng

Chỉ còn thời gian ngắn nữa là đợt thi ĐGNL thứ nhất năm 2022 của ĐHQG TPHCM diễn ra. Càng đến gần thời điểm tổ chức kỳ thi, không khí chuẩn bị của các trường THPT và học sinh trở nên khẩn trương.

Tại TPHCM, nhiều trường THPT tốp đầu có tỷ lệ đăng ký thi ĐGNL xấp xỉ 90 - 100%. Trước định hướng của học sinh, các trường đã chủ động xây dựng kế hoạch hỗ trợ. Đề thi, bài kiểm tra chương trình phổ thông được xây dựng theo hướng tiệm cận với đánh giá toàn diện năng lực (tương tự đề thi ĐGNL). Giáo viên luôn chú ý định hướng cho học sinh học tập, ôn luyện toàn diện, vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề thực tế, qua đó giúp trò dễ dàng tiếp cận với đề thi ĐGNL tốt hơn.

Trước thềm kỳ thi ĐGNL năm 2022, Trường THPT Nguyễn Du, Quận 10 đã bố trí 9 giáo viên tập trung hướng dẫn ôn thi 8 môn cho các thí sinh (riêng môn Hóa có 2 giáo viên hướng dẫn). Học sinh sẽ ôn tập một buổi gồm 2 môn và mỗi môn sẽ kéo dài khoảng 1 tiếng.

Theo kinh nghiệm của giáo viên tham gia ôn luyện tại Trường THPT Nguyên Du, đối với dạng đề thi ĐGNL, học sinh không chỉ luyện thi vài tuần hay vài tháng là làm được. Các em phải tích lũy kiến thức trong thời gian dài. Quá trình hướng dẫn của các thầy cô sẽ giúp học trò tránh bỡ ngỡ trước những nội dung thi có phần lạ với học sinh phổ thông, nhưng xét về tổng thể, để đạt được điểm cao, các em phải có quá trình tích lũy kiến thức lâu dài.

Theo thầy Phan Hồ Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp, trong hai năm 2020 và 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Phần lớn học sinh phải học online nên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng học, kết quả tốt nghiệp THPT quốc gia không mang tính phân loại cao nên kỳ thi ĐGNL là hình thức thẩm định chất lượng đầu vào của các thí sinh khá chuẩn xác.

Việc tham gia các kỳ thi ĐGNL trước khi bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ giúp học sinh có thêm nhiều kinh nghiệm cũng như xác định được sức học của mình. Việc cọ xát trong một kỳ thi quy mô sẽ giúp sĩ tử bớt bỡ ngỡ, lúng túng.

Theo thầy Hải, trong thời gian qua, các nội dung học tập, kỳ kiểm tra của Trường THPT Nguyễn Công Trứ đều hướng tới mục tiêu giúp học sinh có đủ kiến thức, kỹ năng làm bài không chỉ với kỳ thi tốt nghiệp, mà còn với kỳ thi ĐGNL, giúp các em tự tin trên con đường bước vào giảng đường đại học.

Trường THPT Nguyễn Du, Quận 10 tổ chức buổi gặp các phụ huynh học sinh để giải đáp những vấn đề liên quan đến chuyện thi cử. Ảnh: Nam Sơn
Trường THPT Nguyễn Du, Quận 10 tổ chức buổi gặp các phụ huynh học sinh để giải đáp những vấn đề liên quan đến chuyện thi cử. Ảnh: Nam Sơn

Hỗ trợ học sinh thủ tục, làm quen cách thi

Thầy Lê Văn Phước, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh, cho biết: Về cơ bản, học sinh chủ động đăng ký thi ĐGNL theo nguyện vọng. Tuy nhiên, trước sự quan tâm của học sinh, nhà trường đã cử giáo viên hỗ trợ học sinh về các thủ tục, quá trình làm quen cách thi…

Trường THPT Bùi Thị Xuân, Quận 1 cũng tổ chức các buổi tư vấn hỗ trợ các học sinh trong quá trình nộp hồ sơ. Thầy Nguyễn Hùng Khương, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Năm 2021, Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐHQG TPHCM) cử cán bộ về trường hỗ trợ các em trong quá trình đăng ký. Còn năm nay, các em chủ động đăng ký, nộp hồ sơ, nếu có thắc mắc, cần tư vấn thì nhà trường sẽ hỗ trợ.

Em B.T.T, học sinh lớp 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho biết: “Ngoài nhận được sự tư vấn của các thầy cô, em cũng tự mình tìm hiểu về kỳ thi. Thầy cô cho chúng em làm quen với một số bài thi có tính chất đặc thù, nhất là những dạng bài tư duy logic, phân tích số liệu… thường ít gặp trong chương trình phổ thông”.

Trước khi học sinh đăng ký, Trường THPT Nguyễn Du, Quận 10 tổ chức buổi gặp gỡ phụ huynh để giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến kỳ thi ĐGNL cũng như việc định hướng ngành học, trường đại học của các em. Năm 2021, trường cử 5 giáo viên tham gia kỳ thi ĐGNL đợt 1 của ĐHQG TPHCM để nắm rõ cấu trúc, hiểu cách ra đề, hiểu nội dung... sau đó về hướng dẫn ôn tập cho học sinh của mình.

Năm nay, tuy trường không cử giáo viên đi thi nhưng quá trình hỗ trợ các em vẫn được tiến hành rất chu đáo. Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường, trong buổi gặp gỡ với phụ huynh mới đây, ngoài việc giới thiệu về các trường học, ngành học hot hiện nay, nhà trường cũng cung cấp những chương trình học của các thầy, cô giáo hỗ trợ thí sinh tham gia kỳ thi ĐGNL.

Để các em có thêm thời gian chuẩn bị cho kỳ thi, theo thầy Phú, nhà trường đã lùi lại một số chương trình ngoại khóa trong tháng 3. Ngoài ra, trước khi kỳ thi diễn ra, Trường THPT Nguyễn Du sẽ tổ chức thêm một buổi gặp gỡ nữa để hỗ trợ học sinh trong quá trình thi cử, cách giành điểm cao và có một kỳ sát hạch hiệu quả.

TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐHQG TPHCM) - cho biết cho đến nay, đã có 82 trường đại học, cao đẳng đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TPHCM tổ chức để xét tuyển năm 2022. Trong số này có 10 đơn vị thành viên ĐHQG TPHCM và 67 trường đại học, 5 trường cao đẳng khác. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.