Thi đánh giá năng lực: Thí sinh có nên đăng ký thi nhiều ca để “giữ chỗ”

GD&TĐ - Thí sinh không nhất thiết đăng ký 1 lần cho nhiều đợt (đã mở) vì sẽ phải đóng nhiều lệ phí trong khi các đợt thi có thể bị điều chỉnh do dịch bệnh Covid-19.

Thí sinh tham dự thi Kỳ thi ĐGNL, đợt 1 năm 2021 của ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: ĐH Quốc gia Hà Nội
Thí sinh tham dự thi Kỳ thi ĐGNL, đợt 1 năm 2021 của ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: ĐH Quốc gia Hà Nội

Lệ phí thay đổi

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo – Giám đốc Trung tâm Khảo thí (ĐH Quốc gia Hà Nội), việc đăng ký dự thi Đánh giá năng lực được thực hiện trực tuyến giống như năm 2021 tại http://khaothi.vnu.edu.vn/.

Cùng với đó, cổng đăng ký trực tuyến tiếp tục đã được nâng cấp về đường truyền, tải trọng phục vụ thí sinh đăng ký và nộp lệ phí. Các đợt đăng ký sẽ được mở dần dần để thí sinh yên tâm đăng ký theo lịch trình kết thúc chương trình trung học phổ thông.

Trung tâm Khảo thí không giới hạn số lần dự thi nhưng 2 đợt thi liền kề của thí sinh cách nhau tối thiểu 28 ngày. Các em không nhất thiết đăng ký 1 lần cho nhiều đợt (đã mở) vì sẽ phải đóng nhiều lệ phí trong khi các đợt thi có thể bị điều chỉnh do dịch bệnh Covid-19.

Trung tâm Khảo thí không khuyến khích thí sinh đăng ký nhiều đợt thi trong năm vì điểm thi giữa các đợt thi của thí sinh hầu như không thay đổi. Ngược lại, tâm lý đăng ký đợt đầu để “thi thử” hay “thi chơi” sẽ tạo tâm lý chuẩn bị không tốt cho chính thí sinh dự thi.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết: Các đợt thi năm 2021 được hỗ trợ tài chính để “khởi động” kỳ thi đánh giá năng lực và phục vụ xét tuyển chủ yếu vào ĐH Quốc gia Hà Nội. Mức lệ phí là 200.000 đồng/thí sinh/lượt thi đã thực hiện của năm 2015-2016.

Năm 2022, ĐH Quốc gia Hà Nội đã giao cho Trung tâm Khảo thí xây dựng định mức lệ phí được xác định trên nguyên tắc tính đúng, đủ chi phí tổ chức thi trên quy mô lớn và  phải thuê khoán hạ tầng, nhân lực (cán bộ coi thi, thanh tra, giám sát, bảo an, y tế…) tại nhiều trường đại học trong cả nước; đồng thời bổ sung thêm khoảng 25% câu hỏi mới vào ngân hàng đề thi trong năm 2022-2023.

Do đó mức lệ phí đăng ký dự thi và thi đánh giá năng lực năm 2022 xây dựng trên nguyên tắc tính đủ chi phí dao động từ 586.000 đến 625.000 đồng/thí sinh/lượt thi (chưa bao gồm chi phí triển khai phòng dịch Covid-19).

Với trách nhiệm xã hội, ĐH Quốc gia Hà Nội có chính sách miễn lệ phí cho các đối tượng thí sinh hoàn cảnh khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và hỗ trợ 50% lệ  phí cho tất cả các thí sinh  tham  gia  kỳ thi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến đời sống kinh tế xã hội. Do đó mức lệ phí năm 2022 thí sinh sẽ nộp là 300.000 đồng/thí sinh/lượt thi và phần còn lại sẽ do ĐH Quốc gia Hà Nội hỗ trợ.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Phó Trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Phó Trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội

Có nên thi nhiều để "giữ chỗ"

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, hồ sơ đăng ký dự thi rất đơn giản. Thí sinh chuẩn bị thông tin trước khi đăng ký. Cụ thể: điểm học tập của 5 học kỳ (lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12), căn cước công dân, ảnh chân dung trước khi đăng ký. Khi thí sinh hoàn thành các thủ tục đăng ký và chọn đợt thi phù hợp sẽ phải nộp lệ phí trực tuyến trong 96 giờ kể từ khi hoàn thành việc đăng ký.

“Lưu ý là theo quy chế thi đánh giá năng lực ở ĐH Quốc gia Hà Nội, lệ phí đăng ký dự thi và thi sẽ không hoàn lại. Do đó thí sinh phải cân nhắc kỹ trước khi thực hiện thao tác nộp lệ phí. Sau 96 giờ, thí sinh không hoàn tất việc lệ phí sẽ trở về trạng thái ban đầu và đăng ký ca thi lại” - GS.TS Nguyễn Tiến Thảo thông tin, đồng thời chia sẻ:

Kinh nghiệm năm 2021, nhiều thí sinh đã chọn nhiều ca thi để “giữ chỗ” gây lãng phí xã hội. Thống kê cho thấy,  một số thí sinh thi lại lần  thứ 2 hay 3 nhưng điểm bài thi của thí sinh không thay đổi đáng kể so với lần đầu vì bài thi đánh giá năng lực không phải là bài kiểm tra kiến thức đơn thuần mà là đánh giá năng lực người học sau khi tốt nghiệp chương trình THPT theo những nhóm năng lực xác định” - GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho hay, đồng thời nhấn mạnh, kỳ thi đánh giá năng lực là kỳ thi chuẩn hóa.

Dù tổ chức ở bất kỳ nơi nào, đều phải tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt đã được chuẩn hóa. Cấu trúc đề thi, mức độ khó dễ của từng đề thi được cân bằng giữa các thí sinh, giữa các ca thi, giữa các đợt thi và giữa các địa điểm tổ chức thi. Dù thí sinh tham dự kỳ thi tại bất cứ nơi nào do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức đều có giá trị như nhau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ