Theo chân chuyên gia truy vết Covid-19 tại tâm dịch Đà Nẵng

Là một thành viên trong tổ truy vết đặc biệt của Bộ Y tế tới Đà Nẵng rà soát, khoanh vùng các ca bệnh Covid-19, người tiếp xúc để xác định nguồn lây bệnh, TS.BS Phạm Quang Thái - Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, sẽ có rất nhiều kịch bản khi không thể truy tìm được nguồn lây bệnh F0.

TS.BS Phạm Quang Thái đánh giá, với tình hình tại Đà Nẵng lúc này, việc giám sát các trường hợp đi về từ nước ngoài là không đủ mà phải tăng cường giám sát trọng điểm ở các bệnh viện. Lúc đó mới đảm bảo tìm được hết các trường hợp lây nhiễm có thể có trong cộng đồng. 

Theo chân chuyên gia truy vết Covid-19 tại tâm dịch Đà Nẵng ảnh 1
TS.BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Công việc của đội truy vết đặc biệt là gì?

Theo TS.BS Thái, đây là hình thức truy vết nói chung, tuy nhiên, trong thực tế lại có những tình huống truy vết rất đặc biệt. Ví dụ với trường hợp bệnh nhân đầu tiên xác định mắc Covid-19 tại Đà Nẵng – BN 416, bệnh nhân đã rơi vào hôn mê phải thở máy và chạy ECMO. 

Trong tình huống này, tổ công tác phải cần đến những biện pháp khác, như liên hệ với người thân trong gia đình, để tìm kiếm mọi tiếp xúc của bệnh nhân trong thời gian có thể lây bệnh cho người khác.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 nhận định, có khả năng thời gian tới sẽ có thêm các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tại Đà Nẵng. Qua đánh giá các ca mắc đầu tiên, điểm đáng lưu ý là không phải các nhân viên y tế tìm thấy, phát hiện người bệnh, mà người bệnh có triệu chứng, thậm chí là nặng nên đã đến các cơ sở y tế. 

Dựa vào triệu chứng nặng của người bệnh, cơ sở y tế quyết định làm xét nghiệm SARS-CoV-2 và tìm ra con virus này.

“Chúng ta vẫn phải đặt ra khả năng sẽ còn những trường hợp bệnh nhân nhẹ hoặc không có triệu chứng. Thực tế trong đợt 1 và đợt 2 bùng dịch tại Việt Nam, tỷ lệ những người lành mang virus lên tới 60%. Khi phát hiện mắc Covid-19, các bệnh nhân này hầu như không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ. 

Có nghĩa là khi đã phát hiện các bệnh nhân có biểu hiện nặng, thì tức là có cả những bệnh nhân biểu hiện nhẹ trong cộng đồng. Các chuyên gia, Bộ Y tế đã lường trước điều này và đã có sự chuẩn bị ứng phó”, TS.BS Phạm Duy Thái nói.

Ông Thái cũng nhấn mạnh, mối lo ngại đặt vào các đối tượng về nước từ đường mòn lối mở. Những đối tượng này với sự giúp đỡ của các đường dây nên đã trốn thoát khỏi hệ thống giám sát. 

Nếu những trường hợp này mang bệnh và lây nhiễm ra cộng đồng thì sẽ tạo thành những ổ dịch không thể biết cho đến khi có ca bệnh chỉ điểm như trường hợp BN 416 trong Đà Nẵng. Đây có thể không phải ca bệnh đầu tiên, nhưng là ca chỉ điểm để phát hiện ổ dịch trong cộng đồng.

Theo chân chuyên gia truy vết Covid-19 tại tâm dịch Đà Nẵng ảnh 2
Các lực lượng truy vết, điều tra dịch tễ tại khu vực cư trú của bệnh nhân.

Các kịch bản nếu không tìm thấy F0

“Sẽ có rất nhiều kịch bản khi không thể truy tìm được nguồn lây bệnh F0” - TS.BS Phạm Duy Thái cho biết.

Kịch bản với diễn biến dịch Covid-19 tại Đà Nẵng là trường hợp bệnh nhân đã tiến triển đến giai đoạn nặng, có nghĩa bệnh nhân đó đã có thời gian nhiễm bệnh tương đối lâu. Các nhà điều tra dịch tễ hy vọng, những trường hợp mắc bệnh tại Đà Nẵng xuất phát từ một nguồn.

“Không có trường hợp nào vừa mới nhiễm lại trở nặng như thế được, những lây nhiễm đã có từ trước. Chúng tôi hy vọng, những trường hợp mắc bệnh tại Đà Nẵng xuất phát từ một nguồn, như vậy bằng cách này hay cách khác công tác truy vết sẽ lần đến manh mối cuối cùng. Nhưng sẽ rất khó khăn nếu có nhiều hơn một nguồn lây nhiễm. 

Có thể sẽ có những ổ dịch ở những khác nhau và ở các thời điểm khác nhau. Công tác truy vết không phải lúc nào cũng ra được đến kết quả cuối cùng, nhưng dù kết quả thế nào chúng ta vẫn phải hạn chế mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng”, TS.BS Thái chia sẻ.

Tổ công tác đặc biệt của Viện Vệ sinh Dịch tế Trung ương, của Bộ Y tế trong quá trình làm việc cảm nhận được không khí chống dịch, cũng như sự tích cực của người dân Đà Nẵng. Người dân trên cả nước cũng hướng về Đà Nẵng để theo dõi công tác chống dịch, mong được Đà Nẵng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Trong 2 đợt dịch vừa qua, người dân cả nước đã thực hiện tốt trong một thời gian khá dài các biện pháp chủ động phòng, chống dịch Covid-19. Nhờ vậy, Việt Nam đã giữ được khoảng 3 tháng không có trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Song khi không có ca lây nhiễm cộng đồng, thì người dân lại rất thoải mái và chủ quan, dẫn đến sự xuất hiện trở lại của các ca bệnh.

“Chính vì sự chủ quan này, những người ít có triệu chứng hoặc không có triệu chứng sẽ có cơ hội lây truyền bệnh, nhất là trong không gian nhỏ hẹp và kín của ô tô, máy bay… 

Thay vì lo lắng quá trước tình hình dịch bệnh, người dân nên quay lại với các biện pháp phòng dịch cơ bản nhưng hiệu quả đã được hướng dẫn cụ thể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, như đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập nơi đông người, thường xuyên rửa tay…”, TS.BS Phạm Quang Thái nhấn mạnh.

Theo ông Thái, các chuyên gia dịch tễ đang áp dụng nhiều phương pháp công nghệ thông tin trong công tác truy vết. Dù áp dụng công nghệ cao đến mấy, nhưng ý thức người dân không cao thì những nỗ lực này sẽ không có kết quả cao.

Đây cũng là “lỗ hổng” vì thực tế nhiều người dân không đặt cao ý thức, trách nhiệm phòng dịch, không cung cấp đủ thông tin hay các nhà xe đón khách mà không bao giờ có đầy đủ thông tin về hành khách, nhất là thông tin y tế. 

TS.BS Thái khẳng định, trong thời gian tới sẽ có thêm những biện pháp kỹ thuật tốt hơn để đảm bảo các thông tin chính xác và công tác truy vết đạt hiệu quả cao.

Theo vov.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.