Thêm những khám phá thú vị về sen

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Dù sen là loài hoa rất đỗi thân thuộc với mỗi người Việt nhưng vẫn còn không ít bí ẩn cần được tiếp tục khám phá.

Trình diễn bộ sưu tập thời trang chủ đề Sen của NTK Việt Phượng. Ảnh: Bình Thanh.
Trình diễn bộ sưu tập thời trang chủ đề Sen của NTK Việt Phượng. Ảnh: Bình Thanh.

Đó là ý kiến của các diễn giả khi trò chuyện về chủ đề “Sen trong đời sống văn hóa Việt”.

Cần hiểu thêm về… “mùi bùn”

“Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng

hôi tanh mùi bùn”.

Có hơn một lần, bài ca dao mà gần như ai cũng thuộc này được các diễn giả nhắc đến khi chia sẻ góc nhìn của mình về sen. Cùng với việc tiếp tục khẳng định đây là những câu ca dao ngợi ca vẻ đẹp của sen – loài hoa gắn bó mật thiết với đời sống vật chất (trà, thuốc bắc, trang phục, chất liệu may mặc…) và đời sống tinh thần (thơ ca, hội họa, âm nhạc…) của người Việt, diễn giả còn cho rằng cần hiểu thêm về… “mùi bùn” được nhắc đến trong câu cuối: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Theo TS Trần Đoàn Lâm – nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới, câu ca dao khẳng định vẻ đẹp của phẩm chất thanh cao, dù bông sen được dưỡng nuôi từ bùn. Cùng với đó ông Lâm liên hệ đến bài “Liên hoa” của Nguyễn Trãi (theo bản in trong “Đào Duy Anh, Nguyễn Trãi toàn tập”, NXB Khoa học xã hội, 1976):

“Lấm nhơ chẳng bén,

tốt hòa thanh,

Quân tử kham khuôn

được thửa danh.

Gió đưa hương đêm

nguyệt tĩnh,

Trinh làm của, có ai tranh”.

“Nguyễn Trãi đã lấy hoa sen để nói về người quân tử luôn kín đáo, trầm lắng, hiền dịu thoang thoảng mà tiếng thơm bay xa...”, ông Lâm bình luận.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái - nguyên Phó Chủ nhiệm bộ môn Văn hóa – Truyền thông, Khoa Báo chí và Truyền thông Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội thì nêu: “Có ý kiến cho rằng, câu ca dao “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” nói về sự vươn lên trên mùi bùn, thoát khỏi mùi bùn. Theo tôi, đây là cách hiểu hơi võ đoán. Vì, nếu không có “mùi bùn” thì không bao giờ có hoa sen. Loài hoa này muốn thơm, muốn đẹp, muốn nở tung thì phải hút toàn bộ chất dinh dưỡng từ đó. Vậy nên, cần hiểu thêm về câu cuối của bài ca dao này”.

Có cành sen dáng cong?

TS Đoàn Trần Lâm nói về sen trong thi ca. Ảnh: Bình Thanh.

TS Đoàn Trần Lâm nói về sen trong thi ca. Ảnh: Bình Thanh.

Khi quan sát về sen trong thi ca, TS Trần Đoàn Lâm khẳng định đây là đối tượng gợi và đem lại nhiều cảm hứng để xây dựng hình tượng nghệ thuật thể hiện tình cảm với quê hương và cũng có khi là cái cớ, bối cảnh để bày tỏ tình yêu lứa đôi...

Bên cạnh đó, ông Lâm còn đặc biệt nhắc lại những câu ca dao: “Hôm qua tát nước đầu đình/Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen/Em nhặt được thì cho anh xin/Hay là em để làm tin trong nhà…” và “Xuống đồng hái đám rau xanh/Thấy chim loan phượng đỗ cành sen dâu/Người ơi trở lại xơi trầu/Tham nơi phú quý bỏ nhau sao đành…”.

Cùng với những phân tích về cách người con trai, con gái lấy cớ để bày tỏ tình yêu với người thương trong dân gian, ông Lâm không khỏi băn khoăn: “Phải chăng, còn có loài sen khác cành cứng thì mới có thể đặt được áo lên hay chim loan phượng đậu như hai câu ca dao nhắc tới?”.

TS Trần Hậu Yên Thế chia sẻ về sen trong mỹ thuật. Ảnh: Bình Thanh.

TS Trần Hậu Yên Thế chia sẻ về sen trong mỹ thuật. Ảnh: Bình Thanh.

Chia sẻ với quan điểm này, TS Trần Hậu Yên Thế cũng nhắc đến câu “Lên chùa bẻ một cành sen/Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng giăng…” trong bài dân ca “Đi cấy” của xứ Thanh và đặt câu hỏi: “Có hay không loài sen khác?”.

Theo ông Thế, trên không ít tác phẩm mỹ thuật cổ xuất hiện nét vẽ cành cong uốn lượn của hoa sen. Loại cành đó giống loài thân mộc. “Nghiên cứu mở rộng thì có cây tuyết liên mọc trên núi, rất phổ biến ở vùng khí hậu băng giá. Cây này có hoa được vẽ giống nhưng cành lại khác. Đây là câu chuyện cần được khai thác thêm”, ông Thế đề nghị.

Xác nhận thêm, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Chủ nhiệm Quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam, nhà sưu tập, kỷ lục gia bộ sưu tập sen, kể: “Trong gần 1.000 ảnh gửi về tham dự Cuộc thi “Sen trong đời sống văn hóa Việt” thời gian qua thì có 5 bức ảnh chụp những bông sen có thân cong cuộn vào nhau. Đây là câu chuyện thú vị, cần có thêm nghiên cứu, trao đổi của các chuyên gia”.

Tinh thần Phật giáo

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nói về chè sen. Ảnh: Bình Thanh.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nói về chè sen. Ảnh: Bình Thanh.

Bên cạnh chia sẻ về thú ướp trà từ sen Tây Hồ vào mỗi loài hoa này bung nở để giao đãi bạn bè, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái còn cảm động nhắc nhớ đến GS.NSND Trần Bảng – người được tôn vinh là “trùm chèo” mới rời xa cõi tạm.

Cũng vì, bà Thái muốn lưu tâm, ông Trần Bảng là người đầu tiên sắp trò cho vở chèo “Quan Âm Thị Kính” và dù 3 lần dựng lại (1956, 1968 và 1985), song triết lý về hoa sen theo tinh thần Phật giáo trong vở diễn không thay đổi.

“GS.NSND Trần Bảng làm vở chèo này với niềm say mê nhất là tinh thần Phật giáo trong sự nhẫn nại, yêu kiều; sự quý hóa, hy sinh của Thị Kính. Nàng phải trải qua biết bao nỗi oan đến cùng cực mà không thể giãi bày, từ bị đổ vấy âm mưu giết chồng (cầm dao định cắt cái râu mọc ngược cho Thiện Sĩ); bị mang thân phận đàn ông, làng bắt vạ tội hủ hóa (làm Thị Mầu không chồng mà chửa); ba năm ròng chịu những lời cay nghiệt nhưng vẫn vững tâm làm cha, nuôi đứa trẻ côi cút. Vượt qua tất cả, cuối cùng nàng đã giải thoát cho chính mình ra khỏi nỗi khổ trầm luân và hóa thành Phật Quan Âm ngự trên đài sen thanh cao…”, bà Thái tâm đắc chia sẻ.

TS Trần Đoàn Lâm cũng khẳng định tính chất thanh cao của hoa sen thể hiện rõ nét trong giáo lý cũng như những áng thơ của nhà Phật.

Đồng thời, “rễ và củ sen nằm sâu trong bùn là quá khứ; khi mọc cao lên, thân sen có lá và hoa là hiện tại. Đài sen thì ấp ủ tương lai cứ dần lớn lên và kết hạt. Vì thế, thật hiếm có loài hoa nào cùng một lúc bao hàm cả quá khứ, hiện tại và tương lai như hoa sen nên biểu đạt được ý nghĩa triết học về không gian và thời gian vô thủy vô chung của Phật giáo…”, ông Lâm nhấn mạnh.

“Dù đã tham gia nhiều show thời trang nhưng rất hiếm khi tôi được trình diễn áo dài có họa tiết hoa sen như sự kiện này. Vì vậy, tôi có cảm xúc rất đặc biệt, thật khó diễn tả trước vẻ đẹp khác biệt, mộc mạc, giản dị mà rất thanh cao của hoa sen”, sinh viên Lục Thị Bình Yên (Thái Nguyên) chia sẻ khi tham gia trình diễn bộ sưu tập thời trang chủ đề Sen của NTK Việt Phượng.

Đây là hoạt động bên lề của buổi tọa đàm “Sen trong đời sống văn hóa Việt” được Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, Group Đình làng Việt tổ chức nhân kỷ niệm 15 năm mở rộng địa giới hành chính Hà Nội (1/8/2008 – 1/8/2023).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ