“Cầu” cần gì, “cung” có đó
Kết quả điều tra cho thấy, những người có nhu cầu cấp chứng chỉ cần gửi ảnh 3 x 4, chụp chứng minh thư nhân dân cùng yêu cầu làm chứng chỉ ngoại ngữ A1, A2, B1, B2… hoặc chứng chỉ Tin học. Mỗi loại lại có những mức giá khác nhau; chẳng hạn chứng chỉ Tin học giá 1,5 triệu, chứng chỉ ngoại ngữ khoảng 3 - 5 triệu (A2 là 3 triệu, B1 và B2 là 5 triệu).
Hình thức giao dịch của đối tượng Huy hoàn toàn gián tiếp. Đối tượng này thường tự giới thiệu mình là cán bộ của Trường ĐH Hà Nội, do vậy có thể can thiệp ở mức độ những người không đi thi nhưng có thể ghi tên vào danh sách thi để có chứng chỉ. Khi xác minh, cơ quan công an được biết, nhóm “khách hàng” ở Bắc Ninh của Huy đã chuyển 3 - 4 lần tiền cho đối tượng, với tổng số tiền khoảng 50 triệu đồng, để đổi lại những chứng chỉ do hắn tự sản xuất.
Khai thác thông tin về đối tượng Huy, bằng các nghiệp vụ chuyên môn, cơ quan điều tra phát hiện đối tượng này tên thật là Cấn Văn Tuấn, sinh năm 1994, quê quán thôn 2, Kim Quang, Thạch Thất (Hà Nội). Đối tượng này thường thuê một người xe ôm tên là Hạnh (nhà ở Trung Kính, Hà Nội) chở chứng chỉ, văn bằng giả để giao dịch. Các chứng chỉ, văn bằng giả này được Tuấn đặt từ người có tên Hưng thông qua số điện thoại 0984400xxx bằng Zalo. Hưng bán chứng chỉ giả cho Tuấn với giá 800.000 đồng/chứng chỉ. Giá Tuấn bán cho các đối tượng khác thì tăng lên theo nhu cầu.
Hai đối tượng này thường xuyên trao đổi qua Zalo để giao dịch mua bán, sản xuất văn bằng chứng chỉ giả. Với phương thức chuyển tiền trước cho Tuấn qua tài khoản và đặc biệt là chúng sử dụng rất nhiều tài sản khác nhau, chuyển vòng vèo 3 - 4 tài khoản thì mới về đến tài khoản chính tên của đối tượng.
Thủ đoạn tinh vi
Quá trình điều tra tiếp theo của cơ quan công an lại phát hiện đối tượng Hưng thực ra tên thật là Phạm Công Duy (SN 1990, quê ở Giao Phong, Giao Thủy, Nam Định); nguyên là sinh viên của Trường CĐ Điện lực Nam Định, đã nghỉ học từ năm 2015, hiện sinh sống ở Hà Nội và có theo học lớp đào tạo phần mềm và photoshop, trước khi đi vào con đường phi pháp này.
Hoạt động “kinh doanh” văn bằng chứng chỉ giả của Duy được tính toán rất cẩn thận. Đối tượng thuê 2 căn chung cư khác nhau, một nơi là phòng 1709 khu CT36 phường Định Công, quận Hoàng Mai (Hà Nội); một nơi là phòng 3906 tòa HH1A, Linh Đàm, phường Hoàng Liệt cũng thuộc quận Hoàng Mai. Căn chung cư thứ hai này là nơi Duy để các thiết bị, giấy tờ, mực in… phục vụ làm chứng chỉ giả.
Sau khi đã thu thập đầy đủ các thông tin và chứng cứ cụ thể, vào lúc 15 giờ ngày 16/4, Cục An ninh Chính trị nội bộ phối hợp với cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) tiến hành triệt phá đường dây này.
Khi ông Hạnh (xe ôm) nhận điện thoại của Cấn Văn Tuấn đến nhận văn bằng chứng chỉ để giao dịch, lực lượng A83 cùng Cục Nghiệp vụ (Bộ Công an) tiến hành khống chế, áp dụng biện pháp ngăn chặn trong tình huống khẩn cấp đối với đối tượng Cấn Văn Tuấn. Trên cơ sở tài liệu và chứng cứ thu thập được, A83 đã phối hợp với Cục An ninh điều tra bắt khẩn cấp Phạm Công Duy, và khám xét nơi ở của đối tượng tại phòng 3906 tòa HH1A, phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội.
Tại đây, cơ quan công an đã thu giữ hàng nghìn bộ phôi dùng để sản xuất văn bằng chứng chỉ giả, một máy scan, 2 máy in màu, 2 bộ máy tính, một bộ rập dấu nổi, một máy ép plastic, 9 thẻ ATM, 8 thẻ điện thoại. Thu của Cấn Văn Tuấn 3 điện thoại di động, 4 thẻ ATM.
Theo lời khai ban đầu, Duy là đối tượng trực tiếp sản xuất các loại giấy tờ giả, đồng thời là người đăng tải thông tin trên Internet (chủ yếu qua Zalo và Facebook) để quảng cáo và tìm đại lý tiêu thụ với số lượng lớn. Thời điểm hiện tại, theo lời khai Duy có đến 7 - 8 đại lý trung gian phân phối trên cả nước. Đối tượng thường vào trang web của các nhà trường, các cơ quan quản lý Nhà nước… để tải các mẫu giấy tờ về và sau đó tiến hành chế bản và in. Dấu thì thực hiện dưới hình thức scan, còn chữ ký thì ký sống, dấu nổi thì có bộ dập dấu nổi, còn tem thì nhập từ TPHCM qua một đối tác.
Từ năm 2017 đến nay, đối tượng đã thực hiện thành công hàng nghìn giao dịch trên phạm vi cả nước, số tiền thu được ước tính lên tới hàng tỉ đồng. Trong máy tính của Duy, bất kỳ giấy tờ gì có giá trị về mặt pháp lý, Duy đều làm được và in ra bán cho người tiêu dùng. Không chỉ có văn bằng chứng chỉ Trường ĐH Hà Nội. Còn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thì đối tượng làm giả bất kỳ giấy tờ nào mà Nhà nước quy định; từ bằng cử nhân ĐH, bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2… cho đến cả giấy ly hôn, kết hôn…
Kẻ mua – người bán đều bị xử lý
Sau khi khám xét 3 địa điểm (nơi ở của đối tượng Tuấn, tại nhà 76, ngõ 110 Trần Duy Hưng) và nơi ở của Duy (Định Công và Linh Đàm), cơ quan điều tra đang tiến hành xác minh về đối tác này và mở rộng vụ án.
Theo lãnh đạo Cục An ninh Chính trị nội bộ, sự việc trên là lời cảnh báo về quản lý Nhà nước trong việc sử dụng những văn bằng, chứng chỉ để hoàn thiện hồ sơ công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Phải chăng đây là kẽ hở để các đối tượng xấu lợi dụng.
Điều đáng lưu ý là trong quá trình giao dịch những người giao dịch đều phải cung cấp chứng minh thư nhân dân và ảnh với mục đích lưu những hồ sơ cá nhân. Sau này nếu có bị kiện thì các đối tượng xấu sẽ tung những hồ sơ này in và gửi về địa phương để khống chế.
Dù với bất cứ mục đích nào, việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả là hành vi gian dối. Nhu cầu mua và sử dụng bằng cấp giả, chứng chỉ giả của nhiều người chính là nguyên nhân tiếp tay cho nạn sản xuất, buôn bán bằng cấp, chứng chỉ giả gia tăng, ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội. Hành vi sản xuất, bán văn bằng, chứng chỉ giả cũng như sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả khi bị phát hiện đều bị xử lý nghiêm.