Thông tin trên đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan - ông Władysław Marcin Kosiniak-Kamysh cho biết.
Sau khi đến Ba Lan, các module phóng sẽ được gửi đến Huta Stalowa Wola, nơi chúng sẽ lắp đặt trên khung gầm xe tải Jelcz 882.57 sản xuất trong nước và được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực Topaz.
Theo ấn phẩm Defense24, tính đến lô hàng này, Ba Lan đã nhận được 90 module phóng trong tổng số 290 module đã đặt hàng.
Hệ thống tên lửa Homar-K của Ba Lan được phát triển trên cơ sở tổ hợp pháo phản lực dẫn đường K239 Chunmoo của Hàn Quốc. Cấu hình chính là đặt module phóng từ K239 Chunmoo trên khung gầm Jelcz 882.57 8 × 8 của Ba Lan và tích hợp hệ thống liên lạc - điều khiển hỏa lực Topaz.
Mỗi xe phóng có thể mang đồng thời hai container với một số loại tên lửa dẫn đường và không dẫn đường, bao gồm cả tên lửa đạn đạo chiến thuật. Module phóng có thể được nạp lại chỉ trong 7 phút.
Loại đạn mà Homar-K sử dụng bao gồm rocket K33 cỡ 131 mm với tầm bắn 36 km (tối đa 40 quả), rocket KM26A2 không dẫn đường 230 mm có tầm bắn 45 km (tối đa 12 quả) và tên lửa dẫn đường CGR-080 cỡ 239 mm lắp đầu đạn nổ mạnh hoặc đạn chùm với tầm bắn 80 km (tối đa 12 quả). Ngoài ra có thể sử dụng tên lửa đạn đạo KTSSM tầm bắn 290 km.
Các kỹ sư còn lên kế hoạch tích hợp vào module phóng rocket không điều khiển 122 mm do Ba Lan sản xuất, cũng như triển khai chế tạo tên lửa CGR-080 ngay trong nước.
Hợp đồng đầu tiên về việc cung cấp module phóng đã được ký vào tháng 11 năm 2022 với số lượng 218 đơn vị. Ngoài ra phía Hàn Quốc được cho là sẽ cung cấp "vài nghìn" tên lửa CGR-080 và một số tên lửa đạn đạo chưa xác định có tầm bắn 290 km.
Cùng với những dịch vụ liên quan, hợp đồng trị giá 3,55 tỷ đô la dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.
Hợp đồng thứ hai cung cấp thêm 72 hệ thống Homar-K, cũng như tên lửa đạn đạo KTSSM với tầm bắn 290 km đã được ký kết vào tháng 4 năm 2024.
Thương vụ này trị giá 1,6 tỷ USD và việc chuyển giao các hệ thống tên lửa và đạn dược theo đơn đặt hàng dự kiến hoàn tất vào năm 2026 - 2029.