Thể thao Việt Nam dự Olympic Tokyo 2020: Ai gánh trọng trách huy chương?

GD&TĐ - Thể thao Việt Nam đã có tổng cộng 18 suất tranh tài tại Olympic Tokyo 2020, tiệm cận chỉ tiêu 20 suất.

Hy vọng mong manh giành huy chương được đặt lên vai lực sỹ Thạch Kim Tuấn.
Hy vọng mong manh giành huy chương được đặt lên vai lực sỹ Thạch Kim Tuấn.

Những cái tên được kỳ vọng như Ánh Viên, Hoàng Xuân Vinh đều có mặt, song khả năng giành huy chương trên đất Nhật Bản của chúng ta vẫn rất mông lung.

Muôn nẻo đến Nhật Bản

18 VĐV Việt Nam dự Olympic Tokyo: Hoàng Xuân Vinh (bắn súng); Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên (cử tạ); Nguyễn Tiến Minh, Nguyễn Thùy Linh (cầu lông); Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi); Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Văn Đương (Boxing); Lê Thanh Tùng và Đinh Phương Thành (thể dục dụng cụ); Trương Thị Kim Tuyền (Taekwondo); Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Hoàng Phi Vũ (bắn cung); Quách Thị Lan (điền kinh); Lường Thị Thảo, Đinh Thị Hảo (Rowing); Nguyễn Thị Thanh Thủy (Judo).

Vào những ngày cuối, võ sĩ Nguyễn Thị Tâm, hạng 51kg nữ môn boxing đã giành quyền dự Olympic Tokyo 2020 khi tích lũy đủ 190 điểm sau khi hoàn thành các giải trong hệ thống do Liên đoàn Quyền Anh thế giới tổ chức.

Việc Nguyễn Thị Tâm góp mặt tại Thế vận hội một phần do tích lũy đủ điểm số, phần khác đến từ việc võ sĩ Park Mi-choi (CHDCND Triều Tiên) không tham dự Olympic. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử boxing nữ Việt Nam có vé dự Olympic mùa Hè.

Giống như Nguyễn Thị Tâm, nữ võ sĩ judo Nguyễn Thị Thanh Thủy cũng giành suất đến Olympic Tokyo 2020 với việc được đôn lên để thay thế vị trí của VĐV CHDCND Triều Tiên. Thanh Thủy là niềm hy vọng lớn của Judo Việt Nam khi từng nằm trong top 6.

Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 khiến nữ võ sỹ Việt Nam không thể tham dự các giải quốc tế để tích điểm cho sự kiện Olympic và bị tụt hạng 11 thế giới (xếp dưới võ sĩ Triều Tiên Jon Yu-son).

Ngoài ra, với kình ngư Ánh Viên, cô vinh dự nhận được thư mời của Hiệp hội Các môn thể thao dưới nước quốc tế (FINA). Theo nội dung thư mời này, Ánh Viên sẽ thi đấu tại Olympic ở 2 nội dung bơi 800m tự do và 200m tự do.

Ánh Viên đang là VĐV xuất sắc nhất trong lịch sử bơi lội Việt Nam tính tới thời điểm này. Tại Olympic 2016, Ánh Viên đứng thứ 9 ở nội dung 400m hỗn hợp cá nhân nữ. Đây là lần thứ 3 liên tiếp, Ánh Viên góp mặt tại Thế vận hội.

Hoàng Xuân Vinh không duy trì được phong độ sau kỳ tích tại Olympic Rio 2016.

 Hoàng Xuân Vinh không duy trì được phong độ sau kỳ tích tại Olympic Rio 2016.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh là đại diện duy nhất của đội tuyển bắn súng Việt Nam dự Olympic Tokyo 2020 theo suất mời. Tại Olympic Rio de Janeiro ở Brazil năm 2016, Hoàng Xuân Vinh và Trần Quốc Cường cùng tham dự. Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã làm nên lịch sử cho Thể thao Việt Nam với thành tích 1 HCV, 1 HCB.

Trước đó, Quách Thị Lan được Liên đoàn Điền kinh Thế giới và Ủy ban Olympic Quốc tế chấp nhận suất đặc cách tham dự Olympic Tokyo 2020 do Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đề cử.

Đây là suất đặc cách dành cho quốc gia không có VĐV giành vé trực tiếp và cô cũng sẽ là đại diện duy nhất của điền kinh Việt Nam tham dự Olympic Tokyo 2020 bởi theo thông lệ, mỗi quốc gia, vùng, lãnh thổ nếu không giành vé trực tiếp sẽ được cử tối đa 1 nam, 1 nữ VĐV tham dự môn điền kinh ở Olympic theo diện đặc cách.

Olympic Tokyo sẽ là kỳ Thế vận hội đầu tiên trong sự nghiệp mà Quách Thị Lan được tham gia tranh tài. Nữ VĐV quê Thanh Hoá đã giành HCV ở nội dung chạy 400 mét vượt rào tại ASIAD 2018, Giải vô địch điền kinh châu Á năm 2017.

Cô được Liên đoàn Điền kinh Việt Nam lựa chọn thi đấu ở cự ly 400m rào. Dù chỉ bằng suất vé mời, nhưng nhà vô địch châu Á vẫn đang nỗ lực tập luyện từng ngày, quyết tâm chinh phục đấu trường Olympic.

Như vậy, bằng nhiều con đường, tính điểm thi đấu, vé mời hoặc đặc cách, thể thao Việt Nam với 18 suất đến Nhật Bản trong tháng 7 này đã tiệm cận chỉ tiêu 20 suất đặt ra từ năm 2019.

Con số này được coi là thành công của Thể thao Việt Nam bởi hơn một năm qua nhiều giải đấu bị hoãn, hủy do đại dịch Covid-19. Chương trình tập luyện, thi đấu của các tuyển thủ Việt Nam bị xé vụn, thiếu sự xuyên suốt. Có những giải đấu vòng loại chúng ta có cơ hội lớn đến Nhật Bản nhưng không thể tham gia.

Tại SEA Games 30 năm 2019, Thể thao Việt Nam được coi là thành công nhất Đông Nam Á, 98 HCV, 85 HCB và 105 HCĐ. Trong đó, chúng ta giành được rất nhiều HCV ở các môn thi trong hệ thống Olympic như điền kinh, bơi, vật, cử tạ, TDDC, đấu kiếm, đua thuyền, bắn cung.

Đặc biệt, điền kinh lần thứ 2 liên tiếp vượt qua kình địch Thái Lan để giữ vững vị trí số 1 khu vực. Tuy nhiên, thể thao Việt Nam bước vào năm 2021 với thách thức rất lớn ở đấu trường cao hơn và khó hơn rất nhiều là Olympic Tokyo.

So bó đũa, chọn cột cờ

SEA Games 31 dự kiến sẽ diễn ra tại Việt Nam từ 11/11 -  2/12/2021. Tuy nhiên, kế hoạch tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất khu vực đã bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19.
Trong cuộc họp trực tuyến vào chiều 8/7, thông tin hoãn tổ chức SEA Games 31 đã được thông báo tới toàn thể các quốc gia thành viên. Căn cứ vào lịch tổ chức nhiều sự kiện lớn trong năm 2022 như Thế vận hội Olympic mùa Đông tháng 2/2022; Đại hội Thể thao Võ thuật và trong nhà châu Á tháng 3/2022; Đại hội Thể thao châu Á tháng 9/2022… thì thời gian phù hợp nhất để tổ chức SEA Games 31 sẽ vào khoảng tháng 4 hoặc tháng 5/2022.

Đoàn Thể thao Việt Nam đã được giao chỉ tiêu giành được HCV hoặc ít nhất có huy chương ở Nhật Bản. Thực tế, đây là nhiệm vụ rất... khó. Cách đây 5 năm tại Olympic Rio 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã giành được 1 HCV và 1 HCB, đấy cũng là số huy chương của đoàn Việt Nam ở kỳ đại hội diễn ra ở Brazil.

Nhưng từ đó, thành tích của Hoàng Xuân Vinh tuột dốc thê thảm, thậm chí anh không giành được HCV SEA Games và chỉ có suất đến Olympic vào phút cuối qua cửa vé mời.

Chúng ta có “cô gái thép” Nguyễn Thị Ánh Viên. Tuy nhiên, tại Olympic Rio 2016, Ánh Viên đang độ sung sức nhất cũng chỉ xếp thứ 33/40 VĐV tranh tài ở vòng loại nội dung bơi hỗn hợp cá nhân 200m nữ. Ở vòng loại nội dung 400 mét hỗn hợp nữ, Ánh Viên xuất sắc về đích với vị trí số 1 cùng thời gian 4 phút 36 giây 85.

Thành tích này giúp Ánh Viên phá kỷ lục mà 1 năm trước cô đạt được ở giải vô địch thế giới Kazan 2015. Nhưng thành tích đó không đủ để kình ngư người Việt Nam góp mặt trong 8 VĐV thi đấu chung kết và phải xếp thứ 9, kém VĐV xếp thứ 8 - 0,31 giây.

Nhìn sang thành tích của những gương mặt khác như Huy Hoàng (bơi), Thanh Tùng (TDDC), Phi Vũ và Ánh Nguyệt (bắn cung), hay bộ đôi Lường Thị Thảo, Đinh Thị Hảo (Rowing)… rồi đặt bên cạnh những chỉ số giành huy chương Olympic cho thấy cơ hội giành huy chương trở thành nhiệm vụ còn khó hơn cả “hái sao trên trời”.  

Ngay cả môn thế mạnh như võ, Trần Hiếu Ngân của Việt Nam từng giành HCB Taekwondo Olympic 2000, thì Kim Tuyền (Taekwondo) hay Thanh Thủy (Judo) đều không có cửa tranh huy chương.

Vậy, cơ hội nào cho thể thao Việt Nam? Hy vọng có lẽ nằm ở đội tuyển Cử tạ. Cử tạ Việt Nam từng giành huy chương 2 kỳ Olympic cho Thể thao Việt Nam với kết quả của Hoàng Anh Tuấn (HCB Olympic Bắc Kinh 2008), Trần Lê Quốc Toàn (HCĐ Olympic London 2012).

Ban đầu, Hoàng Thị Duyên, Vương Thị Huyền và Thạch Kim Tuấn đủ điều kiện nhận vé chính thức thi đấu Olympic Tokyo 2020.

Nhưng vào phút cuối, Liên đoàn cử tạ thế giới (IWF) thông báo cử tạ Việt Nam chỉ được nhận 2 suất (1 nam, 1 nữ) do giảm 1 suất là hình thức bị phạt trong việc có VĐV dính chất cấm trong thi đấu thể thao (doping) tại giải quốc tế.

Với việc bị cắt giảm 1 suất tham dự, cử tạ Việt Nam buộc phải lựa chọn 1 trong 2 VĐV nữ là Hoàng Thị Duyên và Vương Thị Huyền.

Theo kết quả thi đấu gần nhất ở vô địch châu Á 2021 đồng thời là vòng loại Olympic tổ chức ở Uzbekistan trong tháng 4, Hoàng Thị Duyên đứng hạng 3 nội dung 59kg với tổng cử chung cuộc là 216kg trong khi Vương Thị Huyền chỉ đạt 177kg tổng cử tại hạng đấu 49kg và đứng vị trí 5.

Vương Thị Huyền từng giành suất chính thức dự Olympic Rio de Janeiro 2016 và trên sàn thi đấu nội dung 48kg nữ, cô không thành công khi rớt tạ ở 3 lần cử giật và không đạt thành tích tổng. Vậy nên, Hoàng Thị Duyên được chọn tham dự Olympic 2020.

Ngoài hy vọng vào Hoàng Thị Duyên, thì sự kỳ vọng huy chương được đặt lên đôi vai Thạch Kim Tuấn (61kg nam). Theo phân tích chuyên môn, nếu Kim Tuấn vượt qua được yếu tố tâm lý thường thấy ở giải đấu lớn thì việc đứng trên bục nhận huy chương tại Nhật Bản là triển vọng.

Tại Olympic Tokyo 2020 tới, nhiều khả năng lực sĩ Mosquera Valencia Antonio (Colombia) không góp mặt do cử tạ Colombia bị tước 5 trong tổng 8 suất dự Olympic nên Thạch Kim Tuấn có cửa tranh hạng 3 nội dung 61kg nam. Đây là đối thủ trực tiếp cạnh tranh vị trí thứ 3 của hạng cân với Kim Tuấn.

Mosquera Valencia Antonio đã đạt 302kg tổng cử, giành HCĐ hạng cân ở giải VĐTG 2019 còn Kim Tuấn có 296kg tổng cử, xếp hạng 4. Góp mặt tại giải vô địch Pan-America 2021, lực sĩ của Colombia đạt 280kg tổng cử và vô địch hạng cân trong khi Kim Tuấn thất bại ở vô địch châu Á 2021.

Các lần chuẩn bị cho Olympic 2012, 2016, Thạch Kim Tuấn rất được kỳ vọng nhưng đều không thành công. Lần thứ 3 chuẩn bị cho đấu trường lớn, hy vọng lực sĩ số 1 TPHCM vượt lên tạo được dấu ấn sự nghiệp.

Tuyển thủ điền kinh Quách Thị Lan.

Tuyển thủ điền kinh Quách Thị Lan.

Quách Thị Lan sinh năm 1995, sở hữu chiều cao 1m75, thể hình ấn tượng và đặc biệt là đôi chân dài phù hợp với môn điền kinh. Tuyển thủ quê Thanh Hóa được coi là của hiếm tại đội tuyển điền kinh Việt Nam gần 10 năm qua.

Trong bảng thành tích ấn tượng, HCV 400m rào tại Giải vô địch châu Á năm 2019 hay HCV 400m rào ở ASIAD năm 2018... đã chứng tỏ được khả năng của Lan và mang đến hy vọng vào điều thần kỳ cho Thể thao Việt Nam tại Nhật Bản.

Phụ trách bộ môn điền kinh (Tổng cục Thể dục Thể thao) Dương Đức Thủy thông tin, Liên đoàn đã tạo điều kiện về mọi mặt để Quách Thị Lan thực hiện ước mơ tại đấu trường lớn nhất thế giới.

Cô đang cùng huấn luyện viên Vladimir Simeonov (Bulgaria) tích cực tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia 1 Nhổn (Hà Nội), chọn điểm rơi thi đấu tốt nhất cho Tokyo 2020.

Theo kế hoạch, vào ngày 18/7, Đoàn Thể thao Việt Nam sẽ lên đường sang Nhật Bản tham dự Thế vận hội mùa Hè. Lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 sẽ diễn ra từ 20 giờ - 23 giờ 30 ngày 23/7 (giờ địa phương, tức 18 giờ - 21 giờ 30 cùng ngày giờ Việt Nam).

Buổi lễ kéo dài hơn 30 phút so với kế hoạch ban đầu, nhằm tạo điều kiện cho các vận động viên thực hiện giãn cách khi diễu hành trên sân vận động.

Lễ bế mạc Olympic Tokyo 2020 vào ngày 8/8 sẽ diễn ra từ 20 giờ -22 giờ 30, rút ngắn 30 phút so với kế hoạch ban đầu, do chương trình sẽ được đơn giản hóa và số lượng vận động viên tham gia sẽ ít hơn.

Olympic Tokyo thi đấu 33 môn thể thao với 339 nội dung và có khoảng 15.000 VĐV đến từ 162 quốc gia và vùng lãnh thổ tranh tài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.