Vắc-xin chạy đua với bỏ phiếu

GD&TĐ - Giới chức Mỹ đang gấp rút hướng tới mục tiêu có thể phân phối loại vắc-xin ngừa Covid-19 ngay trước thềm cuộc bầu cử vào đầu tháng 11 tới, trong bối cảnh động thái này bị chỉ trích là quá vội vã nhằm tranh thủ lá phiếu của cử tri cho đương kim Tổng thống Donald Trump.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Giám đốc Cơ quan Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield mới đây đã gửi thư cho các thống đốc bang, trong đó thông báo việc ký hợp đồng với hãng McKesson để phân phối vắc-xin ngừa Covid-19 tới các cơ sở y tế của địa phương. CDC Mỹ cũng hối thúc các bang xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho kịch bản cung cấp vắc-xin đến từng người dân từ ngày 1/11 tới.

Đây là động thái mới và cụ thể nhất về mặt thời gian cho thấy chính quyền Donald Trump quyết tâm sớm đưa vào sử dụng vắc-xin ngay trong năm nay như đã cam kết. Cột mốc ngày 1/11 cũng đồng nghĩa sự kiện này diễn ra chỉ hai ngày trước cuộc bỏ phiếu Tổng thống Mỹ. Do đó, thời điểm này bị nghi ngờ mang nhiều màu sắc chính trị, nhằm tranh thủ sự ủng hộ cho ứng viên là tổng thống đương nhiệm. 

Trong khi đó, nhiều chuyên gia y tế Mỹ lo ngại để có thể đưa ra sớm vắc-xin ngừa Covid-19, Nhà Trắng sẽ phải xem xét bỏ qua những tiêu chuẩn bình thường nhằm đẩy nhanh tiến trình cấp phép lưu hành vắc-xin mới, trong đó vấn đề chính trị sẽ được ưu tiên hơn so với số liệu khoa học. 

Giới phân tích dự đoán vắc-xin ngừa Covid-19 có thể sẽ là “bất ngờ tháng 10”, cụm từ chỉ những sự kiện được cố tình tạo ra hoặc chủ ý sắp xếp nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11. Chính Tổng thống Donald Trump hồi đầu tháng 8 vừa qua cũng đã úp mở rằng “bất ngờ tháng 10” năm nay có thể sẽ liên quan đến một loại vắc-xin.

Trong lịch sử các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đây không phải lần đầu vấn đề tiêm chủng trở thành “vũ khí” trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Năm 1976, Tổng thống Mỹ đương nhiệm khi đó là Gerald Ford từng gấp rút triển khai chương trình tiêm chủng loại vắc-xin ngừa một chủng cúm mới nguy hiểm, ngay trước cuộc bỏ phiếu tháng 11 năm đó.  

Loại vắc-xin trên cũng được điều chế theo một quy định khẩn cấp do Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 4/1976. Kết quả là năm đó ông Gerald Ford thất cử, còn vắc-xin được điều chế khẩn cấp đã gây ra nhiều biến chứng đến mức có hàng chục người tử vong sau khi tiêm. Bối cảnh của năm 1976 đang khiến nhiều chuyên gia lo ngại sẽ lặp lại vào năm nay với loại vắc-xin ngừa Covid-19 mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đang kỳ vọng đưa vào sử dụng sớm hơn so với dự đoán. 

Trong khi đó, đơn vị có thẩm quyền cấp phép cho các loại vắc-xin tại Mỹ là Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) hôm 31/8 tuyên bố chuẩn bị cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc-xin ngừa Covid-19. Nhưng FDA cũng khẳng định họ không chịu ảnh hưởng bởi áp lực chính trị, mà chỉ cấp phép dựa trên dữ liệu khoa học và y học vì lợi ích cao cả nhất là sức khỏe cộng đồng. 

Tuy nhiên, những tuyên bố này cũng không thể phủ nhận thực tế rằng, FDA đang phải chịu áp lực ngày càng lớn từ Tổng thống Donald Trump. Ông công khai mong muốn có loại vắc-xin được đưa vào sử dụng trước khi bầu cử diễn ra, đặc biệt là sau khi Nga đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới cấp phép cho một loại vắc-xin ngừa Covid-19. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.
AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.