Vắc-xin phòng Covid-19: Phải có phổ rộng cho nhiều chủng virus

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, việc giải trình tự gene sẽ đưa ra câu trả lời: Liệu vắc-xin chúng ta đang nghiên cứu có bao gồm cả chủng Covid-19 mới không.

Vắc-xin đang được thể nghiệm ở giai đoạn cuối.
Vắc-xin đang được thể nghiệm ở giai đoạn cuối.

Chủng virus lây lan nhanh hơn

Về chủng virus mới gây bệnh Covid-19 tại Việt Nam, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, nhận định, chủng virus SARS-CoV-2 mới vừa được phát hiện tại Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần. Tuy nhiên, độc lực của nó không thay đổi so với chủng cũ. 

Virus SARS-CoV-2 có những biến đổi liên tục trong quá trình lan ra toàn thế giới. Hiện, virus này có tới 99 chủng đã được biết, trong đó tại Việt Nam đã ghi nhận 6 chủng. Các biến chủng mới, bao gồm cả chủng vừa được phát hiện tại Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần chủng SARS-CoV-2 cũ. Điều này lý giải tại sao gần đây, thế giới ghi nhận tới 1 triệu ca mắc mới trong 3 ngày. Trước đây khoảng 1 tuần mới lên tới con số này.

Tuy vậy, độc lực của virus chủng mới không tăng lên so với chủng virus ban đầu. Bằng chứng là hiện nay thế giới đã cán mốc hơn 16,8 triệu người mắc Covid-19, nhưng số ca tử vong đang dần được kiểm soát. Việc nắm rõ về tốc độ lây lan, độc lực của chủng SARS-CoV-2 mới sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan bệnh Covid-19 một cách hiệu quả. 

Nếu truy vết, cách ly tất cả từ F0 đến F3 thì sẽ khống chế được nguy cơ lây virus ra cộng đồng. Bên cạnh truy vết, cần tạm thời phong tỏa những vùng có nhiều bệnh nhân, thực hiện giãn cách xã hội. Tăng cường các hoạt động dự phòng như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên… theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

PGS.TS Đinh Duy Kháng, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tác giả kit phát hiện Covid-19 cho hay, hiện trên thế giới có rất nhiều chủng virus Covid-19 được biết tới. Bất cứ quốc gia nào khi phát hiện có một chủng mới sẽ phân lập, lấy mẫu và giải mã gene rồi đăng ký vào ngân hàng dữ liệu gene thế giới, phục vụ cho mục đích nghiên cứu vắc-xin và kit thử. Đối với chủng virus Covid-19 ở Việt Nam, việc giải mã gene và so sánh vào ngân hàng dữ liệu gene thế giới sẽ cho chúng ta biết về nguồn gốc của chủng đó là từ nước nào, lây nhiễm qua đường nào, từ đó truy vết.

“Khả năng lây lan của chủng mới được xác định qua các đặc điểm như khả năng tấn công từ tế bào này sang tế bào khác nhanh hơn. Enzym mạnh hơn nên tổng hợp virus nhanh hơn, tồn tại ngoài môi trường không khí hơn, xâm nhiễm vào tế bào nhanh hơn, xuống phổi nhanh hơn, độ bền với các điều kiện khác nhau ngoài môi trường…”, PGS.TS Đinh Duy Kháng cho hay.

Làm gián đoạn quá trình sản xuất vắc-xin?

Chủng virus Covid-19 mới này sẽ phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản để phục vụ cho công tác nghiên cứu vắc-xin. Nếu virus đã biến đổi thì vắc-xin đang nghiên cứu phát triển có bảo vệ được cho người nhiễm không? Đó là thông tin quan trọng nhất. Nếu phân tích thấy rằng, virus này mới đến mức vắc xin đang nghiên cứu không bảo hộ được thì sẽ rất nguy hiểm. 

Nếu virus có biển đổi nhưng ở gene khác, không phải gene quan trọng liên quan đến tổng hợp protein sinh ra kháng thể trung hòa virus thì lại không quan trọng. Do vậy tất cả các nước trên thế giới đều phải chia sẻ trình tự gene của loài virus mình nghiên cứu.

“Việc giải mã gene của virus khá đơn giản, chỉ thực hiện trong khoảng 1 ngày với máy giải trình tự gene thế hệ mới nhiều đơn vị ở Việt Nam đang có. Để trả lời câu hỏi “Liệu chủng virus mới này có làm gián đoạn quá trình sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 ở Việt Nam không?” thì phải xem trong trình tự gene. Gene nào là mới? Trong cái mới đó thì gene thay đổi ở đâu? Gene nào mã hóa protein sinh ra kháng thể trung hòa? Gene đó đã biến đổi chưa? Nếu gene đó đã biến đổi thì liệu nó có trốn được kháng thể trung hòa do vắc xin đang phát triển hay không? Về nguyên tắc vắc-xin phổ càng rộng cho nhiều chủng virus thì càng tốt”, PGS.TS Đinh Duy Kháng cho biết.

TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) cho biết, sản xuất vắc-xin còn nhiều khó khăn. Bởi vắcxin đòi hỏi tính ổn định, tính hiệu suất cao, chất lượng phải bảo đảm. Đây là quá trình dài, không thể ngay lập tức có được vắcxin cho người. Việc cho ra đời một loại vắc-xin đại dịch là thách thức với bất kỳ nhà sản xuất nào trên thế giới. Mỗi quốc gia có những đặc thù, lựa chọn riêng dựa trên mức độ của nhà phát minh nước đó. 

“Thực tế trên thế giới, loài người đã trải qua những đại dịch khiến hàng triệu người chết như dịch đậu mùa thế kỷ 16, 17, 18, hay dịch hạch, uốn ván, dịch tả… Ngày nay với công nghệ đã phát triển vượt bậc, việc nghiên cứu vắc-xin phòng bệnh được thực hiện nhanh hơn nhiều. Do vậy người dân không nên quá hoang mang mà hãy bình tĩnh thực hiện đúng các chỉ dẫn của Bộ Y tế”, PGS.TS Đinh Duy Kháng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà ga xe lửa ở thành phố Dnipro, một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất của quân đội Ukraine bị tấn công tên lửa ngày 19/4/2024

Phòng không Ukraine suy yếu

GD&TĐ - Ngày 19/4/2024, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào nhiều khu vực quân sự quan trọng của lực lượng Kiev.