Vắc-xin phòng Covid-19: Cỗ máy làm giàu

GD&TĐ - Ngày 11/8, Nga tuyên bố đã trở thành “quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký vắc-xin Coronavirus”.

Công ty Moderna.
Công ty Moderna.

Giám đốc Trung tâm Gamaleya, nơi nghiên cứu chế tạo vắc-xin Sputnik V khẳng định: “Chúng tôi rút ngắn được một giai đoạn là nhờ các nhà khoa học Nga đã nghiên cứu công nghệ từ 25 năm trước và từng dùng nó để tạo ra 3 - 4 loại vắc-xin”.

Bộ trưởng Y tế Murashko cho biết, đến ngày 30/8 những mẻ vắc-xin đầu tiên do Nhà máy dược Binnopharm ở ngoại ô thành phố Matxcơva đã xuất xưởng. 

Bài học từ Moderna

Tiến sĩ Marty Makary, Giáo sư môn Chính sách y tế tại Đại học Johns Hopkins (nơi chuyên thống kê các số liệu về virus toàn cầu) bày tỏ sự hoài nghi về “tính pháp lý” (legitimacy) của quá trình thử nghiệm vắc-xin Sputnik V (Gam-COVID-Vac) tại bệnh viện.

Ông nói: “Lý do là những tiêu chuẩn (benchmark) đòi hỏi phải đáp ứng cho vắc-xin Nga hiện thấp hơn ở Mỹ. Nói rõ hơn, nếu tính theo chuẩn Mỹ, vắc-xin Nga mới qua được “cửa ải” giai đoạn 1 (Phase 1) thử nghiệm mà đã được chấp nhận, tức là dựa vào rất ít dữ liệu có sẵn! Tôi không nghĩ là nước Mỹ có thể “khoan dung” cho các tiêu chuẩn thấp về an toàn và hiệu quả như thế”.

Makary nhắc lại, ngày 27/8, vắc-xin do Công ty Công nghệ Moderna hợp tác nghiên cứu sản xuất với Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) Mỹ sẽ hoàn tất đợt đầu thử nghiệm giai đoạn 3 tại bệnh viện với 30.000 người tham gia.

“Rõ ràng, Mỹ đang đi trước Nga về quá trình thử nghiệm với lượng dữ liệu thu thập được cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ dám đưa ra cột mốc gần cuối năm nay hay đầu năm 2021 mới có vắc-xin tiêm đại trà. Thận trọng là trên hết, “dục tốc bất đạt” và hậu quả có thể khó lường.

Dù vắc-xin Coronavirus của Moderna và NIH đã chứng tỏ “rất hứa hẹn” về cả độ an toàn lẫn phản ứng của hệ miễn dịch (phát sinh kháng thể chống virus) trong tất cả người tình nguyện ở 2 giai đoạn đầu nhưng vẫn phải tiếp tục thử nghiệm thêm cho đúng với yêu cầu của cơ quan chuyên trách Mỹ. 

Tập san New England Journal of Medicine đã bám sát các báo cáo thử nghiệm vắc-xin của  Moderna và cho biết, các phản ứng phụ sau khi tiêm vắc-xin là “nhẹ”, như mệt mỏi, ớn lạnh, nhức đầu, đau cơ và đau ở vị trí tiêm. Đây cũng là ứng viên vắc-xin đầu tiên của Mỹ được công khai kết quả thử nghiệm trên một tập san uy tín về sự đánh giá.

Thử nghiệm xong giai đoạn 3, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) mới thẩm tra xem có đáp ứng được tất cả các yêu cầu bắt buộc mới cấp phép sản xuất và tiêm đại trà.

“Moderna cho biết có thể sản xuất 500 triệu liều một năm từ 2021 và 1 tỷ liều/năm sau đó” – Tiến sĩ Lisa Jackson, giám sát dược phẩm tại Viện Nghiên cứu y khoa Kaiser Permanente Washington ở Seattle, bang Washington, có tham gia nghiên cứu vắc-xin nói.

Theo Trung tâm kiểm soát và ngăn cản bệnh dịch Mỹ (CDC), giai đoạn 2 được thử nghiệm trên những người ở các lứa tuổi và tình trạng sức khỏe mà vắc-xin mới nhắm đến. Giai đoạn 3, vắc-xin được tiêm cho hàng nghìn người để chắc chắn lần nữa về sự hiệu quả và an toàn của nó.

Không phải ai cũng muốn tiêm vắc-xin

Bên trong một phòng nghiên cứu vắc-xin Nga.
Bên trong một phòng nghiên cứu vắc-xin Nga.

Thăm dò mới nhất công bố ngày 14/8 do NPR/PBS NewsHour/Marist (Mỹ) tiến hành cho thấy, có đến 35% người Mỹ khẳng định sẽ không tiêm vắc-xin Coronavirus khi nó có sẵn, dù là miễn phí, bất chấp số ca tử vong vì Covid-19 tăng cao trên thế giới. Trong khi đó 60% số người được hỏi trả lời sẽ tiêm; 5% chưa quyết định.

Nếu chia ra, tỷ lệ chịu tiêm vắc-xin của những người ủng hộ đảng Dân chủ là 71% trong khi phía Cộng hòa chỉ 48% và cử tri độc lập là 61%. Kết quả này không khác biệt mấy so với cuộc thăm dò trước đó của Fox News từ 9 - 12/8, trong đó cho thấy 26% người Mỹ sẽ không tiêm vắc-xin Coronavirus, 55% tiêm và 20% không chắc chắn. Phía ủng hộ đảng Dân chủ là 66%, Cộng hòa 43% và độc lập 54%.

Rõ ràng, phong trào “chống vắc-xin” là có thật, bất chấp việc đổ lỗi cho thông tin sai khiến nhiều người bị hiểu lầm và tự đặt mình vào nguy hiểm nếu không tiêm chủng.

CDC Mỹ nhắc lại là hàng nghìn người Mỹ chết mỗi năm vì ho gà, sốt bại liệt, sởi, cúm và rubella trước khi vắc-xin ra đời và được sử dụng rộng rãi, giúp giảm mạnh một số bệnh đến mức gần như biến mất.

“Đa số bệnh vắc-xin có thể ngăn cản là lây từ người sang người. Nếu một người trong cộng đồng bị nhiễm bệnh anh ta sẽ lây cho những người chưa nhiễm. Nhưng một người được miễn dịch nhờ chủng ngừa vắc-xin thì không thể nhiễm bệnh để lây ra cộng đồng. Càng có nhiều người tiêm vắc-xin càng ít nguy cơ bệnh lan rộng” - CDC Mỹ nhấn mạnh. 

Bài toán kinh tế

Thử nghiệm trên người tại Nga.
Thử nghiệm trên người tại Nga.

Giống như sự tăng tốc phi mã về giá trị trên thị trường chứng khoán của các công ty nghiên cứu vắc-xin như Moderna (giá cổ phiếu của Moderna tăng gấp 3 lần từ khi có đại dịch và sau khi công bố thử nghiệm thành công 2 giai đoạn vắc-xin phòng  Covid-19), Công ty Công nghệ sinh học Đức CureVac BV đã huy động được 213 triệu USD trong ngày đầu tiên chào bán cổ phiếu IPO trên thị trường chứng khoán New York. Cụ thể, công ty bán được 13,33 triệu cổ phiếu với giá 16 USD một cố phiếu.

Thị trường định giá của CureVac khoảng 2,8 tỷ USD. CureVac đang nghiên cứu cách dùng “sứ giả“ (messenger) RNA để điều trị một loạt bệnh, kể cả Coronavirus. Thí nghiệm này cũng được nhiều công ty như Moderna và BioNTech SE tiến hành. Bằng cách dùng messenger RNA, các nhà nghiên cứu hy vọng có thể ép cơ thể bệnh nhân tạo ra các protein, có vai trò quan trọng trong việc chiến đấu với bệnh tật.

Việc chính phủ Đức giữ đến 23% cổ phần của CureVac (khoảng 343 triệu USD) cho thấy tầm quan trọng của công ty đối với lợi ích quốc gia. Tháng 7, Công ty GlaxoSmithKline Plc và quỹ đầu tư Qatar Investment Authority cũng mua một số cổ phần.

CureVac, trụ sở chính đặt tại TP Tuebingen, cũng vừa được nhà sáng lập Microsoft Corp, tỷ phú Bill Gates bảo lãnh khoản vay 75 triệu euro (85 triệu USD) từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu. 

Ngoài Coronavirus, CureVac còn nghiên cứu trị liệu các bệnh như bệnh dại, ung thư. Đồng sáng lập SAP SE Dietmar Hopp giữ số cổ phiếu lớn nhất của CureVac nhưng chỉ còn dưới 50% sau khi công ty lên sàn chứng khoán.

Theo Newsweek và The Economist 8/2020

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.