Sức ép khó khăn, tương lai mờ nhạt

GD&TĐ - Hàng loạt các biện pháp trừng phạt đã được Trung Quốc tung ra nhằm vào Australia trong thời gian qua.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Hơn 1 năm trước Trung Quốc ngăn chặn các tiếp xúc cấp cao với Austrlia, tiếp đó là các biện pháp làm chậm nhập khẩu than nhiệt từ nước này, khiến lượng than trị giá 1 tỉ USD ùn tắc ở các bến cảng Trung Quốc. 

Tháng 4/2020, Đại sứ Trung Quốc tuyên bố chính phủ của ông sẽ áp đặt lệnh trừng phạt thương mại chiến lược trong 4 lĩnh vực gồm thịt bò, rươu vang, du lịch và các trường đại học, đe dọa tới khoảng 25 tỉ USD hàng hóa xuất khẩu của Australia. 

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc tiếp tục có các biện pháp trừng phạt với xuất khẩu lúa mạch, bông, than nhiệt và than cốc của Trung Quốc, khiến Australia có nguy cơ giảm 16 tỉ USD xuất khẩu. Dường như thấy chưa đủ, từ ngày 6/11, lệnh cấm nhập với gỗ, đường, quặng đồng và tinh quặng đồng, len, tôm hùm, lúa mạch, rượu vang lại tiếp tục được ban hành.

Theo tờ Sydney Morning Herald ngày 10/11, có những điểm khá tinh tế đáng chú ý trong những lệnh cấm trên. Thứ nhất, 2 mặt hàng lúa mạch và rượu vang đã được lên danh sách từ lần trước đó. Thứ hai, Trung Quốc không tuyên bố rằng Australia đã bị trừng phạt.

Trung Quốc đưa ra lý do có các tạp chất trong tôm hùm Australia, bọ trong gỗ hoặc dán nhãn sai thịt bò, tất cả xảy ra cùng lúc như một sự ngẫu nhiên tuyệt đối, do vậy người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay hàng hóa Australia. 

Ông Peter Varghese, cựu Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Australia, giờ là Hiệu trưởng trường Queensland, cho rằng có 2 lý do khiến Trung Quốc không tuyên chiến chính thức. Đó là vì lệnh cấm thương mại thất thường sẽ vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Trung Quốc không muốn Australia kiện ngược. Thêm nữa, đây là một chiến dịch tâm lý cố ý, một phần trong chiến lược của Trung Quốc. Cách Trung Quốc thể hiện ảnh hưởng và kiểm soát là muốn đối phương phải có nhượng bộ trước. 

Ngoài ra, có vẻ như lệnh cấm mới nhất chưa có hiệu lực từ hôm 6/11 như báo chí đưa tin. Có vẻ như đây cũng là một đòn tâm lý nữa, một nỗ lực tạo ra sức ép chính trị với Chính phủ Australia.

Hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào các ngành công nghiệp Australia với mục đích “mỡ nó rán nó”, khiến chính các công ty Australia phải làm gì đó nhằm vào chính phủ của mình, yêu cầu chính phủ làm gì đó cho tới khi sức ép gia tăng tới mức chính phủ phải nhượng bộ. 

Ý đồ đó của phía Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại có vẻ rõ ràng hơn khi Thứ trưởng Thương mại Li Chenggang phát biểu hôm 11/11 rằng, chính quyền Canberra biết “họ cần phải làm gì để cải thiện quan hệ”.

Con số của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hồng Kông đưa ra cho biết: Thương mại hai chiều rất lớn, lên khoảng 171 tỉ USD, trong khi Trung Quốc mua khoảng 39% hàng hóa xuất khẩu của Australia, do vậy sự đe dọa của Trung Quốc là thử thách lớn với chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison. 

Tuy nhiên, chính phủ của ông Morrison không dễ dàng khuất phục. Tuần này Australia đã xúc tiến thông qua dự luật quan hệ đối ngoại ở Quốc hội Liên bang, cho phép chính phủ đảo ngược bất kỳ thỏa thuận nào ở cấp bang hoặc cấp chính quyền địa phương với các chính phủ nước ngoài. Dự luật này nhằm hủy bỏ thỏa thuận của chính quyền bang Victoria nhằm tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. 

Chính phủ Australia cũng đang có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của dân chúng. Một thỏa thuận gần đây cho thấy lòng tin của người dân Australia vối Trung Quốc đã giảm một nửa trong 2 năm qua, từ 52% xuống còn 23%. 

Một lý do khác, có thể sự cứng rắn của Tổng thống Mỹ Trump năm qua với Trung Quốc đã khiến các đồng minh của Mỹ, trong đó có Australia, tự tin hơn trong đối phó với nước này. 

Do vậy Trung Quốc sẽ không dễ để gây sức ép với Australia, nhất là khi thế của Trung Quốc đang suy giảm trên trường thế giới sau đại dịch Covid-19. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ