Singapore: Phát triển giáo dục hòa nhập kế thừa từ nước ngoài

GD&TĐ - Bang British Columbia (Canada) cho phép những trẻ em có nhu cầu đặc biệt được theo học trong môi trường giáo dục (GD) bình thường như các bạn đồng trang lứa. Mới đây, Singapore cũng đưa ra những biện pháp nhằm mang lại môi trường GD cởi mở, công bằng tới tất cả học sinh (HS).

Lớp học tại Vancouver (Canada) – nơi trẻ có nhu cầu đặc biệt được học tập như các bạn khác
Lớp học tại Vancouver (Canada) – nơi trẻ có nhu cầu đặc biệt được học tập như các bạn khác

Không tồn tại sự khác biệt

Tại Trường Tiểu học Ferris ở Vancouver (Canada), các em học sinh lớp 2 đang tập trung vào bài đọc. Đột nhiên, cô giáo Andrea Andreaao kêu gọi cả lớp: “Chúng ta có thể hát một đoạn thật to để đánh thức Joshua dậy không?”. Joshua (8 tuổi), dường như đang ngủ thiếp đi. Khi nghe thấy tiếng hát, cậu bé ngồi dậy với sự giúp đỡ của người trợ lý GD và từ từ tập trung vào đoạn văn đang đọc.

Tuy nhiên, cậu HS 8 tuổi này không hề ngủ gật. Cậu bị mắc Pura, chứng rối loạn phát triển thần kinh, khiến người bệnh luôn buồn ngủ và bị co giật. Đây được coi là một căn bệnh hiếm gặp, khi chỉ có 500 người trên toàn thế giới bị như Joshua. Vậy mà, cậu bé vẫn có thể học tập trong một môi trường cùng với các bạn đồng trang lứa bình thường khác. Đặc biệt là, Joshua không phải là HS đặc biệt duy nhất trong trường.

Tại một lớp học khác, các HS đang giơ tay tình nguyện tham gia trò chơi. Thay vì làm như các bạn, cậu bé Ahmed (7 tuổi) - một HS mắc chứng tự kỷ, lại gây ra tiếng động lớn. Tuy nhiên, cả GV và các bạn đều không chế giễu mà dùng tay ra tín hiệu, nhắn Ahmed nhỏ giọng lại. Mặc dù không bình thường như các bạn, nhưng Ahmed thường xuyên được GV chọn lên tham gia hoạt động cùng các bạn. Tại tỉnh bang British Columbia (Canada), mọi HS đều được học trong môi trường bình thường như bao bạn khác.

Khoảng hai thập kỷ trước, các trường GD đặc biệt công lập tại British Columbia dần bị loại bỏ. Giữa những năm 1960 - 1970, Bộ GD British Columbia bắt đầu cho phép trẻ em có nhu cầu đặc biệt theo học tại các cơ sở GD bình thường. Tuy nhiên, HS khuyết tật vẫn được dạy riêng. Cho đến những năm 1990, chính quyền tỉnh bang quyết định mang lại cơ hội bình đẳng cho mọi trẻ em và tăng cường hỗ trợ cho HS có nhu cầu đặc biệt. Tất cả trẻ em trong độ tuổi đến trường đều được tham gia một chương trình GD và không bị tách biệt với các HS khác.

Nhận thấy những tác động tích cực của nền GD hòa nhập, tại Singapore, Chính phủ cũng đã có những bước tiến trong việc tạo ra nền GD toàn diện hơn. Lợi ích của GD hòa nhập được ghi nhận từ những năm 1990, bởi môi trường học tập này không chỉ giúp mọi trẻ em nhận ra tầm quan trọng của sự đồng cảm và chấp thuận, mà còn khiến những người có nhu cầu đặc biệt hình thành ý thức tích cực về bản thân.

“Chương trình giảng dạy là học và học tốt hơn khi có sự đa dạng trong lớp học vì trẻ em chia sẻ kinh nghiệm và ý tưởng với nhau. Khi bạn chia sẻ nhiều ý tưởng và nhiều kinh nghiệm hơn, trẻ em học các khái niệm tốt hơn bởi chúng học theo các cách khác nhau”, PGS Leyton Schnellert từ Khoa GD của Đại học British Columbia chia sẻ.

Tháng 4 vừa qua, Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội Singapore (MSF) đã thành lập một nhóm chuyên gia nhằm cân nhắc đưa ra những biện pháp tốt hơn cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt tại các trường mầm non. Theo Đạo luật GD Bắt buộc Singapore, mọi trẻ em khuyết tật đều phải đến trường trừ khi gia đình các em xin được miễn.

Bà Lucy Toh, Giám đốc bộ phận của Phòng nhu cầu GD đặc biệt thuộc Bộ GD Singapore (MOE) cho biết, tỷ lệ HS có nhu cầu đặc biệt ở các trường GD đặc biệt và các trường chính thống chưa có sự thay đổi sau khi chính phủ ban hành đạo luật mới. Tại Singapore, có khoảng 32.000 HS có nhu cầu đặc biệt và 80% trong số này đang học tại các trường chính thống, 20% còn lại học tại các trường GD đặc biệt được điều hành bởi các tổ chức dịch vụ xã hội.

Kế bước British Columbia

Nhiều chuyên gia nhận định, Singapore có thể học hỏi những ý tưởng của British Columbia trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu GD hòa nhập. Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng là các trường tiểu học tại British Columbia đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em có nhu cầu đặc biệt.

Ngoài ra, nhờ những lộ trình GD thay thế và các kế hoạch GD cá nhân (IEP) cho những HS có nhu cầu đặc biệt, các em không phải đối mặt với áp lực để vượt qua các kỳ thi như bạn đồng trang lứa. Đặc biệt, người học có nhu cầu đặc biệt vẫn có thể hoàn thành chương trình học tại các trường chính thống mà không bị “trượt” hay phải “bỏ học”. Nếu không thể tốt nghiệp thông qua các bài kiểm tra, HS có nhu cầu đặc biệt sẽ được nhận chứng chỉ công nhận thành tích.

Một trong những người ủng hộ mạnh mẽ GD hòa nhập tại Singapore là bà Denise Phua, người đứng đầu Ủy ban GD Quốc gia Singapore. Bà Phua cũng là người đồng sáng lập của Trường học Pathlight và hỗ trợ khởi xướng “Cuộc diễu hành màu tím”, một sáng kiến hàng năm nhằm hỗ trợ hòa nhập và tôn vinh các cá nhân, bao gồm những người khuyết tật.

Thay vì theo đuổi hệ thống GD như các trường học khác “một cách mù quáng”, bà Phua đã kêu gọi một “hệ thống địa phương có thể mang lại nền GD tốt nhất ở cả GD chính thống và đặc biệt”. Cũng theo bà Phua, bên cạnh việc được đào tạo như các bạn cùng trang lứa, trẻ em có nhu cầu đặc biệt cũng sẽ được học về các kỹ năng sống như thói quen làm việc và kỹ năng xã hội.

“Nếu nền GD hòa nhập không được thiết kế một cách chặt chẽ, tiềm năng của HS sẽ không được phát huy tối đa. Đối với những HS cần được hỗ trợ nhiều hơn, phụ huynh nên tìm các chi nhánh GD tại địa phương, cho phép các em được hòa nhập về thể chất và xã hội, ngay cả khi chúng không được hưởng lợi từ việc hội nhập về học thuật”, người đứng đầu Ủy ban GD Quốc gia khẳng định.

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) trong giờ dạy môn Khoa học tự nhiên.

Giúp dạy học hiệu quả môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, các nhà trường đã rút ra những kinh nghiệm để triển khai dạy học hiệu quả môn tích hợp, nhất là môn Khoa học tự nhiên.