Ấn Độ: Khó thu hút sinh viên quốc tế

GD&TĐ - Mặc dù, chính phủ Ấn Độ đã đưa ra không ít biện pháp nhằm khuyến khích du học sinh tới nước này, nhưng mục tiêu tăng gấp 4 lần số lượng sinh viên quốc tế trong các cơ sở GD vào 4 năm tới dường như vẫn khá xa vời. 

SV quốc tế tại Học viện Quản lý Ấn Độ.
SV quốc tế tại Học viện Quản lý Ấn Độ.

Theo thống kê, số lượng sinh viên quốc tế ở Ấn Độ đang tăng nhưng không có đột phá.

Nhiệm vụ khó khăn

Theo khảo sát của All India về GDĐH (AISHE) 2018 - 2019, tổng số SV nước ngoài theo học tại các trường ĐH của Ấn Độ trong năm học này là 47.427 người. Phần lớn các SV này đến từ các quốc gia lân cận.

Mặc dù sáng kiến “Học tập tại Ấn Độ” của chính phủ được áp dụng, nhưng số liệu thống kê này cho thấy, lượng du HS chỉ tăng trưởng đều đặn.

Theo báo cáo được công bố vào tuần trước của Bộ Phát triển nguồn nhân lực, số lượng SV quốc tế tại Ấn Độ năm 2017 - 2018 là 46.144, ít hơn gần 1.300 người so với năm nay. Cuộc khảo sát này được thực hiện trên tất cả các tổ chức GDĐH tại Ấn Độ.

Mới đây, chính phủ Ấn Độ tuyên bố sẽ có những biện pháp nhằm thu hút 200.000 tài năng quốc tế đến nước này trong năm 2023, tức tăng hơn 4 lần so với con số hiện tại.

Chia sẻ với truyền thông, ông Wahid Ahmed Qazi, cựu Giám đốc tại Viện Truyền thông đại chúng Ấn Độ cho biết, hầu hết SV nước ngoài tại nước này đều đến từ các nước láng giềng. Do đó, ông Wahid cho rằng, hệ thống GD của Ấn Độ cần phải hấp dẫn, thiết thực và ít lý thuyết hơn.

“Chính phủ cũng nhận thấy sự cần thiết trong việc đổi mới để thu hút du HS. Bên cạnh đó, không ít người học lo ngại về an ninh và nạn phân biệt đối xử, đặc biệt đối với SV châu Phi khi họ học tập tại Ấn Độ”, ông Qazi chia sẻ.

Bà Maria Mathai tại Dịch vụ Tư vấn MM cho biết: “Xu hướng chung của SV quốc tế tại Ấn Độ phản ánh các mối quan hệ địa chính trị và sự đầu tư của chính phủ Ấn Độ”.

Cũng theo bà Maria, khả năng cao là số lượng SV quốc tế tại Ấn Độ đến từ Nam Á, châu Phi và Trung Đông sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

“Và với những thông báo gần đây về học bổng đặc biệt dành cho SV của các nước ASEAN, chúng ta cũng có thể mong đợi sự gia tăng trong số lượng du HS đến từ Thái Lan, Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác”, bà nói thêm.

Mặt khác, bà Mathai cho rằng, Ấn Độ cần nỗ lực hơn nữa để có thể trở thành một điểm đến an toàn và chất lượng, hấp dẫn hơn. “Ấn Độ cần làm nổi bật các thế mạnh của mình, chẳng hạn như sử dụng tiếng Anh như một phương tiện giảng dạy, mức học phí thấp và giảm thiểu tối đa những khó khăn phát sinh đối với người học”, bà Mathai nhận định.

Trong khi đó, ông Zafar Alam, nhà tư vấn GD tại Tổ chức Tư vấn GD toàn cầu bày tỏ: “Ấn Độ đã thực hiện các biện pháp tích cực với mong muốn có thể thu hút nhiều SV quốc tế hơn. Gần đây, Ấn Độ đã đưa ra nhiều học bổng cho SV từ các nước ASEAN theo học tiến sĩ tại Viện Công nghệ Ấn Độ. Chính phủ đang mong muốn sẽ tự do hóa ngành GD. Chúng tôi hy vọng số lượng SV nước ngoài sẽ tăng lên trong những năm tới”.

Một chặng đường dài để đi

Các học giả nhận định, Ấn Độ vẫn còn cả một chặng đường dài nếu muốn trở thành một trung tâm GD có mức giá phù hợp dành cho SV nước ngoài.

Ông Tariq Zafar, cựu Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Madhya Pradesh Bhoj đã bày tỏ lo ngại: “Các tổ chức GD và chính phủ đang cung cấp học bổng và miễn học phí để thu hút nhiều SV hơn. Tuy nhiên, mức độ gia tăng về số lượng du HS trong năm qua vẫn ít hơn dự kiến”.

“Theo thống kê, số lượng SV quốc tế tại Ấn Độ cao nhất đến từ Nepal, với 26,88%, theo sau đó là các nước: Afghanistan (9,8%), Bangladesh (4,38%), Sudan (4,02%), Bhutan (3,82%), Nigeria (3,4%), Mỹ (3,2%), Yemen (3,2%), Sri Lanka (2,64%) và Iran (2,38%)”.

Sáng kiến của chính phủ mang tên “Học tập tại Ấn Độ” đã được đưa ra hồi tháng 4 năm ngoái. Bộ trưởng phát triển nguồn nhân lực lúc đó, ông Prakash Javadekar cho biết, trọng tâm ban đầu sẽ tập trung vào các SV từ khoảng 30 quốc gia châu Á, châu Phi, Trung Đông và Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS). Ông Javadekar cũng thể hiện mong muốn các gia đình ở Mỹ sẽ gửi con cái đến Ấn Độ để theo học ĐH.

Theo thống kê năm 2018, bang Karnataka là điểm đến được ưa chuộng nhất của SV nước ngoài, với 10.023 người; theo sau là bang Maharashtra và bang Tamil Nadu, với con số lần lượt là 5.000 và 4.000 người học quốc tế. Trong khi đó, bang Punjab và Uttar Pradesh lần lượt có 4.533 và 4.514 SV nước ngoài theo học.

Trái lại, thủ đô Delhi lại gây bất ngờ cho nhiều người bởi số lượng ít ỏi SV quốc tế, ở mức 2.141 người. Thậm chí, con số này còn ít hơn cả bang Haryana, nơi có hơn 2.800 du HS theo học nhờ hàng loạt cơ sở GDĐH tư thục danh tiếng.

“Sự bùng nổ trong nền GDĐH tư thục, đặc biệt là các trường ĐH, CĐ cung cấp các khóa học về khoa học và kỹ thuật, đã có đóng góp không nhỏ vào dòng SV nước ngoài đến Ấn Độ. Điều này được phản ánh rõ qua các con số, đặc biệt là ở bang Karnataka và Tamil Nadu”, bà Mathai nhận định.

Gần 3/4 SV quốc tế đang theo học các khóa học ĐH, 16% đăng ký các khóa học sau ĐH và 10% ở các cấp độ khác như nghiên cứu chuyên nghiệp và học nghề.

Tại Ấn Độ, Btech - loại bằng cấp kỹ thuật, là khóa học phổ biến nhất dành cho SV nước ngoài muốn theo học bậc ĐH, với 8,861 du HS, trong đó có tới 85% người học là SV nam. Theo sau đó là bằng BBA về quản trị kinh doanh, với khoảng 3.354 SV nước ngoài theo học. Bên cạnh đó, các ngành học ĐH khác được nhiều SV quốc tế lựa chọn khi đến Ấn Độ là: Dược, ứng dụng máy tính, y học, điều dưỡng và nha khoa.

Theo University World News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ