Ông Trump sử dụng Hội đồng Bảo an để “luận tội” Iran?

GD&TĐ - Xuất thân một tỷ phú quyền lực, là nhân vật chính của một chương trình truyền hình thực tế đầy ảnh hưởng, đã chủ trì hàng loạt cuộc họp quan trọng nhất của các hội đồng cũng như các cuộc họp nội các, nhưng vào thứ Tư tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ lần đầu tiên tận dụng triệt để quyền lực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc (LHQ) để đưa vấn đề Iran ra bàn nghị sự quốc tế, thay vì chỉ là quan điểm của riêng nước Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tận dụng cuộc họp Hội đồng Bảo an LHQ để đưa ra các cáo buộc mang tính quốc tế về vũ khí hủy diệt của Iran?
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tận dụng cuộc họp Hội đồng Bảo an LHQ để đưa ra các cáo buộc mang tính quốc tế về vũ khí hủy diệt của Iran?

Tập trung vào vấn đề Iran

Theo chương trình nghị sự, ông Trump sẽ chủ trì cuộc họp gồm 15 thành viên Hội đồng Bảo an LHQ, khi Hoa Kỳ nắm giữ chức chủ tịch luân phiên hàng tháng, trùng với cuộc họp hàng năm của các nhà lãnh đạo thế giới tại LHQ ở New York trong tuần này.

“Tôi chắc chắn đó sẽ là cuộc họp Hội đồng Bảo an được theo dõi nhiều nhất từ trước tới nay” - Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ, Nikki Haley, nói với các phóng viên.

Dẫu vậy, bất chấp tính cách không thể đoán trước của ông Trump, một số nhà ngoại giao vẫn bày tỏ không mong đợi một màn trình diễn truyền hình thực tế trong Hội đồng Bảo an, nơi mà hầu hết các thành viên đều có thể được đại diện bởi thủ tướng hoặc tổng thống của quốc gia mình, ngoại trừ Nga và Trung Quốc.

“Tôi không nghĩ rằng, nó sẽ mang đến sự thoải mái cho tất cả” - một nhà ngoại giao cấp cao của LHQ, nói với điều kiện giấu tên - “Ngay cả những người không thích ông ấy, vẫn phải bày tỏ một thái độ đúng mực nhất khi phải đối mặt với bất kỳ tổng thống Hoa Kỳ nào tại một cuộc họp công khai”.

Hội đồng Bảo an vốn ra đời cùng sự xuất hiện của LHQ vào năm 1945, nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, nhưng mới chỉ là lần thứ 3 một cuộc họp như thế này được điều hành bởi một tổng thống Mỹ, mặc dù nó có khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt hoặc cho phép sử dụng lực lượng quân sự đối với một quốc gia hay lãnh thổ bất kỳ.

Người tiền nhiệm của ông Donald Trump, ông Barack Obama, đã chủ trì các cuộc họp trong năm 2009 và 2014, về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân và vấn đề về các tay súng khủng bố nước ngoài. Trong cả hai vấn đề nêu trên, hội đồng đã thông qua các nghị quyết về các chủ đề đang thảo luận. Tuy vậy, Đại sứ Mỹ Nikki Haley đã nói trước rằng, Mỹ không có kế hoạch áp dụng nghị quyết vào cuộc họp hội đồng tới đây, với nội dung tập trung vào vấn đề Iran.

“Chúng tôi muốn chắc chắn rằng Iran hiểu cả thế giới đang dõi theo họ. Đó là lý do lớn nhất cho cuộc họp này”, bà Nikki Haley tuyên bố.

Núp bóng vấn đề vũ khí hủy diệt

Chủ đề của cuộc họp sẽ là không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, một vấn đề lớn cho phép các nhà lãnh đạo ngồi quanh chiếc bàn cong nhắc đến những đối tượng nổi bật hiện nay, từ tình hình Triều Tiên đến tấn công vũ khí hóa học ở Syria và đầu độc hóa học ở Anh. Tuy nhiên, trên Twitter, ông Trump đã tuyên bố rõ trọng tâm sẽ là vấn đề Iran. Ông nói: “Tôi sẽ chủ trì một cuộc họp Hội đồng Bảo an LHQ về Iran”. Ngay sau đó, Tehran lên tiếng cáo buộc Hoa Kỳ lạm dụng quyền lực của vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an.

Dẫu vậy, về mặt chính thức, thông báo của Hoa Kỳ về cuộc họp được gửi tới các thành viên của Hội đồng Bảo an không đề cập cụ thể đến bất kỳ quốc gia nào. “Mục đích của cuộc họp này là để thảo luận về cách thức Hội đồng Bảo an có thể thực thi tốt hơn các nghị quyết (của Hội đồng Bảo an) đã áp dụng... để chống lại sự lan truyền và sử dụng vũ khí nguy hiểm nhất thế giới”, thông báo cho biết.

Vai trò của Chủ tịch Hội đồng Bảo an thường là mang tính chất hành chính và đóng vai trò trung lập. Chủ tịch hội đồng có trách nhiệm lập kế hoạch và chủ trì các cuộc họp, đồng thời thông báo cho các quốc gia thành viên khác và báo chí về công việc của hội đồng.

Ông Trump sẽ có một bản báo cáo vắn tắt để đọc trong cuộc họp vào 26/9. Ông sẽ đưa ra tuyên bố dự kiến, với trách nhiệm của quốc gia đóng vai trò Chủ tịch, sau đó có thể mất khoảng hai giờ để tất cả các thành viên hội đồng phát biểu. Để chuẩn bị cho cuộc họp này, bà Haley đã hai lần phái các phái viên hội đồng đến Washington, nơi họ đã gặp và trao đổi riêng với ông Trump.

Nga không ít lần đứng về phía Iran, bảo vệ họ khỏi nỗ lực của Mỹ trong việc đưa ra Hội đồng Bảo an về cáo buộc Tehran cung cấp vũ khí cho nhóm Houthi đang chiến đấu ở Yemen, một cáo buộc mà Iran luôn phủ nhận.

Khi được hỏi về suy nghĩ trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trì một cuộc họp của Hội đồng Bảo an, Đại sứ Nga tại LHQ, ông Vassily Nebenzia, trả lời với một nụ cười: “Tôi cảm thấy hồi hộp”. Ông nói tiếp: “Tôi không nghĩ chúng ta sẽ thấy bất kỳ âm mưu lớn nào trong những gì ông ấy sẽ nói”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.