Trung Quốc - chìa khóa giải quyết khủng hoảng Triều Tiên

GD&TĐ - Bất chấp lệnh trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, vào ngày thứ Sáu (15/9), Bình Nhưỡng vẫn tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo. 

Trung Quốc - chìa khóa giải quyết khủng hoảng Triều Tiên

Tên lửa bay qua Nhật Bản và rơi xuống Thái Bình Dương, khiến cộng đồng quốc tế một lần nữa lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ. Trong bối cảnh ấy, Trung Quốc muốn đóng vai trò trung gian trong việc giải quyết khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Giới phân tích đặt câu hỏi: Liệu Triều Tiên có phải là “con bài’ của Trung Quốc trên bàn đàm phán với Mỹ?

Tại sao Bắc Kinh muốn duy trì chế độ Kim Jong-un?

Trung Quốc lên án những hành động của giới lãnh đạo Triều Tiên. Bắc Kinh cho rằng, bất chấp áp lực của nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, Triều Tiên vẫn thử hạt nhân và phóng tên lửa- Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết. Bên cạnh đó, Bắc Kinh kêu gọi các bên kiềm chế.

Đồng thời, Trung Quốc đang lo lắng dõi theo sự phát triển của tình hình ở nước láng giềng. Rõ ràng là Bắc Kinh có ý định làm bất cứ điều gì để ngăn chặn xung đột vũ trang trong khu vực, chứ đừng nói đến sự sụp đổ của chế độ Kim Jong-un,

Nếu chế độ Kim Jong-un sụp đổ, một dòng người tị nạn Bắc Triều Tiên đông đảo sẽ tràn sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, Bắc Kinh có thể đã bị mất đi một “vùng đệm chiến lược” với Hàn Quốc - một đồng minh thân cận của Mỹ.

Vì lý do này mà Trung Quốc đang thực hiện mọi nỗ lực để ngồi với các bên xung đột bên bàn đàm phán. Theo kế hoạch của Bắc Kinh, được hỗ trợ của Moscow, Mỹ và Hàn Quốc nên từ bỏ cuộc tập trận chung trong khu vực, còn Bình Nhưỡng đình chỉ chương trình tên lửa hạt nhân của mình. Tuy nhiên, dường như, cho đến nay cả Washington lẫn Bình Nhưỡng đều không sẵn sàng chấp thuận giải pháp này.

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên rơi vào bế tắc. Kể từ lần thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên của Bình Nhưỡng vào năm 2006, Hội đồng Bảo an LHQ đã 8 lần áp đặt biện pháp trừng phạt chống lại Bắc Triều Tiên, nhưng những nỗ lực của cộng đồng thế giới không thành công.

“Nhà Trắng nên giao phó cho Bắc Kinh”

Hình phạt không thể giữ cho quốc gia Đông Bắc Á phát triển thêm tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân. Phiên bản Tiếng Anh của “Nhân dân nhật báo”, tờ Global Times viết: "Trừng phạt bên ngoài chỉ có thể làm chậm sự phát triển của các chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, nhưng không thể thay đổi ý định của Bình Nhưỡng tiếp tục chương trình hạt nhân của mình". Global Times cho rằng Nhà Trắng nên giao phó việc giải quyết cuộc xung đột cho Bắc Kinh.

"Trong khi Trung Quốc đối đầu với Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên chỉ cần đóng vai trò quan sát viên, chuyển trách nhiệm cho Trung Quốc. Washington có thể đã che giấu thất bại của mình trong việc giải quyết các tranh chấp về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên”- Global Times viết.

Bình luận về thái độ của Mỹ trước việc Bình Nhưỡng liên tiếp thử hạt nhân, tên lửa, ông thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ cho biết: Thành thật mà nói, tôi nghĩ Mỹ nên làm nhiều hơn so với bây giờ…Họ (Mỹ-ND) nên kiềm chế đưa thêm những lời đe dọa mà hành động nhiều hơn để tìm các biện pháp hiệu quả nhằm phục hồi đối thoại.

Ở góc độ khác, trên tờ báo mạng “Pravda.ru”, bình luận viên chính trị Nga D. Nersesov đặt câu hỏi: Kim thích gì?

Cả thế giới đều biết rõ rằng Kim có tiềm năng tên lửa, hạt nhân, ông ta cần gì nữa? Theo D.Nersesov, từ quan điểm này, việc phóng tên lửa bay qua đảo Hokkaido của Nhật Bản hôm 15/9 là bằng thừa. Nhà bình luận chính trị Nga khẳng định, bằng việc phóng tên lửa mới đây, Kim Jong-un không làm mới tình hình, ngược lại làm xấu đi hình ảnh của Triều Tiên trong con mắt của cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, D.Nersesov cho rằng, để hiểu được ý nghĩa vụ phóng tên lửa lần này cần gắn nó với chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp tới. Không còn nghi ngờ gì nữa, vấn đề Triều Tiên sẽ là một trong những chủ đề trọng điểm của cuộc hội đàm thượng đỉnh Mỹ-Trung.

Và không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc sẽ tận dụng câu chuyện hạt nhân của Triều Tiên để mặc cả với Mỹ trong hàng loạt những vấn đề hệ trọng trong quan hệ song phương.

Ông D.Nersesov đưa ra giả định: Rất có thể toàn bộ lịch sử vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là cuộc chơi của các chiến lược gia Trung Quốc. Họ đã tạo ra “con quái vật” và cho phép nó tồn tại bên mình, làm công cụ để hù dọa Mỹ và Nhật Bản, qua đó đưa Bắc Kinh trở thành siêu cường thế giới.

Giải quyết vấn đề Triều Tiên ư? Chìa khóa đang nằm ở Bắc Kinh. Và mọi hành động khiêu khích của Kim Jong-un sẽ kết thúc nếu Trung Quốc đạt được mục tiêu có lợi trên bàn đàm phán thượng định Mỹ-Trung sắp tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.