Tương lai nào cho tiến trình phi hạt nhân hóa ở Triều Tiên?

GD&TĐ - Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố các hình ảnh vệ tinh mới cho thấy Triều Tiên đã bắt đầu dỡ bỏ một “địa điểm hạt nhân then chốt” – một bước trong những điều mà ông Kim Jong Un đã hứa với Tổng thống Mỹ trong lần gặp gỡ tháng trước tại Singapore.

Dỡ bỏ điểm thử tên lửa có phải là bước tiến mới trong quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên?
Dỡ bỏ điểm thử tên lửa có phải là bước tiến mới trong quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên?

Những hình ảnh đáng ghi nhận

“Hình ảnh mới cho thấy Triều Tiên đã bắt đầu tiến hành dỡ bỏ một địa điểm hạt nhân then chốt, và chúng tôi lấy làm cảm kích về điều đó”, ông Trump nói về loạt không ảnh của trang North 38 chụp điểm thử tên lửa Sohae.

Những bức ảnh này được chụp từ ngày 20 đến ngày 22/7 vừa qua, cho thấy Triều Tiên thực sự đã dỡ bỏ các cơ sở chính tại điểm phóng tên lửa này, một động thái mà các nhà phân tích gọi là “một bước đầu quan trọng, hướng tới hoàn thành những cam kết” của ông Kim trong cuộc gặp gỡ với ông Trump.

“Các cơ sở này được cho là đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển công nghệ của một chương trình tên lửa đạn đạo quan trọng của Triều Tiên, nên những nỗ lực này đại diện cho một biện pháp xây dựng đáng ghi nhận về phía Triều Tiên”, theo Joseph Bermudez Jr. thuộc 38 North. “Điều đáng ghi nhận nhất là quá trình dỡ bỏ bao gồm cả tòa nhà sản xuất đường ray, nơi các phương tiện phóng không gian được lắp ráp trước khi được chuyển lên bệ phóng, và bệ thử động cơ tên lửa gần đó được sử dụng để phát triển các động cơ nhiên liệu lỏng cho tên lửa đạn đạo và phương tiện phóng không gian”.

Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo cũng tuyên bố việc dỡ bỏ các phương tiện thử tên lửa ở Triều Tiên “hoàn toàn nhất quán” với cam kết mà ông Kim đã trình bày với ông Trump ở Singapore. Khi được hỏi về những bước tiến tiếp theo của Triều Tiên, ông Pompeo nói: “Họ cần phải loại bỏ hoàn toàn hạt nhân. Đó là những bước mà Chủ tịch Kim đã cam kết và thế giới đã yêu cầu, thông qua nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ”.

Kết thúc quá trình thử nghiệm, chuyển sang sản xuất hàng loạt?

Cả Trump và Pompeo đều đã được kêu gọi kiên nhẫn, kể từ khi Tổng thống Mỹ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh lịch sử với Kim ở Singapore hồi tháng trước, nhưng ông Trump đã bày tỏ sự thất vọng về sự thiếu tiến bộ trong các cuộc đàm phán. Adam Mount, một đồng nghiệp và giám đốc cấp cao của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, đã đồng ý rằng các bước này “đáng khích lệ và hữu ích cho việc mở rộng các cuộc đàm phán”, nhưng cũng lưu ý rằng đây chưa phải là một bước quan trọng đối với các giới hạn giải trừ vũ khí hoặc quân sự.

“Rất có thể suy luận rằng điều này phù hợp với những gì Triều Tiên vẫn thể hiện, đó là chương trình thử nghiệm của họ đã thành công. Và giờ đây, họ bắt đầu chuyển sang sản xuất hàng loạt các hệ thống tên lửa và hạt nhân”, ông nói. “Việc dỡ bỏ cơ sở hạ tầng thử nghiệm, đặc biệt là cho các phương tiện phóng không gian, không làm thay đổi tính toán này. Một vấn đề rắc rối nữa là rõ ràng Triều Tiên đã được phép né tránh xác minh ở cả Punggye-ri và Sohae. Điều đó sẽ phải được sửa đổi trong các thỏa thuận tiếp theo”.

Biện pháp xây dựng lòng tin

Và trong khi hình ảnh này có thể được coi như là một “biện pháp xây dựng lòng tin” của Triều Tiên, có vẻ như họ mong đợi Mỹ sẽ hồi đáp lại nếu các cuộc đàm phán tiếp tục.

Đầu tuần, hãng CNN đưa tin rằng mấu chốt cho các cuộc đàm phán tiếp theo giữa hai bên là sự sẵn sàng của Washington để thực hiện một “động thái táo bạo” và đồng ý với một hiệp ước hòa bình với Bình Nhưỡng. Nếu Mỹ không muốn thay thế thỏa thuận đình chiến chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên bằng một nền hòa bình vĩnh viễn, có thể đảm bảo sự tồn tại của chế độ ông Kim, thì Bình Nhưỡng có thể sẽ không tiếp tục với các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa.

Trong khi đó, phần lớn đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ vẫn còn lờ mờ về kế hoạch của chính quyền về tương lai của con đường với Triều Tiên và hoài nghi về ý định của ông Kim. Thành viên cao cấp của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Menendez nói với CNN rằng ông hy vọng Pompeo có thể cung cấp câu trả lời khi ông làm việc với Capitol Hill trong tuần này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.