Nước Ý trong cơn ác mộng người nhập cư

GD&TĐ - Kể từ năm 2014, khi bắt đầu cuộc khủng hoảng di cư, con đường chính của những người nhập cư trái phép đến châu Âu chưa bao giờ thưa vắng. Tuy nhiên, số lượng người nhập cư trái phép trong khoảng thời gian này có phần giảm bớt, có lẽ nhờ những biện pháp hiệu quả từ nhiều phía.

Nước Ý trong cơn ác mộng người nhập cư

Sự êm ả bất thường

Theo Bộ Nội vụ Ý, chỉ có khoảng hơn 4.000 người nhập cư từ Libya đến Ý kể từ giữa tháng 7 đến nay. Con số này chỉ bằng 1/5 số lượng của các giai đoạn tương đương trong 3 năm trước đó.

Sự giảm thiểu này mang lại một khoảng thời gian “thư giãn” hiếm hoi cho nước Ý, nơi mà vấn đề di cư và phản ứng của chính quyền đang là một trong những yếu tố quyết định ảnh hưởng tới cuộc tổng tuyển cử sắp diễn ra vào những tháng tới.

Sau khi Liên minh châu Âu đạt các thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu năm 2016 để ngăn chặn người nhập cư đến các hòn đảo của Hy Lạp ở Địa Trung Hải, nước Ý đã trở thành cửa ngõ chính cho những người nhập cư trái phép vào châu Âu - một vấn đề mà người dân cũng như chính quyền Ý hoàn toàn không mong muốn.

Chỉ tính riêng trong năm 2013, đã có tới hơn 600.000 người nhập cư trái phép đã tới Ý bằng những con thuyền mong manh vượt qua đại dương, khiến nước Ý liêu xiêu và các nhóm dân tộc chủ nghĩa trong nước ồn ào phản kháng. Hầu hết những người di cư này đều từ bờ biển phía Bắc của Libya, nơi đang nở rộ những đường dây buôn người do sự thiếu vắng một chính quyền trung ương, kể từ khi nhà độc tài Muammar el-Qaddafi bị phế truất.

Một điều khá kỳ lạ là dòng chảy này đang bất ngờ chậm lại. Vào mùa hè, thời tiết tốt hơn khiến những đường dây buôn người Libya thường đưa hàng loạt người di cư ra biển vào mỗi tuần. Tuy nhiên, tháng 7 năm nay không có sự gia tăng đột biến như vậy. Chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Sáng kiến toàn cầu về chống tội phạm buôn người xuyên quốc gia Mark Micallef bày tỏ: “Theo lịch sử số liệu thống kê, tháng 7 và tháng 8 là đỉnh điểm của các số liệu người nhập cư trái phép. Nhưng năm nay, con số này đang sụt giảm mạnh mẽ”.

Nhờ các biện pháp “rắn”?

Các chuyên gia cho rằng có lẽ sự sụt giảm dòng người di cư là nhờ các nỗ lực kéo dài của Ý nhằm cải thiện năng lực của Lực lượng Cảnh sát biển Libya, cùng với đó là các can thiệp làm giảm bớt sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ trong việc điều hành các tàu cứu hộ ngoài khơi bờ biển Libya.

Trong nhiều năm qua, Ý và các đồng minh trong Liên minh châu Âu đã huấn luyện hơn 100 nhân sự thuộc Lực lượng Cảnh sát biển Libya, đồng thời cung cấp cho họ tàu và các nguồn khác. Thời gian gần đây, lãnh đạo Lực lượng Cảnh sát biển Libya thậm chí đã đe dọa tấn công các tàu từ thiện của một số tổ chức như Bác sĩ không biên giới, khiến nhiều nhóm từ thiện khác cũng từ bỏ các chiến dịch cứu hộ của mình.

Ý cũng gửi tàu hải quân tới hỗ trợ Lực lượng Cảnh sát biển Libya trên vùng biển nước này, đồng thời cũng gây khó khăn hơn cho các tổ chức phi chính phủ hoạt động tự do trên vùng biển Ý.

Có thể nói, những biện pháp cứng rắn này của Ý đã phần nào làm giảm thiểu dòng người di cư tới châu Âu qua đường biển. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng sự thật còn phức tạp hơn nhiều.

Chặn tận gốc

Một số nhà phân tích cho rằng hiện tượng nói trên có thể do những mạng lưới buôn người lớn ở các thị trấn ven biển Libya như Sabratha – bàn đạp cho đa số dân di cư trái phép tới Ý - đã được thuyết phục, hoặc bị buộc đình chỉ các hoạt động của mình.

Một nhóm vũ trang của Sabratha, tự xưng là Cảnh sát quốc gia - chi nhánh Sabratha, cùng các mối liên kết của mình trong chính phủ được quốc tế công nhận của Libya, đã tham gia gây sức ép đối với các đường dây buôn người. Một tay “buôn người” ở Sabratha, xưng danh là Mourad Zuwara, thừa nhận: Chính các lực lượng địa phương đã gây sức ép để ông ta buộc phải từ bỏ các hoạt động của mình.

Một số cách lý giải khác cho tình trạng giảm bớt người di cư trái phép tới Ý là sự giảm thiểu dân di cư từ Niger tới Libya, cùng với việc có thêm một số điểm trung chuyển khác ở Morocco để tới châu Âu.

Bất kể vì lý do gì, sự giảm bớt số lượng người nhập cư trái phép tất nhiên sẽ làm hài lòng các quan chức ở Rome, tuy nhiên, tình thế này cũng cảnh báo các nhà hoạt động nhân quyền đang lo lắng cho số phận của hàng ngàn người di cư mắc kẹt tại Libya trong những điều kiện chẳng khác nào chế độ nô lệ. Cũng không ai biết, tình hình “êm ả” này kéo dài được bao lâu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ