Nguyên nhân khiến hơn 700 nam giới Nhật Bản tự tử trong 1 tháng

GD&TĐ - Số liệu thống kê mới về tự tử do Bộ Y tế Nhật Bản cho thấy cảm giác tuyệt vọng ngày càng gia tăng của nam giới đang làm việc trên toàn quốc.

Nhiều nam giới Nhật Bản chịu áp lực trong mùa dịch Covid-19.
Nhiều nam giới Nhật Bản chịu áp lực trong mùa dịch Covid-19.

Nguyên nhân chính được đưa ra cho tình trạng trên là đại dịch Covid-19 đã dẫn đến cắt giảm việc làm tại các công ty lớn, điều kiện làm việc tồi tệ hơn và tiền thưởng cuối năm bị “bốc hơi”.

Theo Bộ Y tế, 705 nam giới tuổi từ 20 đến 59 đã tự kết liễu đời mình vào tháng 9, tăng 56 trường hợp, tương đương 8,6% so với cùng tháng năm ngoái.

Tình trạng tương tự xảy ra vào tháng 8, với 706 vụ tự tử, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng cộng, 1.805 người Nhật Bản đã tự sát vào tháng 9, tăng 143 người so với cùng tháng của một năm trước đó.

“Đó là sự kết hợp của nhiều thứ, nhưng tất cả đều có thể bắt nguồn từ tác động của virus corona. Ngoài việc ảnh hưởng tới việc làm, virus còn làm thay đổi cách chúng ta làm việc” - Người sáng lập Morimoto của công ty du lịch Vent Services Inc cho biết: “Chúng tôi từng sống trong một thế giới mà mọi người phải nói chuyện trực tiếp với khách hàng và đồng nghiệp, sau đó chúng tôi đi uống sau giờ làm việc. Nhưng giờ đây điều đó đã không còn. Chúng tôi phải ở nhà, phải làm việc từ xa, mọi người cô đơn vì họ không có bất kỳ sự tương tác nào giữa con người với nhau”.

Số liệu thống kê về tự tử được công bố gần với thông báo của tập đoàn du lịch khổng lồ JTB Corp rằng sẽ cắt giảm 6.500 nhân sự toàn quốc, ngừng tuyển người mới và đóng cửa 115 cửa hàng (1/4 tổng số cửa hàng mà họ hoạt động vào đầu năm).

Tập đoàn du lịch Kintetsu cũng tiết lộ đã đóng cửa 60% cửa hàng và tái cơ cấu hoạt động của mình - một dấu hiệu cho thấy lĩnh vực du lịch của Nhật Bản đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào bởi đại dịch.

Ông Morimoto cho biết ngày càng có nhiều cảm giác tuyệt vọng trong ngành du lịch của Nhật Bản.

“Cuộc sống đủ căng thẳng với áp lực công việc và những vấn đề hàng ngày như thanh toán hóa đơn, nhưng nếu chúng ta phải làm việc ở nhà thì sẽ không có cơ hội nói chuyện với bạn bè, xả hơi, giải trí” – anh nói.

Nếu sự cô lập đó sau đó trở nên tồi tệ hơn do mức lương ngày càng giảm hoặc thậm chí mất việc làm, thì áp lực sẽ tăng lên trong một xã hội mà theo truyền thống, tự tử được coi là một lối thoát danh dự cho những người mang lại “sự xấu hổ” cho bản thân hoặc gia đình của họ khi thất bại.

Hơn 34.000 người đã tự sát ở Nhật Bản vào năm 2003, nhưng con số đó đã giảm xuống còn 20.169 người vào năm 2019 và nhiều người hy vọng nó sẽ tiếp tục giảm xuống. Tuy nhiên, lượng người tự sát dường như đang tăng lên.

Yukio Saito - người đứng đầu đường dây nóng tự tử Inochi no Denwa cho biết: “Những người có thể cảm thấy ổn trước cuộc khủng hoảng nhưng giờ đây họ đang phải vật lộn. Những căng thẳng từ suy thoái kinh tế đang gia tăng và trở nên tồi tệ hơn bởi áp lực xã hội. Có rất nhiều người đầu năm đã tin họ an toàn và năm 2020 sẽ là năm tốt đẹp với họ, nhưng rốt cuộc thực tế không như vậy”.

Những người này không thể tổ chức kỳ nghỉ cho gia đình vào mùa hè hoặc chưa trả được tiền thuê nhà trong khi hóa đơn đang chồng chất. “Về cơ bản, Nhật Bản vẫn là một xã hội rất bảo thủ và có quá nhiều nam giới đột nhiên mất việc hoặc không thể kiếm đủ tiền, dù họ có làm việc chăm chỉ đến đâu nhưng đều có trách nhiệm cao đối với ‘thất bại’ đó” – ông Saito nói.

Nhà phân tích Okumura của Viện các vấn đề toàn cầu Meiji cho rằng có thể đa số những người tự sát làm việc trong ngành dịch vụ vốn bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh và họ có rất ít sự bảo vệ đối với công việc. Theo ông Okumura, cần khắc phục việc hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho những người cần giúp đỡ.

Theo SCMP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

HLV Zidane có cơ tái hợp CLB Real Madrid.

HLV Zidane có bến đỗ lý tưởng

GD&TĐ - Chủ tịch Florentino Perez và HLV Zidane đang thảo luận bàn về việc tái ngộ của cả 2 tại Santiago Bernabeu vào mùa hè 2024.