Mỹ tiếp tục tranh cãi về quyền sở hữu súng

GD&TĐ - Hai vụ xả súng hàng loạt ở El Paso (bang Texas) và Dayton (bang Ohio) làm chết nhiều người đã một lần nữa dấy lên vấn đề kiểm soát súng đạn tại Mỹ. Nhưng sẽ khó có gì thay đổi, cũng như tình trạng tương tự sau nhiều vụ xả súng khác. Sẽ còn bao nhiêu người phải chết trước khi dân Mỹ từ bỏ “tình yêu” với súng đạn?

Quyền sở hữu súng ở Mỹ vẫn rộng mở
Quyền sở hữu súng ở Mỹ vẫn rộng mở

Chính trị đảng phái

Thế giới rúng động vì chỉ trong chưa đầy 24 tiếng cuối tuần qua, hai vụ thảm sát bằng súng đã cướp đi mạng sống của ít nhất 31 người và làm 53 người bị thương ở nước Mỹ. Phát biểu sau đó, Tổng thống Donald Trump đã lên án “sự lên ngôi của bạo lực”, ông chỉ trích sự phân biệt chủng tộc, sự cố chấp, chủ nghĩa thượng đẳng da trắng, nhưng không nhắc gì đến các biện pháp mới để hạn chế súng đạn.

Quốc hội Mỹ cho thấy, họ không thể thông qua một dự luật về bạo lực súng đạn nào trong nhiệm kỳ này, mặc dù thường xuyên có các vụ nổ súng hàng loạt, chủ yếu vì sự chống đối của phe Cộng hòa, đặc biệt là ở Thượng viện do Cộng hòa kiểm soát. Tổng thống Trump, trong một bài phát biểu ở Nhà Trắng, đã kêu gọi một giải pháp được sự ủng hộ của cả hai đảng, nhưng rõ ràng ông đã lái cuộc đối thoại khỏi vấn đề súng đạn.

Ông nói rằng “các bệnh tâm thần và sự thù ghét đã kéo cò súng chứ không phải bản thân khẩu súng”, và kêu gọi những cải cách làm sao “nhận dạng tốt hơn những kẻ tâm thần có thể gây bạo lực”. Phát biểu của ông Trump đã nhắc lại luận điểm của đảng Cộng hòa: Súng không thể giết người, mà người mới giết người. Còn phe Dân chủ thường chỉ trích chính quyền thiếu kiên quyết trong việc kiểm soát súng đạn, cũng như chỉ trích những người vận động hành lang cho việc sử dụng súng, đặc biệt là Hiệp hội Súng đạn quốc gia. Một lần nữa cuộc tranh cãi ở Mỹ có vẻ sẽ đi vào vòng luẩn quẩn, và báo trước sẽ không có thay đổi gì ở nước Mỹ về vấn đề kiểm soát súng đạn sau các vụ xả súng lần này.

Nhưng rõ ràng “các bệnh tâm thần” không phải nguyên nhân duy nhất gây ra các vụ thảm sát hàng loạt ở Mỹ. Nó còn là do các thanh niên trẻ bất bình với cuộc sống, do xung đột ở nơi làm việc, xung đột gia đình, và do “chủ nghĩa da trắng tối thượng” đang nổi lên gần đây ngày càng nhiều trong chính trị Mỹ. Đó là trường hợp của vụ El Paso lần này, hay vụ nổ súng ở một nhà thờ tại Pittsburg tháng 10/2018, hay bạo lực ở Charlottesville năm 2017.

Vấn đề kiểm soát súng đạn lập tức trở thành một chủ đề nóng cho chính trị bầu cử ở Mỹ đã khởi động thời điểm này, chuẩn bị cho bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra vào năm 2020. BBC cho biết, nhiều người đã lên án ông Trump và những người phe Cộng hòa luôn sử dụng những ngôn từ có thể kích động những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc da trắng. Gần đây, chính ông Trump đã nhiều lần gọi những người nhập cư bất hợp pháp là “kẻ xâm lược”.

Trong một cuộc vận động bầu cử tháng Năm vừa qua ở Florida, một người trong đám đông đã hô lớn: “Bắn chúng đi”, khi ông Trump đặt câu hỏi làm sao ngăn chặn người nhập cư không giấy tờ. Còn mới một tháng trước đây, Thượng nghị sĩ John Cornyn bang Texas viết trên Twitter rằng năm 2018 Texas “đã nhận gần 9 người gốc Mỹ Latinh cho mỗi cư dân da trắng bổ sung”.

Hơn 20 ứng cử viên Tổng thống vòng bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ đã đưa ra những lời kêu gọi mạnh mẽ về việc phải có các biện pháp kiểm soát súng, và lên án các phát biểu phân biệt chủng tộc dễ gây kích động. Thượng nghị sĩ bang New Jersey Cory Booker, người từng đề xuất chương trình cấp phép súng trên toàn quốc, nói rằng “chúng ta có sức mạnh để làm việc đó”, song giải pháp cho vấn đề này đã bị ngăn cản bởi “các chính trị gia nhu nhược và những kẻ đang đấu thầu trong cuộc vận động súng quốc gia”.

Vận động hành lang

Tờ Washington Post đầu tuần qua chạy một bài bình luận có tựa đề “Thế giới nghĩ luật lệ về súng ở Mỹ thật điên rồ, và họ đã đúng”. Bài báo viết: Ở Anh, hiện giờ có 0,06 người chết vì súng trong 100.000 người dân ở Anh, còn ở Mỹ tỷ lệ này là 4,43 vụ, tức là cao gấp 73 lần so với nước Anh.

Ước tính có 393 khẩu súng thuộc sở hữu của dân thường ở Mỹ, tức là mỗi người Mỹ, kể cả phụ nữ, trẻ em, trẻ nhỏ có 1,2 khẩu súng. Còn tại Yemen, quốc gia vẫn xảy ra bất ổn chính trị, tỷ lệ này là 1 khẩu súng cho 2 người. Ở Anh là 1 khẩu súng cho 20 người và ở Nhật là 1 khẩu súng cho 334 người. Nước Mỹ chỉ có 4% dân số thế giới, nhưng chiếm tới gần một nửa số súng do dân thường sở hữu trên thế giới.

Ngoài việc luật pháp cho phép sở hữu súng vẫn có nhiều lỏng lẻo, thì cuộc vận động hành lang của các nhà sản xuất súng đạn thực sự là một thế lực ở Mỹ. Hiệp hội Súng quốc gia (NRA) Mỹ đã có hàng thập kỷ hoạt động, đại diện cho hàng triệu người sở hữu súng và nhiều nhà sản xuất súng. Năm 2012, năm xảy ra vụ thảm sát trường học ở Newtown, Quốc hội Mỹ đã cố gắng ban hành luật kiểm tra cơ bản toàn diện tất cả các cuộc mua bán súng, kể cả giao dịch cá nhân.

Song mặc dù được sự ủng hộ của cả hai đảng trong Thượng viện Mỹ, một nhóm thiểu số đã ngăn cản đề xuất này bằng thủ tục trong Quốc hội, và dự luật không được đưa ra Hạ viện Mỹ. Năm đó, NRA gần như ở đỉnh cao sức mạnh và ảnh hưởng của họ trong chính trị Mỹ. Thậm chí cả sau vụ thảm sát Newtown, xu hướng của luật súng đạn ở nhiều nơi trên nước Mỹ còn trở nên tự do hơn, chẳng hạn quyền mang vũ khí bí mật, chứ không phải hạn chế hơn.

Trong cuộc bầu cử 2016, NRA đã sớm ủng hộ chiến dịch tranh cử của ông Trump, và ủng hộ rất tích cực - lúc đó sự ủng hộ này được coi như một canh bạc, nhưng chiến thắng bất ngờ của ông đã là phần thưởng cho NRA và giờ thì không thể có chuyện Tổng thống đi ngược quyền lợi của NRA.

Song gần đây NRA cũng suy giảm sức mạnh. Thu nhập của NRA giảm 56 triệu USD năm 2017 do phí hội viên và đóng góp giảm đi. Nhưng trong khi những người sở hữu súng cho rằng, đây là quyền của họ để tự vệ, và các nhà sản xuất súng kiếm lời to, thì cuộc tranh cãi “mang súng hay không mang súng” vẫn còn là câu chuyện không có hồi kết ở nước Mỹ.

Tờ USA Today còn cho biết, sau vụ xả súng El Paso, 10 luật mới nới lỏng việc hạn chế sở hữu súng nơi công cộng đã có hiệu lực ở Texas. Luật sẽ cho phép người ta dễ dàng hơn trong việc mang súng tới nhà thờ, đền thờ Hồi giáo, các tòa nhà căn hộ, nhà dưỡng lão hay trường học công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ