Ứng cử viên Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ cam kết sự độc lập

GD&TĐ - Ông Brett Kavanaugh, người được Tổng thống Donald Trump đề cử vào vị trí Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ để thay ông Anthony Kennedy vốn tuyên bố nghỉ hưu từ cuối tháng 6, vừa có cuộc “sát hạch” trước Thượng viện - một thủ tục quan trọng để Quốc hội Mỹ có thể phê duyệt ứng cử viên của Tổng thống giới thiệu hay không.

Ứng cử viên Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, Brett Kavanaugh, trong buổi “sát hạch” trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện tại Quốc hội
Ứng cử viên Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, Brett Kavanaugh, trong buổi “sát hạch” trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện tại Quốc hội

Lợi thế từ đảng Cộng hòa

Ông Kavanaugh, năm nay 53 tuổi, đã phải đối mặt với một phiên điều trần kéo dài hơn 12 giờ vào hôm 5/9 theo giờ Washington, trước một hội đồng Thượng viện, xen lẫn một số lần gián đoạn bởi người biểu tình phản đối xông vào khán phòng. Các Thượng nghị sĩ đã kêu gọi sự cứng rắn của ông về quyền lực Tổng thống, quan điểm trước nạn phá thai, quyền sở hữu súng và các vấn đề chủng tộc.

Đây chính là bốn vấn đề đang chia rẽ sâu sắc người Mỹ và có thể sẽ phải đệ lên trước Tòa án Tối cao. Các Thượng nghị sĩ kỳ vọng Kavanaugh cần có sự độc lập và kiên định như chức năng vốn có của Tòa án Tối cao. Kavanaugh đã vượt qua vấn đề thứ nhất dễ dàng khi bày tỏ sự tôn trọng quy định pháp lý về hợp pháp hóa phá thai trên toàn quốc, gọi nó là một tiền lệ pháp lý quan trọng đã được tái xác nhận bởi các thẩm phán trong nhiều thập kỷ.

Ông lên án các vụ nổ súng trong trường học ở Mỹ, nhưng bảo vệ ý kiến ông đã nêu về câu hỏi liệu súng trường bán tự động có thể bị cấm hay không. Ông cũng bảo vệ quan điểm của mình về các vấn đề chủng tộc.

Các Thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ đã tuyên bố sẽ làm mọi cách có thể để ngăn chặn việc thông qua đề cử của Tổng thống Trump đối với ông Kavanaugh. Tuy nhiên, với việc cả Thượng viện lẫn Hạ viện đều đang do đảng Cộng hòa của ông Trump nắm giữ đa số, đặc biệt không có dấu hiệu phản đối của họ về sự đề cử này, cho thấy nhiều khả năng ông Kavanaugh sẽ được phê chuẩn vị trí Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ - cơ quan tư pháp lớn nhất trong hệ thống luật pháp Hoa Kỳ và thường Thẩm phán sẽ giữ vị trí đến cuối đời.

Chọn độc lập để tồn tại

Trả lời một câu hỏi từ Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Richard Blumenthal, Kavanaugh nói ông không thể cam kết sẽ đứng bên lề từ bất kỳ vụ kiện nào liên quan đến điều tra hoặc các vụ kiện dân sự liên quan đến Tổng thống. Ông nhấn mạnh: “Để phù hợp với nguyên tắc độc lập của tư pháp, tôi không nên và không thể cam kết về cách tôi xử lý một trường hợp cụ thể”.

Ngành tư pháp là một trong những lĩnh vực hứng chịu nhiều chỉ trích nhất của ông Trump. Một số người theo chủ nghĩa tự do đã bày tỏ lo ngại rằng Kavanaugh có thể là một lá chắn hữu hảo, bảo vệ ông Trump khỏi các vụ kiện và điều tra.

Thượng nghị sĩ Chuck Grassley, thuộc đảng Cộng hòa và là Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện, đặt vấn đề liệu có hay không khả năng can thiệp của Thẩm phán Tối cao vào một phán quyết bất lợi cho Tổng thống hay các cộng sự, từ Tòa án Tối cao hay các Tòa án Liên bang, Kavanaugh trả lời: “Không ai trên pháp luật trong hệ thống hiến pháp của chúng tôi”.

Ông nói thêm: “Tôi nghĩ rằng tiêu chí đầu tiên của một thẩm phán hàng đầu trong hệ thống hiến pháp của chúng ta là độc lập”.

Sự khéo léo của nhà làm luật

Kavanaugh né tránh câu hỏi của Thượng nghị sĩ Dân chủ Dianne Feinstein về việc liệu một tổng thống có thể “được yêu cầu trả lời trát đòi hầu tòa hay không” - một vấn đề đầy tiềm năng liên quan đến công tố viên đặc biệt Robert Mueller đang phụ trách điều tra nghi vấn Nga can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm 2016. “Tôi không thể đưa ra câu trả lời cho câu hỏi giả định đó”, Kavanaugh nói.

Ông bỏ qua truy vấn của Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Christopher Coons về việc liệu ông có tin, như ông đã viết cách đây 20 năm, rằng một tổng thống có thể loại bỏ một công tố viên đặc biệt điều tra ông ta? “Tất cả những gì tôi có thể nói là đó là quan điểm của tôi vào năm 1998”, Kavanaugh khôn khéo trả lời.

Ông cũng tránh được câu hỏi của Thượng nghị sĩ Dân chủ Patrick Leahy về việc liệu một tổng thống có thể tự tha thứ cho chính mình, hay một người nào khác, để đổi lấy một lời hứa không làm chứng chống lại ông. Câu hỏi này ám chỉ đến một tuyên bố của ông Trump trên Twitter hồi tháng 6 về những khả năng ông có thể làm. Kavanaugh lại né tránh: “Câu hỏi tự tha thứ là thứ tôi chưa bao giờ phân tích”.

Trong việc trích dẫn các ví dụ về độc lập tư pháp, Kavanaugh tán dương một phán quyết năm 1974 đã ra lệnh cho Tổng thống Richard Nixon bàn giao các tài liệu bị thu hồi trong vụ bê bối Watergate và phán quyết của Tòa án Tối cao năm 1954 đã chấm dứt sự phân biệt chủng tộc trong các trường công lập.

Thượng nghị sĩ Feinstein hỏi Kavanaugh về bài báo năm 2009 của ông đã kết luận các vị tổng thống nên được cách ly khỏi những phiền nhiễu của các vụ kiện dân sự, truy tố hình sự và điều tra. Kavanaugh tuyên bố với một “tâm trí hoàn toàn cởi mở”, rằng luật pháp sẽ phải được tuân thủ và công lý phải được thực thi, nhất là với Tòa án Tối cao.

Sau cuộc điều trần, Tổng thống Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng, rằng ông hài lòng với các nội dung được đưa ra và những câu trả lời của Kavanaugh. Ông nói (đại ý): Phía bên kia (phe Dân chủ) đang “nắm lấy lưỡi dao”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.