Hàn Quốc: Sự thật về hôn nhân trong thế giới tài phiệt

GD&TĐ - Tại Hàn Quốc, các tập đoàn tài phiệt được gọi là chaebol. Công chúng Hàn Quốc có 3 câu nhận định kinh điển: “Chaebol phải lấy chính trị gia”, “chaebol phải lấy người nổi tiếng” và “chaebol phải lấy chaebol”.

“Chaebol phải lấy chaebol” là nhận định “chuẩn không cần chỉnh”.
“Chaebol phải lấy chaebol” là nhận định “chuẩn không cần chỉnh”.

Tuy nhiên, thực tế thì sao?

Lịch sử tài phiệt

Chaebol là thuật ngữ tiếng Hàn, chỉ các tập đoàn lớn trong nền kinh tế của Đại Hàn Dân Quốc. Chúng mang tính chất gia đình trị, mỗi cái đều do một gia tộc nắm giữ, và quyền thừa kế sẽ giao lại cho con cháu trực hệ của người đứng đầu. 

Có thể nói, lịch sử các tập đoàn ở Hàn Quốc đi liền với lịch sử đất nước. Gốc gác của chúng bắt rễ từ thời thuộc Nhật (1910 - 1945), khi Bán đảo Triều Tiên vẫn chưa chia cắt thành Bắc Hàn (Triều Tiên) và Nam Hàn (Hàn Quốc) như bây giờ. 

Sau khi xâm lược Bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản tiến hành khai thác thuộc địa. Họ đưa người dân di cư tới, tước đoạt đất đai, cưỡng ép giai cấp nông dân Triều Tiên thành nông nô. Bắt đầu từ năm 1912, Nhật Bản chú trọng thúc ép sự phát triển kinh tế của vùng đất bị trị. Họ hoàn thành nhiều cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho công – thương nghiệp mở rộng. Các tập đoàn do người Nhật toàn quyền quản lý lần lượt mọc lên. Trong vòng 25 năm, GDP Triều Tiên liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất, vượt qua cả Tây Âu và chính mẫu quốc Nhật. 

Năm 1945, phát xít Nhật đại bại trong cuộc Thế chiến II (1939 - 1945), phải rút quân và rút dân khỏi Bán đảo Triều Tiên. Hàng loạt các tập đoàn trở thành vô chủ. Một số nhà kinh doanh Triều Tiên nhân cơ hội, chiếm quyền quản lý. Họ thành lập thế hệ tài phiệt đầu tiên.

Năm 1953, Nội chiến Triều Tiên (1950 - 1953) kết thúc. Những công ty như Samsung, Daewoo, LG… thành công vượt qua thời kỳ khốn khó, nhưng không phát triển nổi vì thiếu vốn. Năm 1961, Tổng thống mới đắc cử Park Chung Hee (1917 - 1979) quyết định dồn hết tâm sức cho họ, tin tưởng sẽ cách mạng hóa nền công – thương nghiệp. 

Đúng như Hee mong đợi, chỉ sau 20 năm, các chaebol đã “lột xác” nền kinh tế Hàn Quốc. Kể từ đó cho đến nay, họ lớn mạnh áp đảo. 

Bên cạnh các tập đoàn “đi cùng lịch sử”, nhiều tập đoàn mới cũng khai sinh. Theo thống kê vào năm 2019, Hàn Quốc có tổng cộng 64 chaebol. Họ nắm giữ 84% GDP toàn quốc. 

Hết thời lấy chính trị gia

Hôn nhân trong giới chaebol chú trọng lợi ích quyền lực hoặc kinh doanh.
Hôn nhân trong giới chaebol chú trọng lợi ích quyền lực hoặc kinh doanh.

Văn hóa Hàn Quốc vẫn nặng quan niệm đánh giá con người qua vị thế, tài sản. Trong “phân cấp xã hội” của họ, các chaebol “giàu nứt đố đổ vách” thuộc tầng lớp thượng lưu. 
Ở thế hệ đầu tiên, các chaebol phụ thuộc vào sự hỗ trợ của chính quyền Tổng thống Hee. Ông không chỉ ra quy định cho vay vốn với lãi suất cực thấp, mà còn yêu cầu các ngân hàng quốc doanh phải bảo lãnh cho họ vay vốn nước ngoài. Người dân Hàn Quốc mặc định, tài phiệt gắn liền với chính trị. Nhận định “chaebol phải lấy chính trị gia” chào đời.

Quả thực, các chaebol đời đầu cực kỳ quan tâm liên hôn với giới chính quyền. Họ bằng mọi cách gán ghép, thúc ép con cái làm quen, kết hôn với con cái “nhà quan”. Theo số liệu thống kê vào năm 2017 về tỷ lệ kết hôn ở thế hệ tài phiệt thứ 2, có đến 28% là thành đôi với con cái người có quyền thế. 

Tuy nhiên vào năm 2020, thống kê “tình hình kết hôn ở giới chaebol” đã cho thấy một sự đảo ngược bất ngờ. Tỷ lệ kết hôn với “con nhà quan” ở thế hệ tài phiệt thứ 3 đột ngột giảm mạnh, chỉ còn 7%. 

“Vào thập niên 1980, chính phủ và quyền lực chính trị ảnh hưởng mạnh đến sự tăng trưởng, lợi nhuận của các đại tập đoàn. Lẽ dĩ nhiên, liên hôn với giới chính trị là mối ưu tiên thứ nhất”, Kim Jin Bang, Giáo sư kinh tế tại Đại học Inha giải thích. 

“Bước sang thập niên 1990, đặc biệt là sau khi trải qua cuộc đại khủng hoảng tài chính năm 1997, vị trí vai trò ảnh hưởng đã bị đảo lộn. Trong mắt các nhà tư bản, việc thiết lập mối quan hệ cá nhân với giới chính quyền là không còn cần thiết nữa”. 

Tài phiệt cưới tài phiệt

“Chaebol phải lấy chính trị gia” đã là… chuyện ngày xưa.
“Chaebol phải lấy chính trị gia” đã là… chuyện ngày xưa.

Bên cạnh liên hôn với giới chính trị, thế hệ tài phiệt thứ 2 cũng chú trọng liên hôn với giới truyền thông, người nổi tiếng, nhằm mục đích kiểm soát thông tin và lôi kéo sự chú ý. Tuy nhiên, họ sớm nhận ra 2 kiểu liên hôn này không có nhiều tác dụng như mong đợi. Vì thế, “chaebol phải lấy người nổi tiếng” sớm “đi vào dĩ vãng”. 

Đối với thế giới tài phiệt Hàn Quốc, sự tăng trưởng và lợi nhuận của tập đoàn là mối quan tâm hàng đầu. Nói trắng ra, tiền là trên hết. Không có ở bất cứ lĩnh vực văn hóa nào tại Hàn Quốc, vấn đề “môn đăng hộ đối” lại quan trọng hơn tại giới chaebol. 

Ngay từ thế hệ tài phiệt đầu tiên, các phụ huynh thượng lưu đã vô cùng quan tâm thu hẹp phạm vi lựa chọn đối tượng kết hôn của con cái. Nhận định “chaebol phải lấy chaebol” là hoàn toàn chính xác. Hàn Quốc có các học viện, câu lạc bộ chỉ dành cho con cháu tầng lớp thượng lưu. Các chaebol xây dựng vòng quan hệ xã hội riêng, liên hôn với nhau vì mục đích kinh doanh. 

Cũng theo số liệu thống kê vào năm 2017, tỷ lệ “chaebol lấy chaebol” ở thế hệ tài phiệt thứ 2 là 46,3%. Sang thế hệ tài phiệt thứ 3, nó tiếp tục gia tăng. Theo báo cáo vào năm 2020, con số này là 50,7% (tăng 4,4%). Nói cách khác, trên 50% con cháu tài phiệt lấy con cháu tài phiệt. 

“Có vẻ như, kết hôn an toàn với người ‘cùng đẳng cấp’” đang là xu hướng của giới chaebol ngày nay”, Kim Jin Bang tiếp tục. “Sau một loạt các cuộc đổ vỡ hôn nhân giữa chaebol với chính trị gia, chaebol với người nổi tiếng ở thế hệ tài thiệt thứ 2; thế hệ tài phiệt thứ 3 đang tỏ ra hết sức thận trọng”.

Ngoài ra, tỷ lệ kết hôn giữa chaebol với “không phải chaebol” cũng có chiều hướng gia tăng ở thế hệ tài phiệt thứ 3. Nếu ở thế hệ tài phiệt thứ 2, tỷ lệ này chỉ 11,6% thì ở thế hệ tài phiệt thứ 3 là 23,2%, tăng gấp đôi. 

Theo Koreaherald và Sisajournal

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ