Chính trị hóa vắc-xin

Việc Nga đăng ký vắc-xin phòng chống Covid-19 đã gây ra làn sóng tranh luận trên khắp thế giới. Song rõ ràng vấn đề đã bị chính trị hóa thay vì tập trung vào khía cạnh khoa học và hiệu quả của loại vắc-xin này.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Hôm 11/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Nga là nước đầu tiên trên thế giới cấp phép theo quy định vắc-xin phòng Covid-19 sau hai tháng thử nghiệm trên người. Vắc-xin có tên gọi Sputnik V, được đặt tên theo vệ tinh đầu tiên trên thế giới do Liên Xô sản xuất. Nga dự định đưa vắc-xin vào sản xuất hàng loạt vào cuối năm nay, nhưng từ cuối tháng Chín, các nhân viên y tế và giáo viên sẽ được ưu tiên tiêm trước trên cơ sở tự nguyện, bởi họ là người tiếp xúc với nhiều người nhiễm bệnh hoặc với trẻ em.  

Tất nhiên nhiều người, nhiều bên đã tỏ ra nghi ngờ về vắc-xin Sputnik V, nhất là từ phương Tây. Bloomberg đưa tin hôm đầu tuần rằng, Hiệp hội các Tổ chức thử nghiệm lâm sàng đã gửi thư đến Bộ trưởng Y tế Nga cảnh báo rằng, việc tiêm chủng dân sự trước khi thử nghiệm lâm sàng hoàn thành có thể gây nguy hiểm cho mọi người. 

Song giới khoa học Nga đã lên tiếng bảo vệ thành quả của đất nước mình. Vadim Tarasov, nhà khoa học hàng đầu tại Đại học Sechenov ở Moskva nơi diễn ra thử nghiệm lâm sàng nói rằng, Nga có khởi đầu thuận lợi với hơn 20 năm phát triển năng lực vắc-xin và tìm hiểu cách lây truyền của virus. Nikolay Briko, nhà miễn dịch học của Bộ Y tế Nga cho biết, Trung tâm Nghiên cứu Gamaleya có nền tảng nghiên cứu nghiêm túc và rất có ý nghĩa về vắc-xin, công nghệ vắc-xin rất hoàn hảo, vì thế làm tiến trình phát triển vắc-xin Covid-19 đã được đẩy nhanh, tuân thủ mọi tiêu chuẩn quốc tế.

Không có gì khó hiểu khi vắc-xin của Nga bị ngờ vực. Dịch bệnh Covid-19 đã bị chính trị hóa trong nội bộ nhiều nước phương Tây và trên chính trường quốc tế, tạo nên những cuộc đấu khẩu và các cuộc trả đũa lẫn nhau giữa các nước, các tổ chức, điển hình là giữa Mỹ và Trung Quốc hay giữa Mỹ với Tổ chức Y tế Thế giới. Các quốc gia, các công ty dược đều hy vọng sớm tìm ra vắc-xin, đương nhiên bên nào thành công trước sẽ có nhiều lợi thế về nhiều mặt, nhất là lợi thế thương mại. 

Ông Kirill Dmitriev - Giám đốc Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga, nơi cấp vốn nghiên cứu vắc-xin Sputnik V, nói rằng vắc-xin này đã trở thành mục tiêu trong các cuộc tấn công thông tin có điều phối từ các quốc gia khác biệt chính trị với Nga, cố gắng làm mất uy tín và che giấu tính đúng đắn trong cách tiếp cận phát triển vắc-xin của Nga. Dù xuất phát từ những lo ngại thương mại hay chỉ là ác ý, thì cách tiếp cận chính trị hóa của một số nước phương Tây chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe và sự an toàn cho chính công dân của họ - ông Dmitriev nói.

Có điều không thể phủ nhận rằng, Nga đã chứng tỏ mình là một cường quốc về khoa học kỹ thuật công nghệ trong hàng chục năm qua. Tuy nhiên sự đối đầu của phương Tây dưới ảnh hưởng của Mỹ với Nga trong rất nhiều trường hợp đã che mờ các thành tựu và nỗ lực của Nga trong nhiều lĩnh vực. Điều thực tế nhất là chính Nga cũng đang là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Covid-19, nên lợi ích của việc phát triển thành công vắc-xin là cho chính Nga đầu tiên.

Sự thiếu vắng lòng tin chính trị tạo nên sự nghi ngờ trong các lĩnh vực khác. Nhưng bất chấp sự nghi ngờ, cho đến giờ Nga đã có đơn đặt hàng 1 tỷ liều vắc-xin từ 20 nước Châu Á, Châu Mỹ, Đông Âu. Rất có thể, Nga sẽ lại một lần nữa dẫn trước, như cách họ đã đưa vệ tinh nhân tạo Sputnik lên vũ trụ trụ lần đầu tiên trên thế giới năm 1957.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.