Châu Á chạy đua sản xuất vắc-xin

GD&TĐ - Việc Mỹ và các nước châu Âu đang dần vượt qua Covid-19 bằng tiêm chủng thần tốc đã trở thành hình mẫu cho cả thế giới.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Các nước châu Á vốn không chủ động được nguồn cung vắc-xin đang phải chạy đua để được cấp phép sản xuất thứ “vũ khí hữu hiệu” này để thoát khỏi vũng lầy Covid-19 ngày càng nghiêm trọng.

Thông thường khoảng thời gian từ lúc đạt thỏa thuận mua bán cho đến khi những lô vắc-xin đầu tiên nhận được có thể khiến các nước đánh mất thời điểm vàng để khống chế dịch.

Do đó, nhiều công ty lớn tại châu Á đang tập trung chạy đua theo hướng tìm kiếm thỏa thuận sản xuất vắc-xin cho các hãng dược châu Âu và Mỹ đang nắm giữ các loại vắc-xin hiệu quả như Moderna, BioNTech hay AstraZeneca.

Sự kết hợp giữa thành tựu nghiên cứu của Mỹ và châu Âu với năng lực sản xuất quy mô lớn tại châu Á đang được coi là con đường ngắn nhất có thể giúp thế giới vượt qua đại dịch. Một trong những sự kiện như vậy đã diễn ra hôm 22/5 khi Công ty Samsung Biologics của Hàn Quốc ký thỏa thuận sản xuất vắc-xin với hãng Moderna của Mỹ.

Theo kế hoạch, Samsung Biologics sẽ bắt đầu cung ứng vắc-xin cho các thị trường ngoài nước Mỹ ngay từ quý 3 năm nay, trong đó có hai thị trường quan trọng nhất chính là Hàn Quốc và Nhật Bản. Trước đó, vắc-xin ngừa Covid-19 của các hãng AstraZeneca (Anh), Novavax (Mỹ) và Sputnik V (Nga) cũng đã đạt thỏa thuận sản xuất tại Hàn Quốc.

Những bản hợp đồng nói trên đang hiện thực hóa tham vọng của Hàn Quốc trở thành một trung tâm sản xuất vắc-xin toàn cầu, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước vừa nắm giữ ngành sản xuất được săn đón bậc nhất trên thế giới hiện nay.

Đây được coi là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh một trung tâm sản xuất vắc-xin khác của thế giới đặt tại châu Á là Ấn Độ đang bị đình trệ do làn sóng dịch tàn phá, khiến nguồn cung toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Các nước khu vực Đông Nam Á vốn có năng lực sản xuất hiện đại và quy mô lớn cũng đang tham gia vào cuộc đua sản xuất vắc-xin, vừa để cung ứng cho thế giới vừa phục vụ cho chính nhu cầu cấp bách trong nước.

Hồi trung tuần tháng 5 vừa qua, hãng dược BioNTech (Đức) công bố sẽ xây dựng một cơ sở sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 tại Singapore. Tuy nhiên, thời gian cơ sở này bắt đầu cung ứng sản phẩm sớm nhất vào năm 2023 có thể sẽ không kịp giải quyết nhu cầu khẩn cấp hiện nay.

Ngoài ra, nhiều cơ sở sản xuất vắc-xin tại Việt Nam và Thái Lan cũng đang mong muốn trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin cho các hãng dược Mỹ và châu Âu.

Trong khi đó, loạt biến thể lây lan nhanh của virus đang tấn công khu vực Đông Nam Á, đẩy các nước như Thái Lan, Indonesia và Malaysia trở thành các ổ dịch có số ca nhiễm mới trong ngày thuộc nhóm cao nhất thế giới hiện nay.

Kết quả nghiên cứu mới nhất chỉ ra rằng những vắc-xin phổ biến hiện nay của AstraZeneca và Pfizer đều có hiệu quả cao đối với các biến thể virus phát hiện ở Ấn Độ và Anh.

Số liệu khoa học này cộng với làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng tại châu Á càng khiến nhu cầu về vắc-xin thêm cấp bách vì tiêm chủng hiện vẫn là biện pháp duy nhất có thể giúp thoát khỏi đại dịch một cách bền vững.

Trong khi đó, theo lịch sử dịch tễ thế giới, các đại dịch có quy mô toàn cầu sẽ không thể chấm dứt nếu còn một khu vực nào đó vẫn để virus hoành hành.

Do vậy việc các nước đang nắm công thức sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 phải chia sẻ hoạt động sản xuất cho các nước khác sẽ là xu hướng khó tránh khỏi, nhằm hướng tới tương lai cả thế giới có thể sớm trở lại bình thường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ