Tốc độ, nhưng phải bảo đảm hiệu quả
Cuối tháng 9/2020, Bộ Y tế cùng tổ chức PATH (tổ chức phi lợi nhuận) và Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo giới thiệu vắc-xin phòng, chống Covid-19 tại Việt Nam.
Tại đây, GS.TS Nguyễn Thanh Long - quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, nhấn mạnh: “Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các nhà sản xuất, cơ quan nghiên cứu và quốc gia đang ưu tiên, nỗ lực hết mình chạy đua trong việc nghiên cứu phát triển vắc-xin phòng Covid-19.
Nhờ đó, có thể cung ứng sớm nhất cho thị trường, góp phần trong công cuộc ngăn chặn, khống chế, kiểm soát dịch bệnh và đưa cuộc sống trở về bình thường”.
Cũng theo lãnh đạo ngành Y tế, Việt Nam - một trong 42 quốc gia có thể sản xuất vắc-xin trên thế giới, đang thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu để có vắc-xin “made in Viet Nam” cho người dân.
Bộ Y tế đã chỉ đạo các nhà sản xuất trong nước tăng cường hoạt động nghiên cứu, sản xuất vắc-xin. 4 nhà sản xuất vắc-xin Covid-19 tại Việt Nam là Viện Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC); Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) và Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Dược NANOGEN.
Các nhà sản xuất này hiện nỗ lực, tập trung các nguồn lực nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng Covid-19. Dự kiến, trong năm 2021, sẽ có ít nhất một nhà sản xuất tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II, III tại Việt Nam.
Ngoài hai nguồn cung ứng vắc-xin có thể có (COVAX Facility) và nguồn vắc-xin sản xuất trong nước, Việt Nam cũng tích cực tìm kiếm các nguồn vắc-xin khác thông qua tiếp cận, trao đổi trực tiếp với các nhà sản xuất nước ngoài.
Song song đó, Bộ Y tế cũng chuẩn bị các căn cứ pháp lý để thúc đẩy thủ tục thử nghiệm, cấp phép đăng ký lưu hành đối với vắc-xin Covid-19. Tuy nhiên, quy trình về chuyên môn, khoa học cần phải tuân thủ tuyệt đối. Nhờ đó, đạt mục tiêu vừa sớm có vắc-xin, vừa bảo đảm được chất lượng, hiệu quả.
Ngoài ra, để bảo đảm kịp thời đưa vắc-xin Covid-19 vào sử dụng, Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển và sử dụng vắc-xin Covid-19. Trong đó, mong muốn có thể sử dụng vắc-xin Covid-19 cho toàn bộ người dân Việt Nam.
Ông Vũ Minh Hương - cố vấn kỹ thuật khu vực, Trung tâm Sáng kiến và Tiếp cận Vắc-xin, Tổ chức PATH cho biết: “Tháng 7/2020, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức PATH và hỗ trợ tài chính từ chính phủ Vương quốc Anh, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo triển khai sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vắc-xin Covid-19 tại Việt Nam”.
Động thái này nhằm thống nhất về chủ trương, nguyên tắc và kế hoạch triển khai các hoạt động nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký sử dụng vắc-xin Covid-19 trong tình trạng y tế khẩn cấp.
Trung Quốc cung cấp vắc-xin công bằng
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nước này chính thức tham gia vào cuộc đua phân phối vắc-xin Covid-19. Theo dự kiến, cuối năm tới, Bắc Kinh sẽ phân phối 2 tỷ liều vắc-xin Covid-19 trên khắp thế giới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Hoa Xuân Oánh cho biết, Bắc Kinh đã ký thỏa thuận tham gia sáng kiến COVAX, nhằm bảo đảm việc phân phối công bằng vắc-xin ngừa Covid-19, đặc biệt đối với các nước đang phát triển.
“Đây là một bước quan trọng mà Trung Quốc thực hiện để duy trì khái niệm về một cộng đồng sức khỏe chung cho tất cả mọi người và tôn vinh cam kết biến vắc-xin Covid-19 thành sản phẩm phổ biến trên toàn cầu”, bà Hoa viết trên Twitter.
Ban đầu, Bắc Kinh đã bỏ lỡ thời hạn tham gia sáng kiến COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Toàn cầu về Vắc-xin và Tiêm chủng, Liên minh đổi mới chuẩn bị dịch bệnh đồng lãnh đạo. Mục tiêu của liên minh là đảm bảo phân phối vắc-xin ngừa Covid-19 đồng đều ngay khi được phát triển, tránh tình trạng độc quyền.
COVAX nhắm mục tiêu phân phối ít nhất 2 tỷ liều vắc-xin vào cuối năm 2021. Trước Trung Quốc, có 168 quốc gia và nền kinh tế tham gia COVAX. Trong đó, 92 nước có thu nhập thấp và trung bình. Mỹ và Nga vẫn chưa tham gia chương trình này.
Tham gia COVAX là một động thái được cho là “cứu vãn” hình ảnh của Bắc Kinh. Trung Quốc từng bị chỉ trích vì sự chậm trễ trong việc phản ứng với sự khởi phát của Covid-19 tại Vũ Hán.
Ngoài ra, quyết định tham gia vào nỗ lực do WHO dẫn đầu của Trung Quốc cũng nhấn mạnh sự cạnh tranh với Mỹ. Trước đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ không tham gia COVAX.
Bộ Ngoại giao cho biết, Trung Quốc sẽ mua vắc-xin thông qua chương trình COVAX cho 1% dân số nước này. Khi giới thiệu sáng kiến vào tháng 9, Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, chương trình này sẽ bảo đảm vắc-xin cho “một số người ở tất cả các quốc gia, không phải tất cả người dân ở một số quốc gia”.
Với 4 ứng cử viên vắc-xin Covid-19 đang được thử nghiệm lâm sàng, Trung Quốc là một trong những nước đi đầu trong cuộc chạy đua toàn cầu về phương pháp chữa trị Covid-19. Các cơ quan y tế nước này cho biết, vắc-xin có thể sẵn sàng sau tháng 11 hoặc tháng 12.
Vừa qua, hàng chục nghìn nhân viên tại các công ty Nhà nước, nhân viên được cử đi nước ngoài, cán bộ y tế và những người trong ngành hàng không tại Trung Quốc đã được tiêm vắc-xin thử nghiệm.
“Trung Quốc sẽ tiếp tục làm việc cùng với các đối tác của COVAX và đóng góp vào cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch, nhằm đảm bảo an toàn và sức khỏe của tất cả mọi người”, bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh.
Tính đến tháng 10, 4/10 “ứng viên” vắc-xin Covid-19 của Trung Quốc đã bước vào giai đoạn III - thử nghiệm lâm sàng trên toàn thế giới. Đây là bước thử nghiệm cuối cùng và quan trọng nhất trước khi nộp đơn xin chấp thuận lên cơ quan quản lý.
Hai trong số đó là “ứng viên” do Biotech (CNBG) phát triển. CNBG vốn là công ty trực thuộc Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) - một đơn vị của Nhà nước.
Một “ứng viên” khác là CoronaVac, được phát triển bởi hãng dược Sinovac Biotech. Vắc-xin cuối cùng trong nhóm 4 loại đang ở giai đoạn III do Viện Công nghệ sinh học Bắc Kinh liên kết với quân đội Trung Quốc và Công ty vắc-xin CanSino Biologics hợp tác phát triển.
Các chuyên gia Trung Quốc hầu hết đều thể hiện sự lạc quan và tự tin rằng, các “ứng viên” sẽ sớm cho kết quả tích cực. Hiện các đơn vị phát triển vẫn tiếp tục thu thập số liệu thử nghiệm lâm sàng diện rộng, chuẩn bị nộp đơn xin chấp thuận lưu hành từ các đơn vị liên quan.
Nga sớm cung cấp vắc-xin toàn quốc
Lô vắc-xin đầu tiên ngừa Covid-19 sản xuất tại Nga có tên Sputnik V đã được cấp phép để lưu hành dân sự. Bộ Y tế Nga cho biết, nước này dự kiến sớm cung cấp thêm nhiều lô vắc-xin tới khắp các khu vực toàn quốc.
“Lô vắc-xin Sputnik V đầu tiên để phòng ngừa Covid-19, được Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh quốc gia Gamaleya phát triển, đã vượt qua các bài kiểm tra chất lượng cần thiết trong các phòng thí nghiệm của Roszdravnadzor (cơ quan quản lý thiết bị y tế) và được đưa vào lưu hành dân sự”, Bộ Y tế Nga cho biết.
Theo Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko, trong giai đoạn này, việc tiêm chủng được ưu tiên cho nhóm dân số gặp nguy cơ cao, đặc biệt là giáo viên và y bác sĩ. Đây cũng là một phần trong nghiên cứu lâm sàng giai đoạn III của vắc-xin Sputnik V.
Sputnik V - sản phẩm nghiên cứu của Trung tâm Dịch tễ học và Vi sinh vật Gamaleya - đăng ký ngày 11/8 sau khi hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I và II. Việc Nga bỏ qua giai đoạn III gây không ít quan ngại trong giới y khoa quốc tế.
Trong quá trình thử nghiệm, thuốc đã hình thành phản ứng miễn dịch tế bào và miễn dịch dịch thể ổn định ở 100% người tham gia thử nghiệm. Vắc-xin này cũng không gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Đồng thời, mức độ kháng thể trung hòa ở những người tình nguyện được tiêm vắc-xin cao hơn 1,4 - 1,5 lần so với mức độ kháng thể ở những người từng mắc Covid-19 đã bình phục.
Các nhà phát triển vắc-xin tại Nga từng bị cáo buộc “đốt cháy giai đoạn” để đưa Sputnik V ra thị trường. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Nga đã phủ nhận cáo buộc. Mới đây, Thị trưởng Moscow Sergey Sobyanin cho biết, chương trình tiêm vắc-xin cho toàn bộ cư dân sẽ bắt đầu vào cuối 2020 hoặc đầu 2021.
Trong bài phát biểu tại kỳ họp thường niên trực tuyến của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 22/9, Tổng thống Vladimir Putin thông báo, Nga sẵn sàng hợp tác với các quốc gia khác về “loại vắc-xin đầu tiên trên thế giới - Sputnik V”. “Tôi xin nhắc lại một lần nữa rằng, chúng tôi hoàn toàn cởi mở và hoan nghênh quan hệ đối tác trong sản xuất vắc-xin Covid-19”, ông Putin nhấn mạnh.
Nhà lãnh đạo này cũng kêu gọi tiến hành một hội nghị trực tuyến với các quốc gia “quan tâm đến hợp tác sản xuất vắc-xin phòng Covid-19”. “Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và cung cấp cho các quốc gia khác một loại vắc-xin do Nga sản xuất vốn đã thể hiện độ tin cậy, an toàn và hiệu quả”, ông Putin cho hay.
Mới đây, các chuyên gia quốc tế nhận định, Mỹ sẽ khó có vắc-xin kịp cuối năm nay. Châu Âu cũng được cho là ở hoàn cảnh tương tự, bởi chưa có đủ dữ liệu kết luận tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin Covid-19 từ các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối.