Australia: Học phí trường tư leo thang chóng mặt

GD&TĐ - Học phí tại một số trường tư đắt đỏ nhất ở Sydney (thành phố lớn và nổi tiếng nhất của Australia) lần đầu tiên sẽ vượt quá 38.000 AUD (Dollar Australia) trong năm 2019, với mức tăng trung bình lên tới 4,3% so với năm 2018.

SCEGGS Darlinghurst, trường tư đắt đỏ nhất Sydney, cũng là trường đầu tiên nâng mức học phí vượt 38.000 AUD mỗi năm cho một học sinh
SCEGGS Darlinghurst, trường tư đắt đỏ nhất Sydney, cũng là trường đầu tiên nâng mức học phí vượt 38.000 AUD mỗi năm cho một học sinh

Đồng loạt tăng giá

Cột mốc cho mức tăng này là mức thu phí dự kiến của SCEGGS Darlinghurst - một trong những trường tư đắt đỏ nhất Sydney. Theo đó, phụ huynh có con học tại ngôi trường trung học dành cho nữ sinh này sẽ phải trả 38.214 AUD vào năm tới, so với năm 2018 là 37.282 AUD/học sinh, đương đương mức tăng 2,5%.

Trong sáu năm qua (tính từ năm 2013), học phí tại các trường tư thục hàng đầu ở Sydney đã tăng hơn 25%, trở thành một trong những khoản chi lớn nhất của phần lớn các gia đình trung lưu.

Tiến sĩ David Zyngier, giảng viên cao cấp về giáo dục tại Đại học Monash, cho biết học phí đã tăng với tốc độ nhanh hơn nhiều so với chi phí sinh hoạt, với chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,9% trong 12 tháng tính đến tháng 9/2018.

Tiến sĩ Zyngier lấy dẫn chứng, kể từ năm 2013 đến nay, học phí dành cho học sinh theo học hệ 12 năm tại cơ sở Sydney của hệ thống Trường Trung học King đã tăng 27,7%, từ 28.905 AUD trong năm 2013 lên 36.900 AUD dự kiến cho năm 2019. Cùng thời kỳ, tại trường St Andrew"s Cathedral, học phí đã tăng 26,6%, từ 25.665 AUD năm 2013 lên 32.480 AUD cho dự kiến năm 2019.

Các trường tư thục của những vùng lân cận (đô thị vệ tinh của Sydney) cũng công bố mức học phí tăng hơn 4% so với số liệu năm 2018; bao gồm Moriah College ở phía Đông Sydney, sẽ thu phí 34.770 AUD cho học sinh hệ 12 năm vào năm tới, tăng 4,3% so với năm 2018 (33.680 AUD). Học phí tại trường King ở Parramatta sẽ tăng gần 3,4%, từ 35.697 AUD năm 2018 lên 36.900 AUD vào năm 2019. Học phí tại Newington College cũng tăng 3,5%, từ 32.841 AUD năm 2018 lên 33.984 AUD cho năm tới.

Phí không đồng nghĩa với chất lượng

“Phụ huynh có con theo học trường tư sẽ phải chi trả tới 500.000 AUD trong suốt gian đi học của đứa trẻ - Tiến sĩ Zyngier nói - Vấn đề nằm ở chỗ học sinh trường tư không vượt trội so với học sinh trường công; nhất là khi bạn tính đến tình trạng kinh tế xã hội để chỉ ra rằng những phụ huynh này không nhận được bất kỳ sự thặng dư giá trị nào so với số tiền họ bỏ ra để đầu tư việc học cho con”.

Nhận xét của tiến sĩ Zyngier không phải là vô lý, khi biết rằng tám trong số 10 vị trí dẫn đầu trên bảng xếp hạng năm nay về Chứng chỉ Trung học (High School Certificate) của tiểu bang New South Wales (với thủ phủ là thành phố Sydney) thuộc về các trường công lập chọn lọc, hai trường còn lại là trường tư thục. Những trường tư thục có học phí đắt đỏ nhất, thậm chí còn nằm ngoài top 20. Cụ thể SCEGGS Darlinghurst được xếp hạng 25, trong khi Moriah College xếp hạng 32 và King xếp hạng 41.

Tiến sĩ Zyngier nói rằng, các trường tư thục hàng đầu đang thu phí gấp đôi số tiền cần thiết để giáo dục học sinh trung bình, theo công thức dựa trên việc thực hiện Báo cáo Gonski (báo cáo do Tiến sĩ David Gonski thực hiện với sự ủy nhiệm của Chính phủ Australia, tập trung vào sự bảo đảm chất lượng và bình đẳng giáo dục) và xác định mức tài trợ của chính quyền tiểu bang cũng như ngân sách liên bang cho tất cả các trường học.

“Đó là một ngành thương mại với sự điều tiết của tư nhân. Họ có thể tính phí cao theo sự đầu tư cũng như nhu cầu người học, nhưng họ không nên mong chờ vào các khoản tài trợ trường học nữa. Đó là tiền thuế mà những người có thu nhập trung bình cũng đóng góp vào, nhưng không bao giờ đủ khả năng cho con theo học những nơi đắt đỏ như vậy” - Tiến sĩ Zyngier nói.

Một lần nữa, Tiến sĩ Zyngier lại có lý khi chỉ ra mặt trái của các trường tư thục. Theo dữ liệu khảo sát vào năm 2016 của My School, hệ thống trường tư thục King có thu nhập ròng 46 triệu AUD, tương đương với nguồn lợi nhuận đạt 28.207 AUD trên mỗi học sinh. Điều này bao gồm 28.690 AUD cho mỗi học sinh trong các khoản phí và đóng góp, cộng với 5.398 AUD cho mỗi học sinh trong kinh phí hỗ trợ của chính quyền tiểu bang và chính phủ liên bang.

Một so sánh để làm nổi bật hơn sự chênh lệch lợi nhuận này: Trường công Cumberland High cũng nằm ngay trung tâm Sydney, có thu nhập ròng 9,6 triệu AUD trong năm 2016, tương đương 14.831 AUD mỗi học sinh; bao gồm 1.263 AUD cho mỗi học sinh về phí và đóng góp, cộng thêm 13.541 AUD tiền tài trợ của chính phủ.

Biện hộ của các trường tư

Phụ huynh có con đang theo học hệ 12 năm hiện chi trả cho mức học phí trung bình hơn 37.000 AUD mỗi năm học tại một số trường tư thục hàng đầu của Sydney. Nhưng, nói như Tiến sĩ Zyngier, liệu số tiền bỏ ra có tương xứng với chất lượng giáo dục được mang lại cho đứa trẻ? Các trường tư lấy căn cứ gì để tăng học phí chóng mặt, nếu không vì chạy theo lợi nhuận?

Cranbrook là một trong số ít trường tư hàng đầu của Sydney hiện vẫn chưa công bố mức phí cho năm 2019, nhưng đây là một trong những trường có mức thu học phí trung bình cao nhất trong năm 2018, với 37.230 AUD cho mỗi học sinh. Trước băn khoăn của phụ huynh về mức thu trong năm tới, lãnh đạo trường cho biết, sẽ có một “mức tăng khiêm tốn”, nhưng chỉ được công bố vào đầu năm.

“Học phí sẽ hỗ trợ chúng tôi duy trì, cải thiện các cơ sở trường học và các chương trình giáo dục cho học sinh” - ông Nicholas Sampson, Hiệu trưởng Trường Cranbrook nói trong một tuyên bố. Ông cho biết học phí cũng sẽ giúp tài trợ cho việc tái phát triển hệ thống cơ sở vật chất của trường, bao gồm việc lắp đặt một bể bơi mới có kích cỡ và tiêu chuẩn Olympic, sân bóng rổ trong nhà và bãi đậu xe ngầm.

“Các bậc cha mẹ cho con theo học tại Cranbrook, đồng nghĩa với việc họ lựa chọn đầu tư vào cơ hội phát triển toàn diện cho con mình, từ trí tuệ, thể chất đến các năng khiếu khác, ngoài những kiến thức mà giáo viên của chúng tôi mang lại trong các lớp học cho trẻ” - ông Sampson khẳng định.

Theo smh.com.au

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Câu trả lời rõ ràng

GD&TĐ - Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sẽ thay thế tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị...
Rút ngắn kỳ nghỉ hè có thể cải thiện năng suất học tập của học sinh.

Đề xuất rút ngắn kỳ nghỉ hè tại Anh

GD&TĐ - Quỹ từ thiện Nuffield, Anh, đề xuất nước này nên rút ngắn kỳ nghỉ hè từ 6 tuần xuống 4 tuần còn thời gian nghỉ giữa các học kỳ kéo dài 1 - 2 tuần.
Đồng bào các dân tộc xem triển lãm ảnh Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tháng 5 'Theo dấu chân Người'

GD&TĐ - Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) trong tháng 5/2024 sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề 'Theo dấu chân Người'.