Afghanistan: Giáo dục đang làm thay đổi xã hội

Theo kết quả khảo sát của các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, tại những khu vực kém phát triển nhất ở Afghanistan, thái độ đối với GD và hôn nhân trẻ em dường như đã thay đổi rõ rệt, kể từ khi chính quyền Taliban bị lật đổ vào năm 2002.

Một lớp học dành riêng cho nữ sinh ở Afghanistan, một điều gần như không tưởng dưới thời Taliban
Một lớp học dành riêng cho nữ sinh ở Afghanistan, một điều gần như không tưởng dưới thời Taliban

Định hình lại những giá trị xã hội

Nghiên cứu được công bố trực tuyến vào tháng trước, thông qua tạp chí Sức khỏe vị thành niên của Mỹ, bao gồm các cuộc phỏng vấn với gần 1.400 người Afghanistan ở độ tuổi 12 - 15 và cha mẹ của họ, trải đều ở các huyện nông thôn tương đối nghèo của đất nước. Các câu trả lời cho thấy rằng chỉ trong một thế hệ, bỏ học sớm và tảo hôn đã trở thành những lựa chọn ít được đánh giá cao. Phần lớn người được hỏi ở tuổi vị thành niên đều chưa lập gia đình và khoảng 75% vẫn còn đi học; trái ngược với cha mẹ của họ, những người thường kết hôn ở tuổi thiếu niên và ít được đi học đến nơi đến chốn.

“Nghiên cứu được thực hiện ở một số tỉnh có hoàn cảnh GD và xã hội khó khăn nhất ở Afghanistan, nhưng chúng tôi thấy rằng đã có những thay đổi tích cực đáng kể về thái độ giữa các bé trai - bé gái và cha mẹ của chúng” - Giáo sư Robert Blum, nhà nghiên cứu cao cấp của Bộ Dân số, Gia đình và Sức khỏe Sinh sản, đồng thời là Giám đốc của Viện Sức khỏe Đô thị Johns Hopkins (Mỹ), cho biết.

Vào thời điểm chế độ Taliban bị lật đổ năm 2002, tảo hôn và hạn chế GD chính quy rất phổ biến ở vùng nông thôn Afghanistan. Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc ước tính trình độ học vấn trung bình ở quốc gia Trung Á này chỉ là 6,5 năm học. Trẻ em gái không được khuyến khích tới trường và thường phải kết hôn từ rất sớm.

Sự sụp đổ của Taliban cho phép những ảnh hưởng của xã hội văn minh tràn vào Afghanistan, từ truyền hình và Internet đến các tổ chức phi chính phủ toàn cầu. Giáo sư Blum và các đồng nghiệp đã thực hiện nghiên cứu để có được bức tranh rõ hơn về cách mà thái độ văn hóa đã được định hình lại ở những nơi kém phát triển nhất của đất nước, đặc biệt là liên quan đến GD và hôn nhân trẻ em.

Phục hồi vị thế của GD

Các cuộc khảo sát phục vụ cho nghiên cứu được thực hiện bởi những nhóm nghiên cứu xã hội Afghanistan có kinh nghiệm ở Kandahar và năm tỉnh nông thôn khác. Các nhà nghiên cứu phải đối mặt với khá nhiều hiểm nguy, trong đó có ít nhất hai lần, lực lượng Taliban tại tỉnh Badghis đã tìm cách bắt cóc họ.

Kết quả của khảo sát cho thấy một sự thay đổi rõ rệt đang diễn ra ở những vùng khó khăn nhất. Hầu hết giới trẻ (cả nam và nữ) đều coi trọng giá trị của GD, đặc biệt là GD cho trẻ em nữ. Các bậc cha mẹ, dù phần lớn không được học hành đầy đủ (66% nam giới, 93% nữ giới), nhưng hầu hết đều bày tỏ mong muốn các con của họ được học hành, ít nhất học xong trung học.

Đối với hôn nhân trẻ em, khoảng 38% bậc cha mẹ chỉ ra rằng con gái nên hoãn hôn nhân cho đến sau khi học trung học; trong khi khoảng 32% trả lời rằng, họ sẽ ủng hộ hôn nhân sớm của con. Những người cha có thiên hướng ủng hộ kết hôn muộn hơn (51%) so với các bà mẹ (28%). Dù có sự chênh lệch, nhưng nhìn chung thái độ của các bậc cha mẹ đang cho thấy một sự thay đổi lớn so với thời điểm mà bản thân họ kết hôn khá sớm, khi trung bình ở nữ giới là 16, nam giới là 20.

Bản thân các chàng trai, cô gái hiện cũng không muốn kết hôn sớm, nhất là với các cô gái. Họ nhận thức rằng, điều đó sẽ làm hạn chế cơ hội học tập và gia tăng nguy cơ bạo lực gia đình. “Hành vi có xu hướng thay đổi chậm hơn thái độ, nhưng thái độ là tiền đề cho sự thay đổi của hành vi. Tôi nghĩ có rất nhiều câu chuyện đã diễn ra để truyền cảm hứng lạc quan cho giới trẻ Afghanistan hiện nay”, Giáo sư Blum nói.

Rào cản của tư duy...… bạo lực

Dẫu vậy, cũng có một số kết quả kém tích cực đã được tìm thấy trong kết luận của một nhánh khảo sát trong nhóm nghiên cứu, đó là thái độ đối với bạo lực giữa các cá nhân, trong một chừng mực nào đó đã ngấm sâu vào văn hóa của người dân.

Mặc dù phần lớn thanh thiếu niên được phỏng vấn và cha mẹ của họ chỉ ra rằng những hành vi bạo lực là không thể chấp nhận được, khi những hành vi này được các nhà nghiên cứu liệt kê một cách đơn giản. Thế nhưng, với từng trường hợp cụ thể được đề cập (mô tả kỹ lưỡng), những người được hỏi lại có thiên hướng coi việc phát sinh bạo lực là hợp lý. Chẳng hạn, khoảng 71% thanh thiếu niên (cả nam lẫn nữ) cho rằng chồng có thể đánh vợ mình nếu cô ấy đi ra ngoài mà không được phép, hoặc từ chối quan hệ tình dục với anh ấy. Trong khi đó, chỉ có 48% tán thành việc vợ có thể đánh chồng, dù với bất cứ lý do gì.

Một lần nữa, câu trả lời của phụ huynh rất đồng thuận với con cái của họ: Khoảng 68% đồng ý, trong đó ít nhất một trường hợp, rằng chồng có thể đánh vợ; hầu hết cũng chấp nhận việc cha mẹ đánh con cái (71%) và giáo viên đánh HS (58%). Điều ngạc nhiên là, chính những người phụ nữ lại tìm ra nhiều lý do hơn so với cánh đàn ông để biện minh cho việc chồng có thể đánh vợ (75% so với 59%); trong khi cánh nam giới lại sẵn sàng thông cảm hơn so với phụ nữ về lý do mà vợ có thể đánh chồng (44% so với 35%).

Đối với các nhà nghiên cứu, những phát hiện trên cho thấy nhu cầu tiếp tục thúc đẩy các chương trình GD bắt đầu từ thời thơ ấu, để khiến người Afghanistan bớt thỏa hiệp với bạo lực giữa các cá nhân và dần giảm thiểu nó. Điều ấy, có lẽ sẽ cần một khoảng thời gian rất dài và nếu chỉ một mình GD thì rất khó có thể đạt được.

Theo Hub.jhu.edu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...