“Ngôi nhà Hy vọng” ở Philippines: Trung tâm giáo dưỡng hay “địa ngục” tuổi thơ?

GD&TĐ - Jerry (11 tuổi) bị gửi tới một trung tâm giáo dưỡng mang tên “Ngôi nhà Hy vọng”, sau khi cố gắng chạy trốn khỏi bạo lực từ chính ngôi nhà của mình. Tuy nhiên, trái với tên gọi tràn đầy ước mơ của các cơ sở này, nhiều người khẳng định, “Ngôi nhà Hy vọng” thực chất là “địa ngục trần gian” - nơi trẻ em bị đối xử một cách tồi tệ.

Các em nhỏ phải sống trong điều kiện thiếu thốn và thường xuyên chịu bạo hành
Các em nhỏ phải sống trong điều kiện thiếu thốn và thường xuyên chịu bạo hành

“Không phải nơi giáo dưỡng”

Chia sẻ với truyền thông về những ngày đầu ở trung tâm giáo dưỡng, Jerrry hồi tưởng lại đêm mà em bị kéo khỏi giường, bị ép vào phòng tắm và chịu bạo hành từ những nam thiếu niên lớn hơn trong phòng: “Em cảm thấy vô cùng tồi tệ khi phải tới nơi này. Đây là lần đầu tiên điều đó xảy ra với em”.

Hy vọng sẽ thoát khỏi những đòn roi bạo lực từ chính người cha của mình, Jerry đã trốn khỏi nơi được gọi là “nhà” và chấp nhận trở thành người vô gia cư, ngủ trên các góc phố. Đáng buồn thay, hoàn cảnh hiện tại của Jerry thậm chí còn tồi tệ hơn trước đó. “Em không thể quên được việc bị lạm dụng tình dục”, cậu bé 11 tuổi cho biết. Theo luật hiện hành, “Ngôi nhà Hy vọng” là trung tâm giáo dưỡng dành cho những phạm nhân từ 15 – 18 tuổi. Tuy nhiên, các tổ chức từ thiện khẳng định, rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ dưới 15 tuổi như Jerry bị đưa đến nơi này, kể cả khi các em chỉ phạm lỗi nhẹ.

Trước tình trạng này, bà Melanie Ramos tại Mạng lưới Quyền trẻ em Philippines, cho biết: “Khả năng cao là các trường hợp bị lạm dụng tình dục sẽ xảy ra thường xuyên ở những cơ sở giáo dưỡng này. “Ngôi nhà Hy vọng” không hề được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ và thiếu nguồn lực trầm trọng”. Ngoài ra, bà Melanie khẳng định, nhà tù hay trung tâm giáo dưỡng không phải là những nơi dành cho trẻ em.

Nhà hoạt động vì quyền trẻ em tại Quỹ Bahay Tuluyan, bà Louise Suamen nhận định, việc để những em nhỏ ở cùng thanh thiếu niên lớn hơn trong trung tâm giáo dưỡng sẽ có thể tạo ra một “trường học của tội phạm”. “Nếu bạn là một đứa trẻ phải sống trong môi trường này, chắc chắn bạn sẽ chịu ảnh hưởng xấu từ hành vi bạo lực hoặc lạm dụng”, bà Suamen giải thích.

Các chuyên gia tại Philippines nhận định, điều kiện sống tại nhiều cơ sở của “Ngôi nhà Hy vọng” giống hoặc thậm chí còn tồi tệ hơn các nhà tù dành cho người lớn. “Trẻ em bị giam tại những nơi được gọi là “Ngôi nhà Hy vọng”, nhưng lại bị đối xử như những con thú trong chuồng”, ông Shay Cullen, người giúp đỡ những cậu bé như Jerry và là Chủ tịch của Tổ chức PREDA bức xúc cho biết. Ngoài ra, vị Chủ tịch này nhấn mạnh, đó là những “địa ngục trần gian” chứ không phải là nơi dành cho con người.

Theo hãng tin AFP, có tới 5 em nhỏ bị đưa tới những cơ sở giáo dưỡng tại Philippines cho biết đều bị lạm dụng tình dục. Nam thiếu niên Justin bị giam tại một trung tâm của “Ngôi nhà Hy vọng” tại Manila vào năm 2017, khi mới chỉ 17 tuổi. Justin tiết lộ đã bị những nam thanh niên khác đánh đập với lý do cậu không chấp hành quy định chung trong phòng.

“Họ đấm vào ngực, bụng và đôi khi là cằm em. Mỗi lần như vậy thật đau đớn. Sau những lần đó, em đã học được cách tàn nhẫn hơn và muốn trả thù vì những gì đã phải chịu đựng”, Justin cho biết.

Theo thống kê, có 55 “Ngôi nhà Hy vọng” trên khắp

Philippines do chính phủ quản lý. Tuy nhiên, theo ước tính, nước này cần tới 114 trung tâm giáo dưỡng dành cho trẻ em và thanh thiếu niên phạm tội trên toàn quốc. Ngoài ra, dữ liệu chính thức cho thấy, chỉ có 8/55 cơ sở này tuân thủ các quy tắc phúc lợi xã hội, bao gồm: Cứ 25 trẻ em sẽ được quản lý bởi một nhân viên xã hội, mỗi trẻ sẽ được một giường cùng với các bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, cũng như quần áo, đồ dùng cá nhân và các chương trình phục hồi nhân phẩm.

Bà Tricia Oco, Giám đốc điều hành của Hội đồng Tư pháp và Phúc lợi Trẻ vị thành niên, khẳng định: “Một vài cơ sở của “Ngôi nhà Hy vọng” thậm chí còn tồi tệ hơn cả nhà tù và không hề có bất cứ một chương trình giáo dục nào”.

Mong ước xây dựng trung tâm giáo dưỡng lớn hơn

Tristan (15 tuổi) chia sẻ, bản thân từng cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm khi được chuyển từ một nhà tù dành cho người lớn đến “Ngôi nhà Hy vọng” ở Manila. “Em nghĩ đó sẽ là một ngôi nhà. Nhưng sự thật là, đó cũng là nhà tù - nhà tù dành cho trẻ em”, Tristan nói.

Bộ Phúc lợi và Phát triển Xã hội Philippines tuyên bố không giám sát việc các em nhỏ có bị lạm dụng ở trung tâm giáo dưỡng hay không; đồng thời khẳng định, các tổ chức không đáp ứng tiêu chuẩn sẽ phải “chịu trách nhiệm”.

Năm 2006, Philippines ra quyết định nâng tuổi chịu trách nhiệm hình sự từ 9 lên15 - một động thái được ca ngợi là bước tiến nhân đạo. Tuy nhiên, mới đây, chính phủ nước này đã đề xuất dự luật giảm tuổi chịu trách nhiệm hình sự từ 15 xuống 12 và gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Nhiều nhà ủng hộ nhân quyền nhận định, lỗ hổng trong hệ thống của các trung tâm giáo dưỡng tại Philippines chủ yếu xuất phát từ việc thiếu kinh phí, thiếu nhân lực và sự giám sát lỏng lẻo từ chính phủ. Theo bà Rowena Legaspi, Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển và Quyền pháp lý Trẻ em cho biết: “Trên thực tế, việc giam giữ trở thành biện pháp đầu tiên được nghĩ tới”.

Luật hiện hành của Philippines cho phép địa phương quản lý các trung tâm giáo dưỡng dưới sự giám sát của chính phủ. Tuy nhiên, theo ông Jay Mark Chico, người đứng đầu một trung tâm ở phía Bắc tỉnh Bulacan, cho biết “Ngôi nhà Hy vọng” nơi đây đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn khi thiếu nguồn lực trầm trọng. Ông Chico chia sẻ, trung tâm được xây dựng để dành cho tối đa 60 trẻ em, nhưng hiện nay, số thanh thiếu niên bị đưa vào đây đã lên tới 144. Vì vậy, không ít em thường xuyên phải ngủ trên sàn nhà.

Trả lời truyền thông, ông Chico tiết lộ đang nỗ lực kêu gọi chính phủ tăng mức ngân sách dành cho mỗi trẻ tại các trung tâm để có thể xây dựng một trung tâm lớn hơn, nhằm giải quyết tình trạng quá tải.

Theo AFP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.