Mô hình đặc biệt
Theo các học giả của cuốn sách mang tên “Những vấn đề quan trọng tại các trường học trong rừng” sẽ được xuất bản vào tháng tới, nhiều ngôi trường thực chất không phải là một trường học trong rừng, nhưng lại tự phong cho mình danh xưng đó.
Trường học trong rừng được phổ cập ở Vương quốc Anh khoảng 25 năm trước và đã được nhiều người biết đến trong thập kỷ qua. Đây được coi là sự thử nghiệm trong GD và là một phần thay thế cho chương trình giảng dạy chính. Nhiều người cho rằng, cách thức GD mới này là một hình thức giúp trẻ em được học tập ở môi trường ngoài trời, tiếp xúc với thiên nhiên và tránh xa các thiết bị công nghệ.
Khái niệm trường học trong rừng được kế thừa từ các chương trình học của trường mẫu giáo ngoài trời ở khu vực Bắc Âu và được đưa vào Anh theo một cách tiếp cận khác trong việc dạy và học. Theo đó, HS sẽ được học ở ngoài trời, thường là các khu vực nhiều cây. Ngoài ra, các bài học này sẽ biến người học thành trung tâm chính, bằng cách dựa trên nhiều trò chơi khác nhau.
Tuy nhiên, không ít trường học trong rừng ở bậc nhà trẻ và tiểu học tại Anh đang sử dụng mô hình dạy học này như một công cụ tiếp thị, khiến các bậc cha mẹ thường hiểu lầm do thuật ngữ này đang được sử dụng rộng rãi để mô tả các hoạt động ngoài trời nói chung.
Các tác giả của cuốn sách “Những vấn đề quan trọng tại các trường học trong rừng” cho biết đã tham gia vào các mô hình GD như vậy; đồng thời, nhận định ý tưởng đặc biệt này nên là gúp trẻ được khám phá và học hỏi trong cả một quá trình dài, giúp HS tham gia vào các hoạt động có ý nghĩa và đầy thách thức. Tuy nhiên, những hoạt động này sẽ kéo theo một số rủi ro, chẳng hạn như khi trẻ được học cách đánh lửa, hoặc sử dụng dao.
Ông Mark Sackville-Ford, giảng viên ĐH Manchester Metropolitan (MMU), cho biết, việc trẻ có những hoạt động ở ao hồ hoặc tìm hiểu về người Viking cũng sẽ không biến cơ sở GD đó trở thành trường học rừng. “Trường học trong rừng cho phép HS được tự do khám phá, thỏa mãn trí tò mò của mình. Các hoạt động này như một liều thuốc giải độc cho những bài kiểm tra và điểm số”, ông Sackville-Ford khẳng định.
Mục đích chưa đúng đắn
Theo quan điểm của các tác giả trong cuốn sách nói trên, bản chất của trường học trong rừng là phải mang lại cả một quá trình dài đầy thách thức cho HS. Elizabeth Irvin, Hiệu trưởng Trường Tiểu học trong rừng St Mary (Stockport) và là đồng tác giả cuốn sách nhận định, không phải tất cả các trường học trong rừng đều xuất hiện với những mục đích đúng đắn.
“Nhận xét buồn nhất mà tôi từng được nghe là khi một hiệu trưởng đã nói: Tôi không thể không xây dựng trường học trong rừng, bởi mọi trường học khác xung quanh tôi đều làm điều đó và có vẻ mang lại hiệu ứng tốt trên trang web trường”. Tại St Mary, các nguyên tắc của trường học trong rừng được áp dụng riêng đối với từng độ tuổi HS.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã được thành lập để đào tạo và cung cấp “trải nghiệm tại trường học trong rừng”; đồng thời, khẳng định sẽ mang lại sự tự tin và giúp trẻ có một lối sống lành mạnh hơn. Thậm chí, ngay cả những công ty bán các sản phẩm như ủng cao su hay đồ chống thấm nước cũng chạy theo xu hướng này. Một công ty trong số đó đã tuyên bố rằng, tất cả những gì họ cần làm để trở thành một trường học trong rừng “chỉ đơn giản là cho trẻ học ở môi trường ngoài trời”.
Mel McCree, một giảng viên về ngành GD mầm non tại Trường ĐH Bath Spa, đã đưa ra các thuật ngữ phân loại trường học theo mô hình đặc biệt này: “Trường học trong rừng hoàn toàn” - những cơ sở GD thực sự mang tới cho HS chương trình học trong rừng; “Hình thái trường học trong rừng” - những tổ chức GD cố gắng thực hiện mô hình này nhưng không thành công và “Trường học trong rừng xa hơn nữa” - những trường học trong rừng chỉ dừng lại ờ cái tên.
Các cơ sở GD đang chịu áp lực không nhỏ cả về ngân sách và phương thức vận hành để mang lại “trường học trong rừng”. Cũng theo McCree nhận định: “Trong môi trường khí hậu như vậy, không có gì lạ khi nhiều trường đang trở thành “hình thái trường học trong rừng” - một phần của kế hoạch tiếp thị, cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.
Trong khi đó, Hiệp hội Trường học trong rừng (FSA) - cơ quan chuyên môn ở Anh, khuyến khích các cơ sở GD nên dựa trên 6 nguyên tắc cơ bản. Theo ông Gareth Wyn Davies, Giám đốc điều hành FSA, những lãnh đạo trường học trong rừng đều được đào tạo chuyên nghiệp và bài bản.
Tuy nhiên, do nhiều trường không có đủ tài chính, hoặc không muốn đầu tư nhiều thời gian, họ không hề có những người chuyên nghiệp như vậy để dẫn dắt và đưa ra định hướng. “Mô hình học này tập trung vào việc kích thích trí tò mò ở trẻ, thay vì buộc chúng hoàn thành các nhiệm vụ do giáo viên đặt ra. HS được học thông qua việc chơi và khám phá, cùng hợp tác với nhau và chấp nhận rủi ro khi phải trèo cây và sử dụng dao”, vị giám đốc nói thêm.
Tuy nhiên, trái ngược với những lợi ích của trường học trong rừng mà nhiều người vẫn đề cập, chưa có kết quả nghiên cứu chính thức nào cho thấy điều đó. Ông Mark Leather, giảng viên về GD ngoài trời tại ĐH St Mark và St John (Plymouth), đã thực hiện một nghiên cứu về trường học trong rừng và đưa ra báo cáo, khẳng định không tìm thấy bằng chứng đáng tin cậy nào cho thấy HS sẽ tự tin hơn trong môi trường học tập này.