Họ nổi lên ở vùng đất nên thơ Occitania của Pháp, không bị ràng buộc bởi bất cứ chuẩn mực sáng tác và biểu diễn nào, sau đó lan rộng ra cả châu lục và đặc biệt có không ít người là phụ nữ.
Lưu động và sôi nổi
Gốc gác cũng như thời điểm bắt đầu của nghề hát rong ở châu Âu rất khó xác định. Chỉ biết, từ thế kỷ 11, họ được tư liệu lịch sử ghi lại. Du ca đầu tiên nhiều khả năng là Guilhèm de Peitieus (1071 – 1127, Pháp). Ông lấy cảm hứng sáng tác từ âm nhạc và thi ca Ả Rập cũng như châu Phi, viết lời nhiều bài hát và tự mình biểu diễn trên đường mỗi khi có hứng thú.
Trong khi ở các châu lục khác, du ca thường xuất thân từ tầng lớp bình dân thì ở châu Âu, những du ca đầu tiên đều xuất thân từ tầng lớp quý tộc. Trong trường hợp Peitieus, bản thân ông vốn là Công tước xứ Aquitaine, thậm chí còn là một trong các nhà lãnh đạo của cuộc Thập tự chinh năm 1101.
Tuy nhiên, càng về sau, xuất thân của du ca càng đa dạng, trong đó có nhiều người là “hiệp sĩ nghèo”. Họ là những nam giới trẻ trung, đầy hoài bão nhưng lại khó có thể biến ước mơ trở thành hiệp sĩ thành sự thật vì hoàn cảnh túng bấn, nên đã xem thi ca và biểu diễn như cứu cánh để bày tỏ nỗi khát khao.
Phương tiện để làm du ca rất đơn giản, chỉ bao gồm tâm hồn say mê sáng tác, biểu diễn và một nhạc cụ là đàn luýt hoặc chiếc lục lạc. Trong khi các nhạc sĩ, ca vũ hoàng cung bị ràng buộc bởi vô số quy định thì các du ca hoàn toàn tự do. Họ có thể sáng tác bất cứ câu thơ, lời nhạc nào như ý thích và cất lên thành tiếng hát. Chỉ trong khoảng 40 năm, từ năm 1180 - 1220, hơn 2.500 tác phẩm du ca đã được tạo ra.
Người ta tin rằng, nơi khởi nguồn của nghề hát rong là miền Tây Aquitaine, Pháp. Từ đây, nó lan sang Gascony và tiếp đó là miền Đông Aquitaine, Provence. Bước sang thế kỷ XIII, gần như toàn bộ nước Pháp là nhà của du ca.
Hầu hết các du ca đều là người biểu diễn lưu động. Trong khi những du ca quý tộc như Peitieus chỉ hát rong cho vui thì các du ca hiệp sĩ nghèo hát vì miếng cơm manh áo. Họ kỳ vọng tài năng của mình được công nhận và bảo trợ, nên mới đi hết nơi này đến nơi khác, tích cực sáng tác và biểu diễn.
Nhiều du ca trung cổ là phụ nữ và họ đóng vai trò những nhà soạn nhạc nữ đầu tiên của thế giới phương Tây. Ảnh: Ancient-origins.net |
Lan tỏa và không phân biệt giới tính
Thế kỷ XIII, du ca bước vào thời kỳ thịnh vượng nhất. Tại Pháp, tầng lớp quý tộc ganh đua nhau phát hiện và chiêu đãi du ca xuất sắc. Lẽ dĩ nhiên, trào lưu này khiến nghề hát rong bùng nổ cả về số lượng du ca lẫn nhạc phẩm.
Càng lúc, khán giả của du ca càng đông đảo, trong đó có cả người nước ngoài. Một số du ca liền mạo hiểm vượt biên biểu diễn, tìm kiếm nguồn và nhà tài trợ ngoại quốc. Nhờ họ mà chẳng bao lâu, nghề hát rong đã từ Pháp lan sang Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…
Vì tự phát và lan truyền dưới dạng biểu diễn, thi phẩm và nhạc phẩm du ca bị thất thoát theo thời gian khá nhiều. Điều này khiến các nghệ sĩ hát rong như Raimon Vidal người Catalan, Uc Faidit người Query… cảm thấy nuối tiếc và nỗ lực sưu tập.
Các tuyển tập du ca ra đời, được gọi bằng cái tên chung là Chansonnier. Đáng tiếc, sự xuất hiện của Chansonnier lại mang đến một kiểu “du ca đạo nhái” gây khó chịu, những kẻ không sáng tác mà chỉ hát lại bài của người khác, khiến các du ca chân chính vô cùng bức xúc.
Mặc dù không áp đặt quy tắc sáng tác, nhưng du ca vẫn hình thành một thể loại tình ca đặc trưng là Canso. Nó tiêu biểu bởi cấu trúc 3 khổ, bao gồm khổ mở đầu (giới thiệu nội dung), khổ chính (kể diễn biến câu chuyện) và khổ kết. Mỗi khổ thơ đều có yêu cầu về vần điệu riêng và giữa các khổ thơ cũng phải được kết nối nhịp nhàng bằng vần điệu.
Chủ đề thường thấy ở Canso là câu chuyện tình yêu, phổ biến nhất là chuyện lãng mạn giữa công chúa và hiệp sĩ. Du ca giỏi Canso nhất có lẽ là Bernart de Ventadorn (1135 - 1194, Pháp). Ông được ca ngợi là bậc thầy tình ca, nhà soạn nhạc vĩ đại nhất trong lịch sử và chuyên gia viết lời tình yêu.
Ngay cả khi đã lan truyền sang các nước khác, Canso vẫn không đánh mất chuẩn mực. Các du ca không phải người Pháp vẫn nỗ lực áp dụng cấu trúc 3 khổ và quy tắc vần điệu vào sáng tác tình ca bằng tiếng mẹ đẻ, bất chấp điều này gây cho họ rất nhiều khó khăn.
Thời kỳ huy hoàng của du ca kéo dài hết thế kỷ XIII, vắt sang cả nửa đầu thế kỷ XIV. Đang trong lúc phát triển thịnh vượng, nó đột ngột bị đốn ngang bởi Chiến tranh Trăm năm (1337 - 1453) và Đại dịch Hạch (giữa thế kỷ XIV), vì chiến tranh và đại dịch khiến hệ thống bảo trợ bị sụp đổ. Không còn sự tài trợ, các du ca lần lượt phải từ bỏ đam mê nghệ thuật, tìm kiếm sinh kế mới.
Cùng lúc, các hình thức văn học và phong trào văn hóa nghệ thuật khác cũng lũ lượt khai sinh. Trong đó, có Phong trào Ars Nova với phong cách âm nhạc mới vô cùng cuốn hút. Các khán giả mê cuồng Ars Nova và đánh giá “nhạc hát rong đã lỗi thời”. Cuối thế kỷ XV, châu Âu gần như không còn du ca nào nữa.
Bất chấp việc bị thời đại xóa sổ và lòng người hâm mộ lãng quên, du ca vẫn tồn tại và ảnh hưởng đến thế giới nghệ thuật mới dưới nhiều hình thức. Nó là gốc của thơ và nhạc, chỉ đơn giản là đã đổi sang bộ mặt khác cho phù hợp với thị hiếu của người thưởng thức.
Trong lịch sử 5 thế kỷ của du ca, có khoảng 450 tên tuổi người hát rong được ghi lại. Ngoài du ca quý tộc và du ca hiệp sĩ nghèo, nhóm nghệ sĩ này còn có du ca nông dân, du ca thương nhân, du ca giáo sĩ… và đặc biệt còn có nữ du ca. Họ được gọi là Trobairitz và đây là những nhà soạn nhạc nữ đầu tiên của phương Tây.
Tên tuổi Trobairitz được biết đến nhiều nhất là Contessa de Dia (1140 - 1212, Pháp). Nhạc của bà Dia nổi bật với lời hát chứa đầy sự lạc quan, tự tin, ca ngợi tình yêu và lòng vị tha, nhưng chỉ còn giữ lại được 5 bài.