Thế giới làm gì để hạn chế tai nạn hàng không do chim chóc?

Bắn tia lazer, đặt bẫy, trồng cỏ, trồng hoa, nuôi chó... những phương pháp được nhiều sân bay trên thế giới sử dụng để giảm thiểu sự cố do va chạm chim

Thế giới làm gì để hạn chế tai nạn hàng không do chim chóc?
The gioi lam gi de han che tai nan hang khong do chim choc? - Anh 1

Chim chóc gây nhiều vụ tai nạn thương tâm cho ngành hàng không.

Đối với ngành hàng không, việc các vật thể lạ xâm nhập đường băng sân bay mang lại uy hiếp không hề nhỏ đến an toàn hàng không, trong đó đáng kể nhất phải kể đến các sự cố liên quan đến chim chóc.

Theo số liệu của Cục Hàng không Liên bang Hoa kỳ (FAA), mỗi năm trên toàn thế giới xảy ra đến 10.000 vụ tại nạn hàng không có liên quan đến va chạm với chim, gây thiệt hại lên tới 1,2 tỷ USD cho việc sửa chữa và chi phí chậm trễ chuyến bay.

Ở Việt Nam, từ năm 2014 – 2016 có 156 vụ vật thể lạ, chim, động vật hoang dã xâm nhập đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất; riêng năm 2016, có tới 20 sự cố xảy ra do chim và máy bay bị cắt lốp.

Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam tái đề xuất Bộ GTVT phê duyệt Dự án hệ thống phát hiện vật thể lạ với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỉ đồng. Theo đó, hệ thống này có tính năng tự động phát hiện và loại bỏ các vật thể lạ một cách chính xác mà không ảnh hưởng đến hoạt động của sân bay.

Trước đề xuất trên, các quốc gia trên thế giới đã triển khai nhiều phương pháp khác nhau để "đuổi chim" trên đường băng; trong đó, nhiều sân bay bỏ ra khoản tiền không hề nhỏ vào phương tiện khoa học kỹ thuật, còn nhiều nơi lại chọn cách thức đơn giản và rẻ tiền hơn.

Mua súng bắn tia laser trị giá 8.000 bảng Anh

Theo tờ Daily Mail, vào nửa đầu năm 2015, Sân bay Dundee (Scotland) đã chi số tiền lớn để mua súng bắn tia laser, gọi là Aerolaser, để đuổi chim tại các đường băng của sân bay. Theo đó, một khẩu Aerolaser có giá lên đến 8.000 bảng Anh (hơn 12.000 USD) vào thời điểm đó.

Các chuyên gia phân tích, loại súng này có thể bắn tia laser dài tới gần 2 km, mà không gây tiếng ồn như súng bắn đạn thường được dùng trước đó. Bên cạnh đó, súng bắn tia laser được sử dụng từ khoảng cách xa, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đồng thời không gây tổn hại cho loài chim, đảm bảo tính nhân đạo.

Chi 9,1 triệu USD để giết chim

Năm 2016, chính quyền thành phố New York, Mỹ, ký bản hợp đồng 5 năm, có giá trị 9,1 triệu USD, với Sở Nông nghiệp Mỹ để yêu cầu họ khảo sát, quản lý và nghiên cứu các động vật hoang dã tại sân bay.

Theo JFK, để phục vụ cho chương trình này, một người đàn ông với khẩu súng ngắn 12- gauge trong tay đã trực tiếp tiêu diệt các loài chim trong suốt khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng10.

Tờ The Guardian đưa tin ngày 14/1/2017 tiết lộ, gần 70.000 con mòng biển, chim sáo đá, ngỗng trời và các loài chim khác đã bị tàn sát, hầu hết bằng cách bắn hạ và đặt bẫy.

Trồng cỏ, trồng hoa

Năm 2014, lãnh đạo Sân bay quốc tế Dayton, tiểu bang Ohio, Mỹ, lên kế hoạch trồng 108 ha giống cỏ cao lớn, rậm rạp trên những vùng đất trống quanh đường băng.

Theo Dayton Daily News, mục đích của việc trồng cỏ bên cạnh bù đắp lượng khí thải carbon do máy bay thải ra, vừa giảm thiểu số vụ va chạm do chim chóc tại sân bay. Được biết, những loài chim lớn như ngỗng, mòng biển thường tránh xa các cánh đồng cỏ cao. Bên cạnh đó, phương pháp này sẽ giúp sân bay giảm thiểu chi phí tới mức tối đa.

Trước đó khoảng 10 năm, Sân bay Schiphol của Amsterdam (Hà Lan) áp dụng phương pháp trồng hoa tulip và thủy tiên vàng để đuổi chim, đồng thời tạo mỹ quan cho sân bay.

Người phát ngôn của sân bay cho biết, hai loài hoa này sẽ hạn chế loài gặm nhấm và động vật có cánh bay qua khu vực có trồng hoa.

Bắn pháo sáng

Trước khi tia laser được ưa chuộng, pháo sáng hay pháo hoa là phương pháp đuổi chim chủ yếu tại sân bay.

Michael Begier, điều phối viên chương trình về mối nguy của động vật hoang dã tại sân bay thuộc Sở Nông nghiệp Hoa Kỳ, từng cho biết, các sân bay ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới đều sử dụng pháo sáng hàng ngày để đuổi chim. "Ánh sáng và tiếng ồn gây chú ý cho bầy chim và khiến chúng tránh xa", Begier nói.

Tuy nhiên, đối với chim săn mồi, cách làm này không mấy hiệu quả so với các loại thủy cầm.

Nuôi chó

Năm 1999, khi chó được đưa vào sử dụng lần đầu tiên, các sự cố va chạm chim giảm khoảng 17%.

Một con chó giống collie biên giới, tên Sky, được giao nhiệm vụ đuổi chim tại Sân bay Quốc tế Southwest Florida ở Fort Myers, Florida trong 5 năm. Vào năm 1999, khi chó được đưa vào sử dụng lần đầu tiên, các sự cố va chạm chim giảm khoảng 17%.

Theo đại diện sân bay, những loài chim như diệc, diệc bạch hay gà nước có thể quen dần với pháo sáng, nhưng không bao giờ thích ứng với loài săn mồi tự nhiên như Sky.

Ngoài ra, nhiều quốc gia khác còn áp dụng các phương pháp độc đáo như nuôi lợn để ăn trứng chim, diệt cỏ và côn trùng để khỏi thu hút chim và loài gặm nhấm, tăng độ bền kính chắn gió hay tận dụng radar máy bay để phát hiện chim...

Theo Khoa học và Đời sống

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ