Khám phá bầu khí quyển sao Hỏa
Tàu thăm dò Al-Amal được tên lửa đẩy H-2A phóng thành công từ Trung tâm không gian Tanegashima của Nhật Bản hôm 20/7, sau một tuần bị trì hoãn do điều kiện thời tiết xấu.
Đúng một tiếng sau khi rời bệ phóng, Al-Amal tách khỏi tên lửa đẩy để bắt đầu tự hành trong tiếng vỗ tay vui mừng của những người có mặt tại phòng điều khiển.
Sau đó vài giờ, cơ quan chỉ huy mặt đất của tàu thăm dò đặt tại Trung tâm không gian Mohammed bin Rashid ở Dubai (UAE) đã thiết lập thành công hệ thống liên lạc hai chiều với Al-Amal. Theo lịch trình, tàu thăm dò sẽ thực hiện chuyến đi kéo dài 7 tháng trên quãng đường 493 triệu km để tới quỹ đạo sao Hỏa vào tháng 2/2021. Sau hơn một tuần, tàu Al-Amal đã đi được quãng đường gần 3 triệu km.
Dự án nghiên cứu và chế tạo tàu thăm dò Al-Amal có trị giá khoảng 200 triệu USD. Sản phẩm này là kết quả hợp tác giữa Cơ quan Không gian UAE với các chuyên gia Đại học Colorado Boulder của Mỹ. Tàu thăm dò Al-Amal có tổng trọng lượng 1.350 kg tương đương một chiếc xe SUV, chiều cao thân chính là 3 mét và hệ thống ăng-ten cao 1,85 mét. Trên tàu có các tấm thu năng lượng mặt trời khi trải ra có chiều rộng 8 mét, công suất 600 watt để cung cấp năng lượng cho tàu hoạt động.
Khi tới quỹ đạo sao Hỏa vào tháng 2/2021, tàu Al-Amal sẽ mất 55 tiếng cho mỗi một vòng quay quanh hành tinh này để thu thập các dữ liệu về bầu khí quyển. Theo kế hoạch, con tàu sẽ hoạt động trong suốt một năm sao Hỏa (tương đương với 687 ngày trên Trái đất).
Điều đặc biệt tại một quốc gia Hồi giáo như UAE là vị khoa học gia trưởng chịu trách nhiệm giám sát trực tiếp quá trình phóng tàu thăm dò Al-Amal là một phụ nữ trẻ có tên Sarah al-Amiri. Nhà khoa học gốc Iran 33 tuổi này cũng là phụ nữ đầu tiên giữ trọng trách Quốc vụ khanh về công nghệ tiên tiến của UAE.
Chia sẻ với báo chí sau khi tàu Al-Amal rời bệ phóng tại Nhật Bản, nữ chuyên gia Sarah al-Amiri cho biết: “Đó là một vệ tinh thời tiết và mục tiêu chính của sứ mệnh này là tìm hiểu xem thời tiết trên sao Hỏa đóng vai trò như thế nào trong hiện tượng thất thoát khí quyển ở đây”.
Ngay sau đó, nhóm phụ trách sứ mệnh thăm dò sao Hỏa của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã gửi lời chúc mừng tới các đồng nghiệp UAE qua Twitter: “Xin chúc mừng các bạn! Chúng tôi mong các bạn sẽ có một chuyến hành trình thành công và chờ đợi các bạn đổ bộ để cùng khám phá sao Hỏa”.
Như vậy hiện có 3 dự án chạy đua tới sao Hỏa gồm tàu Tianwen-1 của Trung Quốc, Mars 2020 của Mỹ và Al-Amal của UAE. Cả 3 tàu thăm dò này dự kiến sẽ tới quỹ đạo sao Hỏa vào khoảng thời gian cùng với nhau, thời điểm lý tưởng xảy ra hai năm một lần khi Trái đất và sao Hỏa nằm ở vị trí gần nhau nhất.
Tuy nhiên, khác với các tàu thăm dò của Mỹ và Trung Quốc, tàu Al-Amal của UAE sẽ chỉ bay quanh quỹ đạo của hành tinh đỏ mà không tiến hành đáp xuống. Kể từ thập kỷ 60 của thế kỉ trước đến nay đã có hàng chục tàu thăm dò sao Hỏa được phóng từ Trái đất, trong đó chủ yếu là của Mỹ. Đa phần trong số này đã không tới được đích hoặc thất bại trong việc đổ bộ xuống hành tinh đỏ.
Tham vọng vũ trụ của UAE
Nữ khoa học gia Sarah al-Amiri nhấn mạnh việc phóng tàu thăm dò sao Hỏa Al-Amal vừa qua chính là “tương lai của UAE”. Vương quốc giàu mỏ này cũng mong muốn sự kiện trở thành niềm cảm hứng cho giới trẻ toàn khối Ả Rập trong bối cảnh khu vực luôn phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ các cuộc xung đột giáo phái.
Thông báo chính thức của chính phủ UAE cũng coi việc phóng tàu Al-Amal là “một thông điệp về sự tự hào, niềm hy vọng và mong muốn hòa bình, đồng thời làm mới lại thời hoàng kim của thế giới Ả Rập và Hồi giáo”.
Thời điểm tàu Al-Amal tới quỹ đạo sao Hỏa tháng 2/2021 cũng mang đầy tính biểu tượng bởi nó đánh dấu cột mốc kỷ niệm 50 năm ngày ra đời của Vương quốc UAE. Để đạt được thành tựu mang tính lịch sử này, UAE đã đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển lĩnh vực không gian từ nhiều năm trước.
Năm 2009 và 2013, họ đã hợp tác với các đối tác Hàn Quốc phóng thành công các vệ tinh đầu tiên của UAE. Năm 2014, nước này cũng đi tiên phong trong thế giới Ả Rập khi thành lập cơ quan không gian quốc gia để tổ chức toàn bộ công cuộc khám phá vũ trụ.
Mới đây nhất vào tháng 9/2019, UAE đã có phi hành gia đầu tiên vào không gian là Hazza al-Mansouri. Ông là một thành viên trong phi hành đoàn 3 người được phóng vào vũ trụ trên một tên lửa đẩy Soyuz của Nga. Phi hành gia này đã trở về Trái đất an toàn sau sứ mệnh 8 ngày và trở thành người Ả rập đầu tiên có mặt trên Trạm Không gian Quốc tế (ISS).
Ngoài ra, UAE cũng đang lên kế hoạch xây dựng một thành phố khoa học chưa từng có nằm gọn bên trong một mái vòm khổng lồ màu trắng, tọa lạc giữa vùng sa mạc ở ngoại ô thành phố Dubai. Tại đây sẽ mô phỏng hoàn toàn các điều kiện trên sao Hỏa nhằm phát triển những công nghệ phục vụ cho tham vọng chinh phục và đưa người sinh sống trên hành tinh đỏ của UAE vào năm 2117.
Chính quyền UAE trong những năm qua cũng triển khai hàng loạt chiến dịch nhằm đẩy mạnh giáo dục STEM và họ coi chương trình không gian là một phần quan trọng trong đó. Nước này cũng bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới và đang đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp quốc phòng của riêng mình.
Tàu thăm dò sao Hỏa Al-Amal vừa được phóng thành công vào không gian là thành tựu chung của khoảng 200 kỹ sư và nhà khoa học UAE làm việc trong suốt 6 năm qua. Giám đốc NASA Jim Bridestine đánh giá đây là khoảng thời gian nhanh đến đáng kinh ngạc của các đồng nghiệp UAE để nghiên cứu và tạo ra con tàu thăm dò vũ trụ đầu tiên của thế giới Ả Rập.