Thay vì làm hộ việc nhà, cha mẹ hãy động viên, hướng dẫn con cách làm

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, nếu không được rèn thói quen lao động hợp lứa tuổi, trẻ sẽ dần đánh mất tính độc lập và không biết trân trọng thành quả của người khác...

Ảnh minh hoạ: INT.
Ảnh minh hoạ: INT.

Tôn trọng mong muốn tự lập

Chị Thu Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội) kể, năm 2016, vợ chồng chị sinh bé Nấm - con gái đầu lòng. Do bận công tác, khi con gần 2 tuổi, vợ chồng chị gửi con cho ông bà nội ở quê chăm sóc, mỗi tuần về thăm con một lần.

Ông bà rất cưng chiều và hầu như làm hết mọi việc cho cháu từ lấy nước đánh răng, rửa mặt, mặc quần áo hay bón cơm. Khi đón con lên Hà Nội sống cùng bố mẹ, vợ chồng chị mới tá hỏa, bởi gần 6 tuổi, cháu vẫn lúng túng khi vệ sinh cá nhân. Mỗi khi bố mẹ cho đi chơi công viên hay đến chỗ đông người, Nấm nhút nhát không dám chơi cùng các bạn nếu không có bố mẹ…

Anh Phúc Lai, tên thật là Ngô Ngọc Phương - Thạc sĩ Luật Quốc tế, tác giả cuốn sách “Dạy con dạy cha” cũng từng đau đầu bởi “giao con cho giúp việc”. Chỉ hơn 1 năm, anh đã thấy đứa con trai 4 tuổi của mình phụ thuộc vào máy tính, smartphone, thường hạch sách và ỷ lại. Thấy không ổn, anh quyết định tìm công việc bán thời gian và dành thời gian chăm sóc, dạy dỗ con.

“Tự lập, yêu lao động là một trong những tính cách cơ bản, đóng vai trò quan trọng giúp con sau khi trưởng thành có thể bản lĩnh, tự tin và vững vàng hơn trong cuộc sống. Con có thể tự lo cho mình thật tốt dù không có cha mẹ bên cạnh hay gặp bất kỳ tình huống khó khăn nào”, anh Phúc Lai nhận định.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng: Ngay từ khi 1 tuổi rưỡi đến 2 tuổi, trẻ đã đòi hỏi được tự mình làm những việc đơn giản như tự xúc cơm ăn, tự đi giày, mặc quần áo, đi vệ sinh, dọn dẹp giường ngủ, đồ chơi. Thế nhưng, nhiều cha mẹ quan niệm con còn bé, không biết làm hoặc không kiên nhẫn nhìn thấy con làm rơi vãi, vụng về trong từng việc nên thường “làm hộ” con.

Thậm chí, có người còn sợ con làm đổ hay bẩn đồ nên không cho con đụng vào bát đũa, hay tự lấy nước uống, giặt quần áo...

Theo chuyên gia Nguyễn Minh Hương, Trung tâm tư vấn tâm lý Mai Chi: Thực tế, suy nghĩ và hành động của bố mẹ khi con còn bé khiến con ỷ lại vào bố mẹ, thậm chí đứa trẻ trở nên nhút nhát, không dám thể hiện bản thân mình. Trong khi đó, nhiều cha mẹ nghĩ rằng, làm giúp con là thể hiện tình yêu thương, chỉ muốn con chú tâm vào ăn, học và chơi. Do đó, thay vì làm hộ con, cha mẹ hãy động viên, hướng dẫn con cách làm, hoặc cho trẻ nhìn và bắt chước hành động của mình, trẻ sẽ tự làm được mọi việc.

Khi bé đã quen việc, cha mẹ có thể cho con tham gia vào hoạt động gia đình, phù hợp lứa tuổi như dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo bằng cách vừa làm vừa hướng dẫn. Điều quan trọng, cha mẹ không phàn nàn, cau có hay quát nạt mà nên động viên con ở mức hợp lý.

Từ 4 - 6 tuổi, trẻ có thể tự chăm sóc bản thân, tự giác học tập và có quan điểm riêng của mình. Cha mẹ cũng cần lập thời gian biểu học tập và vui chơi hằng ngày cho trẻ, cân bằng giữa việc học và việc vui chơi, không tạo áp lực cho con...

Ảnh minh hoạ: INT.

Ảnh minh hoạ: INT.

Hun đúc tình yêu lao động cho trẻ

Thực tế cho thấy, lao động luôn là cách tốt nhất để rèn đạo đức cho một con người. Bởi vậy, cha mẹ hãy cho con tập làm các công việc từ tự chăm sóc bản thân cho đến việc nhà, quản lý, sắp xếp mọi thứ trong gia đình. Phạt khi con có những hành vi thiếu tôn trọng ai đó, đặc biệt là phạt nặng khi con thiếu tôn trọng những người làm công việc tay chân cũng là điều nên làm để con tôn trọng người khác, tôn trọng nghề nghiệp của mọi người.

Đặc biệt, bố mẹ cũng cần cẩn trọng khi đánh giá ai đó. Nếu cha mẹ thiếu tôn trọng công việc của người khác, con sẽ học ngay và điều đó sẽ rất có hại.

Chuyên gia Nguyễn Minh Hương cho rằng: Những đứa trẻ yêu thích lao động từ nhỏ, cuộc sống sau này sẽ tốt hơn, có thể thành công dễ dàng hơn. Hơn nữa, lao động có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển tâm sinh lý của trẻ. Qua đó, trẻ có thể hình thành thế giới quan, có khả năng tự rút kinh nghiệm, lựa chọn phương pháp làm việc hiệu quả nhất, trẻ biết cân đối, sắp xếp thời gian dẫn đến yêu quý thời gian.

“Với những việc làm cụ thể, cha mẹ có thể giúp con trở thành một đứa trẻ yêu thích lao động. Cha mẹ hãy làm gương, làm mẫu cho con, có hướng dẫn bằng hình ảnh minh họa để con luôn hứng thú. Từ 2 – 3 tuổi là giai đoạn tuyệt vời để bạn dạy con yêu lao động và tôn trọng sức lao động.

Cha mẹ hướng dẫn và tạo cho con thói quen tự giác lao động (việc nhỏ) như tự cất đồ chơi, gấp quần áo, để đồ dùng đúng nơi quy định... Qua một vài việc nhỏ, cha mẹ cho con biết có thể tự làm rất tốt việc đó và không phải chỉ ngồi đó và nhận kết quả của người khác làm”, chuyên gia Minh Hương nói.

Còn anh Phúc Lai cho rằng, có muôn vàn lý do để cha mẹ tước đi của trẻ rất nhiều việc mà lẽ ra đó phải là công việc và trách nhiệm của con. Ở thời điểm cần dạy trẻ tính tự lập và tình yêu lao động để làm nền móng vững chắc cho giai đoạn thiếu niên và thanh niên thì cha mẹ lại không cho trẻ làm, rồi đột nhiên khi trẻ lớn lên vẫn quen với thói quen được cung phụng thì cha mẹ lại bắt đầu ca thán và la mắng con rằng sao lại ỷ lại và dựa dẫm thế.

“Cha mẹ cần dạy con biết vượt qua chông gai, dạy cho con muốn tìm ra được giải pháp phải chia sẻ với người khác. Cha mẹ cũng đừng áp đặt cho các con, hãy là người hướng dẫn và đồng hành hoặc đưa ra hướng giải quyết để con tự tìm phương án cho vấn đề của mình”, anh Phúc Lai cho biết.

Người bố của cậu con trai 12 tuổi và con gái 8 tuổi chia sẻ, vợ chồng anh biết, khóc cũng là cách để đứa trẻ giải tỏa stress nên anh thường không dỗ dành nhiều. Anh cho con trai lựa chọn những môn học yêu thích, cho con được bày tỏ quan điểm của mình và được dạy yêu lao động.

“Con trai tôi đã biết sửa đồ gia dụng với bố, còn con gái có sở thích khâu chăn hay làm đồ handmade với mẹ. Số tiền bán đồ handmade do cháu làm ra đều được trích gửi từ thiện”, anh Phúc Lai nói. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.