Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em, trong đó quy định mức phạt với các hành vi bạo lực với trẻ mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa trình Chính phủ đang thu hút sự quan tâm của dư luận và các gia đình.
Gây tranh cãi là quy định "mức phạt tiền từ 3- 5 triệu đồng với cha, mẹ, người chăm sóc bắt trẻ làm công việc gia đình quá sức, quá thời gian, ảnh hưởng đến học tập, vui chơi, giải trí, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ".
Một trong điểm mới của Dự thảo liên quan tới trẻ làm việc nhà.
Trao đổi với PV Gia Đình Mới ngày 6/10, nữ luật sư Đinh Hương - Chủ tịch Hội Nữ luật sư Hà Nội cho rằng: "Quy định này là cần thiết song nhìn nhận thực tế chúng ta thấy, rất nhiều phụ huynh, nhất là ở các vùng quê, miền núi, vùng sâu, vùng xa, còn đang nhầm lẫn giữa việc dạy bảo con và bóc lột sức lao động của con.
Ví dụ, khi về các vùng quê khó khăn, chúng ta không khó để nhìn thấy hình ảnh những đứa trẻ lớp 1, lớp 2 đi chăn trâu, cắt cỏ. Trong khi ở lứa tuổi đó, trẻ em chỉ mới phải giúp bố mẹ rửa bát, quét nhà, phơi đồ...
Ở nhiều gia đình đặc biệt khó khăn, mới học lớp 3, lớp 4, chưa tới 10 tuổi nhưng các em đã phải cùng bố/mẹ đi làm thuê như trông lúa, nhặt rơm ngoài đồng, hái củi...
Ở những vùng quê khó khăn, trẻ phụ bố mẹ công việc đồng áng là chuyện thường tình.
Do đó, tôi cho rằng, bên cạnh việc ban hành các quy định mới, các nhà chuyên môn nên nghĩ tới "cái gốc" của vấn đề, của sự việc.
Làm thế nào để tất cả các ông bố, bà mẹ hiểu một cách đúng đắn nhất về quyền, bổn phận và trách nhiệm của trẻ, của bố mẹ trong một gia đình.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức chính là gốc rễ. Khi đó, những quy định trong Dự thảo có lẽ mới có thể được thực hiện một cách dễ dàng".
Đồng tình với ý kiến của luật sư Đinh Hương, Thạc sỹ - Luật sư Nguyễn Văn Cường - Đoàn Luật sư Chính pháp cho rằng: "Quy định mới về làm việc nhà trong Dự thảo có tác dụng giúp cho trẻ nhận biết được những quyền của mình.
Khi đó, các em sẽ tự mình bảo vệ chính mình, hoặc có cơ sở pháp lý để ngăn chặn hành vi bóc lột sức lao động của mình.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, phụ huynh chưa nắm được đâu là giới hạn việc nhà theo độ tuổi của trẻ.
Nhiều ông bố bà mẹ chỉ nghĩ rất đơn giản: Càng cho con làm việc sớm thì con sẽ biết làm nhiều việc, chủ động cho cuộc sống sau này mà không biết cái suy nghĩ đơn giản đó của mình lại đang vi phạm quyền trẻ em.
Bố mẹ của những trẻ em này có biết những công việc này là quá sức đối với trẻ?
Hay đôi khi, các bậc phụ huynh lấy những công việc nhà là "công cụ" để khiến trẻ bớt ham chơi, mong trẻ có trách nhiệm với gia đình.
Việc nhầm lẫn này thường xảy ra ở những địa phương xa Trung tâm, hạn chế các thông tin phương tiện truyền thông và trong các gia đình nghèo, đời sống kinh tế khó khăn.
Do vậy, trước khi ban hành quy định phạt tiền từ 3- 5 triệu đối với bố mẹ bắt con làm việc nhà quá sức..., cần thiết phải tuyên truyền để các phụ huynh nhận biết những công việc nhà phù hợp với độ tuổi của con mình, không nhầm lẫn giữa dạy bảo con và bóc lột sức lao động của con.