Khuyến khích trẻ làm việc nhà

GD&TĐ - Thật tuyệt vời khi cả nhà cùng bắt tay vào việc làm một bữa cơm tối ấm cúng. Và lý thú hơn khi những cô bé, cậu bé tuổi mẫu giáo cũng được tham gia vào việc ấy với tư cách là… “nhân vật chính”. 

Khuyến khích trẻ làm việc nhà

Các bậc phụ huynh hãy tạo nhiều cơ hội cho trẻ “thể hiện” mình như là một thành viên “trưởng thành”, có ích trong gia đình. Tất nhiên sự giúp đỡ của trẻ có giới hạn, nhưng đây là những bài học đầu đời nhằm giúp trẻ có ý thức tự giác khi làm việc nhà mà không phải đợi mẹ cha sai bảo.

Biến việc nhà thành niềm vui thích

Bữa ăn gia đình tuy là hình ảnh diễn ra hàng ngày, song lại chứa đựng biết bao nhiêu điều kỳ diệu. Đây là thời điểm để cả gia đình cùng quây quần bên nhau sau một ngày lao động, học tập vất vả.

Ngoài việc giúp gắn kết mỗi thành viên với nhau, chia sẻ vui buồn trong cuộc sống, còn là cách giữ cho ngọn lửa gia đình mãi ấm cúng, không lụi tàn.

Trong bữa ăn, trẻ có nhiều khám phá truyền thống gia đình, có những cuộc thảo luận lý thú và phát triển kỷ luật tự giác. Tập thành thói quen dùng bữa thường xuyên và đều đặn tại mâm cơm cùng các thành viên khác trong nhà sẽ giúp trẻ có cảm giác an toàn và ổn định.

Bữa cơm gia đình tác động rất lớn đến việc hình thành tính cách của một đứa trẻ. Khuyến khích con trẻ phụ giúp cha mẹ nấu ăn cũng là cách để trẻ thấy gia đình bao giờ cũng là số một.

Với tập tính bắt chước, trẻ con sẽ cảm nhận được tầm quan trọng của bữa cơm gia đình khi cùng cha mẹ vào bếp. Con bạn sẽ hiểu biết nhiều hơn về giá trị của sức lao động, cho dù trẻ có làm tốt hay thất bại công việc đó đi chăng nữa.

Đừng từ chối khi con bạn nói: “Con có thể giúp ba mẹ chuẩn bị bữa ăn được không?” chỉ vì bạn sợ trẻ làm đổ vỡ bát đĩa. Cho dù bạn có thực hiện công việc đó một mình nhanh như thế nào, bạn cũng nên yêu cầu trẻ giúp bạn.

Những công việc nhẹ nhàng sau đây các bé có thể hoàn thành tốt và an toàn: Cắm hoa để đặt lên bàn ăn, rửa trái cây, lặt rau, đặt bánh mì vào đĩa, lau chùi bàn, ghế… Ngoài ra trong bữa ăn, nên hỏi con làm việc nhà có mệt không, có hứng thú không, hoặc chưa vừa lòng ở chỗ nào.

Khơi gợi tính tự giác ở trẻ

Phụ huynh nên chủ động hỏi trẻ: “Con thích giúp ba mẹ chuyện gì?” và cho phép trẻ thực hiện điều trẻ muốn làm trong khuôn khổ an toàn.

Để giữ được sự hào hứng của trẻ, phụ huynh đừng tiếc lời khen khi bé hoàn thành nhiệm vụ. Ngay cả khi con bạn làm đổ thức ăn hay nhặt rau không khéo cũng chẳng sao, vẫn nên có những lời động viên thích hợp.

Ngoài ra, trong bữa ăn, nên khuyến khích trẻ tự giác bằng việc đề nghị: “Con lấy giùm ba cái muỗng với đôi đũa nào”, hoặc “mẹ quên đĩa rau dưới nhà bếp rồi, con xuống lấy giúp mẹ với”.

Dần dần ba mẹ có thể nhờ trẻ phụ mình dọn một bữa cơm bằng việc bưng chén, đũa hoặc một đĩa trái cây. Lâu ngày, trẻ định hình được ý thức và cảm thấy mình cần phải giúp ba mẹ thay vì đợi ba mẹ lên tiếng.

Lưu ý, khi nhờ trẻ bưng bê, cần tránh những đồ vật quá nặng và nguy hiểm (như nước sôi, vật sắc nhọn). Và cũng không nên nhờ trẻ giúp với thái độ như ra lệnh.

Điều đó chỉ làm cho trẻ không vui, khó có thể giúp ba mẹ cho những lần sau. Cảm ơn không bao giờ thừa trong mọi trường hợp, nên khi được trẻ giúp, ba mẹ nhớ tặng cho con mình một lời cảm ơn ngọt ngào.

Cũng có nhiều trường hợp ba mẹ vì cưng chiều con cái, không muốn con phải nhọc công nên chuyện gì mình cũng giành làm mà không tạo cơ hội cho con trẻ thể hiện.

Kết quả cho sự nuông chiều, thụ động ấy là theo thời gian, trẻ lớn dần, có tính lười biếng, chỉ biết hưởng thụ mà không thích làm gì cả. Mặt khác, giả dụ trẻ có muốn làm thì cũng không biết phải bắt đầu từ đâu và làm như thế nào để cho công việc hoàn thành tốt.

Sau một thời gian “tập dượt”, trẻ sẽ quen và thuần thục với “công việc”, đồng thời cảm thấy hạnh phúc với một bữa cơm gia đình ấm cúng có sự góp công của mình. Đây cũng là cách giúp bé năng động, khám phá, không ỷ lại hay lười biếng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ