Thầy và trò vực dậy sau lũ

GD&TĐ - Ngành Giáo dục tỉnh Quảng Bình đang huy động mọi nguồn lực nhằm khắc phục cơ sở vật chất bị hư hại do bão, lũ...

Giáo viên Trường Mầm non Vĩnh Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) dọn dẹp sau lũ.
Giáo viên Trường Mầm non Vĩnh Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) dọn dẹp sau lũ.

Những ngày qua, ảnh hưởng bão số 6 gây mưa lớn tại các tỉnh miền Trung. Nhiều trường học ở Quảng Bình và Quảng Trị bị ngập trong nước, phải cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Trường học ngập trong nước

Quảng Bình chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ. Trong đó, huyện Lệ Thủy được xem là vùng “rốn lũ” suốt 2 ngày qua, khiến nhiều trường học bị ngập sâu. Thậm chí, nước dâng cao nên một số điểm trường ngập gần hết tầng 1.

Theo thống kê sơ bộ có 41 trường học bị ngập sâu, 40 trường học bị ảnh hưởng do nước lũ. Đến chiều 29/10, hơn 30.000 học sinh trên địa bàn huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) chưa thể quay lại trường học. Dù nước lũ bắt đầu rút, nhưng nhiều cơ sở giáo dục vẫn chìm trong nước, có nơi còn ngập sâu trên 1,5m.

Ông Nguyễn Văn Vững - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lệ Thủy cho biết, sau khi nắm bắt diễn biến phức tạp của thiên tai và công văn của sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT huyện Lệ Thủy đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn chủ động di dời trang thiết bị, đồ dùng dạy học lên vị trí cao; triển khai chằng chống trường, lớp nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra.

“Đến thời điểm này, công tác đảm bảo an toàn cho thầy và trò trên địa bàn vẫn duy trì. Tuy nhiên, nhiều trường học ngập trong nước lũ nên chưa thể thống kê hư hỏng tài sản, cơ sở vật chất”, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lệ Thủy cho hay.

Huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) cũng là địa phương bị tàn phá nặng nề trong trận mưa lũ. Trên địa bàn có 45 trường học bị ảnh hưởng bởi nước lũ. Một số hạng mục của các trường học gồm: Trường Mầm non Tân Ninh, Trường Tiểu học Tân Ninh, Trường THCS Tân Ninh bị hư hỏng do mưa lũ.

Từ sáng 27/10, mực nước các sông, suối dâng cao làm nhiều thôn, bản của xã Trường Sơn, như Dốc Mây, Rìn Rìn, Trung Sơn, Ploang Sơn bị cô lập hoàn toàn. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho cả thầy và trò, các điểm trường trên địa bàn dừng tất cả hoạt động dạy học.

thay-tro-vuc-day-sau-lu-2.jpg
Nhiều trường học tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) ngập sâu trong biển nước. Ảnh: Lan Nhi

Nước lũ rút đến đâu, dọn dẹp đến đó

Do ảnh hưởng của mưa lũ, đến ngày 29/10, còn 19 trường học trên địa bàn huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), với hơn 5.670 học sinh các cấp nghỉ học. Chia sẻ thông tin, ông Lê Thanh Hải - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Linh đồng thời cho hay, do nằm trên địa bàn thấp trũng, một số điểm trường bị ngập sâu từ 0,5-1,0m, số khác do đường giao thông gây chia cắt. Các trường đã cho học sinh nghỉ để đảm bảo an toàn.

Trước đó, nhận thấy bão số 6 gây mưa lớn, có khả năng ngập lụt, phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường theo dõi, nắm bắt, chủ động ứng phó, có biện pháp di chuyển trang thiết bị, đồ dùng dạy học lên vị trí cao, bảo vệ tài sản trường học an toàn, đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên. Nhờ công tác chủ động nên mưa lũ không gây thiệt hại đến các trường. “Ngay sau khi nước lũ rút, các trường tập trung khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh trường lớp, đảm bảo ổn định dạy học”, ông Lê Thanh Hải cho hay.

Đóng chân ở vị trí thấp, để đảm bảo an toàn, Trường Tiểu học & THCS Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh, Quảng Trị) cho học sinh nghỉ học 2 ngày nay. “Trường Tiểu học & THCS Vĩnh Sơn có hơn 490 học sinh. Trong sáng 29/10, nước lũ còn lưu lại sân trường khoảng 20cm, không gây ảnh hưởng đến cơ sở vật chất. Tuy nhiên, học sinh của trường ở các địa bàn ngập lụt nên chưa thể đến lớp. Nhà trường theo dõi tình hình mưa lũ để có kế hoạch cho học sinh trở lại học tập khi thấy an toàn”, thầy Hiệu trưởng Trần Minh Huy cho hay.

Khi nước lũ rút xuống, bùn đất và đồ đạc tại nhiều trường học trên địa bàn bị xáo trộn. Trong bối cảnh đó, nhiều trường đã khẩn trương dọn dẹp vệ sinh, lau rửa cơ sở vật chất để nhanh chóng ổn định hoạt động dạy học. Thực hiện phương châm “nước rút đến đâu, dọn dẹp đến đó”. Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Lệ Thủy, Quảng Bình) đã huy động cán bộ quản lý, giáo viên túc trực và tiến hành dọn dẹp trường lớp khi nước bắt đầu rút.

Thầy Nguyễn Văn Thành - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh chia sẻ: “Sau khi nước lũ rút, khối lượng bùn đất, rác thải đọng lại ở khuôn viên, lẫn trong các phòng học lớn nên việc dọn dẹp vệ sinh rất vất vả. Để tiết kiệm thời gian và công sức, các trường học tranh thủ thời điểm nước đang rút, huy động cán bộ, giáo viên dùng các vật dụng làm nhão bùn để theo nước trôi ra ngoài và không đọng lại trên tường hay nền nhà”.

Trong đợt mưa lớn vừa qua, nước lũ về bất ngờ, dâng lên nhanh khiến nhiều trường không kịp trở tay. Dù nằm trong địa bàn thấp trũng, dường như đã quen với mưa lũ, nhưng một số trường vẫn gặp khó khăn.

Chia sẻ của cô Võ Thị Đoài - Hiệu trưởng Trường Mầm non An Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình): “Dù nhà trường sớm triển khai phương án ứng phó với mưa lũ nhưng mức nước và sức gió quá lớn, làm hư hỏng một số hạng mục trong trường. Để sớm đưa trò trở lại trường, chúng tôi đã bố trí thầy cô dọn dẹp ngay khi nước lũ đang rút”.

Tại Trường Tiểu học Thị trấn Quán Hàu (Quảng Ninh, Quảng Bình), nhiều thầy cô giáo gác lại việc nhà để đến trường tập trung làm công tác vệ sinh, đảm bảo hoạt động dạy học diễn ra theo kế hoạch.

thay-tro-vuc-day-sau-lu-1.jpg
Trường Mầm non Võ Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) ngập trong biển nước. Ảnh: Lan Nhi

Vực dậy sau lũ

Nước lũ có chiều hướng rút, giáo viên và học sinh huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh phải đối mặt với nhiều khó khăn. Việc đưa các trường học về tình trạng ban đầu, đảm bảo trang thiết bị dạy học được xem là thách thức lớn trong thời điểm này.

“Trước những diễn biến bất thường của thiên tai, các cơ sở giáo dục trên địa bàn chưa có kế hoạch dạy học trở lại. Tuy nhiên, phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường khẩn trương khôi phục, dọn dẹp vệ sinh khi nước lũ rút xuống, đảm bảo nhịp sống học đường”, bà Lê Thị Hải Như - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quảng Ninh cho biết.

Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, theo dõi sát diễn biến của bão, lũ để có biện pháp ứng phó kịp thời. Đối với vùng với nhiều sông suối, địa bàn phức tạp có nguy cơ xảy ra lũ và sạt lở đất, sở GD&ĐT chỉ đạo các trường học theo dõi sát diễn biến thời tiết để tuyên truyền cho học sinh nhằm tránh những rủi ro đáng tiếc.

Theo đó, tùy theo diễn biến mưa lũ và điều kiện thực tế tại cơ sở, hiệu trưởng, giám đốc các đơn vị trực thuộc sở; trưởng phòng GD&ĐT, giám đốc trung tâm GDNN-GDTX các huyện, thị xã, thành phố chủ động cho học sinh nghỉ và đi học trở lại sau bão, lũ. Khi xảy ra mưa lũ, Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các đơn vị, cơ sở giáo dục phân công người trực 24/24 giờ, bố trí đủ lực lượng để triển khai hiệu quả phương án chống mưa bão, lũ lụt, kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Ông Nguyễn Đình Hải - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình cho biết, để sớm đưa hoạt động dạy và học trở lại bình thường, sở đã có chỉ đạo khắc phục sau mưa lũ. Theo đó, các cơ sở giáo dục thống kê tình hình thiệt hại về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, sách giáo khoa và đồ dùng học tập của học sinh; rà soát, lập danh sách học sinh bị ảnh hưởng mưa lũ để có phương án hỗ trợ.

Ngành Giáo dục tỉnh Quảng Bình đang huy động mọi nguồn lực nhằm khắc phục cơ sở vật chất bị hư hại do bão, lũ, đồng thời tăng cường phối hợp với địa phương, gia đình trong tổ chức giảng dạy, học tập đảm bảo an toàn, chất lượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ